Biển Đông: TQ đã “quân sự hóa hoàn toàn” 3 đảo ở Trường Sa
Đô đốc Mỹ John C Aquilino, tư lệnh lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương ngày 20/03/2022 cho biết: Trung Quốc đã “quân sự hóa hoàn toàn” ít nhất 3 trong số 7 hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở vùng quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông, bố trí trên đó nhiều hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị gây nhiễu và bắn laser, cùng máy bay chiến đấu.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP, đô đốc Aquilino nhắc lại rằng các hành vi hiếu chiến đó hoàn toàn trái ngược với lời đảm bảo trước đây của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo đó Bắc Kinh sẽ không biến các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp thành căn cứ quân sự.
Ông Aquilino đã nói chuyện với AP trên một chiếc máy bay trinh sát của Hải Quân Hoa Kỳ, bay gần các tiền đồn do Trung Quốc trấn giữ ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, một trong những khu vực tranh chấp nóng bỏng nhất trên thế giới. Trong quá trình tuần tra, chiếc máy bay P-8A Poseidon liên tục nhận được những lời cảnh cáo qua vô tuyến điện từ phía Trung Quốc, nói rằng máy bay Mỹ đã xâm nhập trái phép, vào nơi mà họ nói là lãnh thổ của Trung Quốc, và ra lệnh cho máy bay di chuyển đi nơi khác.
Khi chiếc P-8A Poseidon bay gần các rạn san hô do Trung Quốc chiếm đóng, ở một số nơi, có thể thấy các tòa nhà nhiều tầng, nhà kho, nhà chứa máy bay, cảng biển, đường băng và radar. Gần Đá Chữ Thập chẳng hạn, có hơn 40 tàu đang neo đậu.
Ông Aquilino cho biết việc xây dựng các kho vũ khí tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên Đá Vành Khăn, Đá Subi và Đá Chữ Thập dường như đã hoàn thành, nhưng vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có theo đuổi việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở các khu vực khác hay không.
Đô đốc Mỹ xác định: “Chức năng của những hòn đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của CHND Trung Hoa ngoài các bờ lục địa của họ. Họ có thể tung máy bay chiến đấu, máy bay ném bom cộng với tất cả các khả năng tấn công của hệ thống tên lửa.”
Ông cho biết bất kỳ máy bay quân sự và dân sự nào bay qua tuyến hàng hải đang tranh chấp đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của hệ thống tên lửa trên các đảo của Trung Quốc.
Không có bình luận ngay lập tức từ các quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh luôn cho rằng các cơ sở quân sự của họ hoàn toàn mang tính chất phòng thủ, được bố trí để bảo vệ những gì họ nói là thuộc chủ quyền của mình. (T/H, RFI)