Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bị TQ ‘đóng băng’, xuất khẩu rượu vang của Úc giảm mạnh

Xuất khẩu rượu vang Úc đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm, trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế nhập khẩu cao gần 200%, khiến hoạt động kinh doanh xuất khẩu rượu vang của Canberra vào quốc gia châu Á phần lớn bị ‘đóng băng’.

Ngày 19/10, Cơ quan theo dõi dữ liệu chính thức của ngành công nghiệp rượu vang Úc, Wine Australia, công bố giá trị xuất khẩu rượu vang trong 12 tháng (tính đến hết ngày 30/09/2021) đã giảm 24% xuống còn 2.27 tỷ AUD (1.59 tỷ USD), trong đó doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 77%, còn 274 triệu AUD (191.8 triệu USD).

Cơ quan này cho biết, tỷ lệ xuất khẩu hằng năm của rượu vang Úc sang thị trường lớn nhất châu Á hiện chỉ bằng 1/5 so với mức giá trị 1.3 tỷ AUD trung bình, trước khi Bắc Kinh đưa ra các mức thuế trừng phạt cao vượt ngưỡng, vào tháng 11/2020.

Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề đối ngoại và quy định của Wine Australia Rachel Triggs nói, gần hai phần ba các nhà sản xuất rượu vang Úc đã từ bỏ hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Trung Quốc.

Số lượng chuyến tàu chở rượu vang xuất khẩu từ Úc vào Trung Quốc đại lục đã giảm từ 2,241 chuyến vào năm ngoái, xuống còn 750 chuyến trong năm nay.

Rượu vang Úc được bày bán tại các cửa hàng tại Trung Quốc. (Hình VCG).

Công ty Treasury Wine Estates, nhà sở hữu thương hiệu Penfolds và Wolf Blass, được người dân Trung Quốc rất ưa chuộng, cho biết, doanh nghiệp đã phải chịu mức thuế nhập khẩu lên tới 175.6% cho các lô hàng xuất khẩu sau tháng 11/2020.

Do ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế của Bắc Kinh, hoạt động kinh doanh của Treasury Wine Estates đã bị sụt giảm khoảng 77%. Tuy nhiên, Chủ tịch Paul Rayner của Treasury Wine Estates khẳng định công ty vẫn chưa từ bỏ thị trường đông dân nhất thế giới.

Ông Rayner nói, công ty vẫn có thể tìm kiếm lợi nhuận từ Trung Quốc. Mặc dù đã tăng cường mở rộng các thị trường thay thế khác như Malaysia, Việt Nam và Thái Lan, nhưng Treasury Wine Estates cũng đang lên kế hoạch thúc đẩy chiến lược đa quốc gia, đưa sản phẩm tới Mỹ và Pháp, để từ đó xuất khẩu sang Trung Quốc, nhằm tránh bị đánh thuế cao khắc nghiệt như xuất khẩu trực tiếp từ Úc.

Ngoài sự suy giảm đáng kể từ hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, trong vòng 12 tháng vừa qua, xuất khẩu rượu vang Úc sang Anh đã có mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn 7%, đạt giá trị 460 triệu AUD (322 triệu USD) và tại khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), doanh thu xuất khẩu cũng tăng 135% lên 207 triệu AUD (144.9 triệu USD).

Bà Triggs cho biết, sản lượng thu hoạch nho thấp trong các năm 2018, 2019 và 2020 cũng là một yếu tố góp phần làm chậm hoạt động xuất khẩu rượu vang của Úc.

Sang năm 2021, với sản lượng nho đạt mức xấp xỉ kỷ lục, dự kiến các nhà kinh doanh rượu vang “xứ chuột túi” sẽ có nhiều tiềm năng để mở rộng thương mại hơn nữa, thông qua việc khai thác thêm các thị trường mới, chất lượng rượu vang tốt và giá thấp làm tăng khả năng cạnh tranh. (T/H, TGVN)