Friday, January 3, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

“Bế quan tỏa cảng” ngừa Covid-19, liệu có đáng?

Trong khi các nền kinh tế như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu mở cửa trở lại nhờ tiêm vaccine nhanh chóng, một số nền kinh tế châu Á vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới để phòng dịch…

Người đi làm trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/5. Trung Quốc hiện đã tiêm phòng cho khoảng 12% dân số - Ảnh: AFP/Getty Images.
Người đi làm trong giờ cao điểm buổi sáng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 11/5. Trung Quốc hiện đã tiêm phòng cho khoảng 12% dân số – Ảnh: AFP/Getty Images.

Theo Bloomberg, một số nền kinh tế, chủ yếu ở châu Á Thái Bình Dương, đã kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 nhờ đóng cửa biên giới và các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Tuy nhiên, giờ đây các nền kinh tế này đối mặt với thách thức mới: Đó là mở cửa trở lại với thế giới trong khi nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu.

Nói cách khác, thành công trong chống dịch bệnh của những “thiên đường không Covid” này đang trở thành “chiếc áo giáp sắt” nặng nề. Bởi, trong khi  những thành phố như New York, London đã khôi phục hoạt động kinh doanh nhờ nhanh chóng triển khai tiêm chủng vaccine, thì các trung tâm tài chính như Singapore và Hồng Kồng (Trung Quốc) có nguy cơ bị tụt hậu khi vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới và cố gắng duy trì số ca lây nhiễm ở mức thấp.

CHIẾN LƯỢC CHỐNG DỊCH ĐỐI NGHỊCH NHAU

Sau 18 tháng hoành hành toàn cầu, đại dịch Covid-19 đã cướp đi 3,3 triệu sinh mạng. Các quốc gia như: Trung Quốc, Singapore, Australia và New Zealand ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 thấp hơn nhiều so với những quốc gia đã tiêm phòng cho đông đảo dân chúng.

“Cả thế giới sẽ không trở thành ‘thiên đường không Covid’. Đó không phải là lựa chọn”.

Điều này cho phép người dân tại các nước này trở lại cuộc sống gần như bình thường trong phần lớn thời gian của năm ngoái. Một số nơi thậm chí người dân còn không phải đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, để duy trì trạng thái được tung hô này, các chính phủ phải áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, lệnh cấm xuất nhập cảnh gần như tuyệt đối cùng với chính sách cách ly nghiêm ngặt. Một số ít du khách được phép nhập cảnh phải trải qua nhiều tuần cách ly, không được phép rời khỏi khách sạn. 

Đám đông ngồi kín các quán bar và nhà hàng ở Sydney ngày 30/4 – Ảnh: Bloomberg

Giờ đây, khi chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đang giúp các quốc gia khác trên thế giới trở lại cuộc sống bình thường và mở cửa đón khách quốc tế, nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu việc “bế quan tỏa cảng” để chống Covid có đáng để đánh đổi không, nếu như biện pháp này được áp dụng trong dài hạn. 

“Cả thế giới sẽ không trở thành ‘thiên đường không Covid’. Đó không phải là lựa chọn”, Rupali Limaye, Giám đốc khoa học hành vi và thực hiện tại Trung tâm Tiếp cận Vaccine Quốc tế thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins, cho biết.

Với nhiều người tại các quốc gia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, phản ứng quyết liệt ở những nơi chỉ có số lượng ca nhiễm ít ỏi có vẻ thái quá. 

Người hâm mộ tại một buổi hòa nhạc ở Auckland, New Zealand ngày 24/4 – Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Mỹ đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc đối với những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thành phố New York hiện ghi nhận 95 ca nhiễm Covid-19 mới trên mỗi 1 triệu dân. 

Trong khi đó, tại Singapore – nơi chỉ ghi nhận 4,2 ca nhiễm mới trên mỗi 1 triệu dân, nâng số ca nhiễm trong cộng đồng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2020, đã ngay lập tức chuẩn bị tái áp dụng các biện pháp hạn chế của một năm trước. Các biện pháp này bao gồm cấm ăn uống tại nhà hàng và hạn chế tụ tập trên hai người. Số ca nhiễm tăng trở lại cũng làm dấy lên quan ngại về tính khả thi của “bong bóng du lịch” giữa nước này và Hồng Kông, dự kiến bắt đầu trong tháng này.

Trong khi đó, Đài Loan, sau khi ghi nhận 16 ca nhiễm mới trong cộng đồng hôm 13/5, đã lập tức áp dụng biện pháp hạn chế đối với các phòng tập thể hình và địa điểm công cộng.

Tại Hồng Kông, bất kỳ ai sống cùng tòa nhà với người nhiễm biến thể Covid-19 mới phải cách ly 3 tuần tại cơ sở của chính quyền. Còn chính phủ Australia cho biết có thể sẽ chưa mở lại biên giới tới nửa sau năm 2022. 

 “BẾ QUAN TỎA CẢNG” HAY HỌC CÁCH CHẤP NHẬN LÂY NHIỄM?

Tại nhiều “thiên đường không Covid”, công tác triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra khá chậm chạp.

“Bởi đã rất thành công, chúng tôi thậm chí còn sợ rủi ro hơn so với trước đây”, Peter Collignon, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Quốc gia Australia, tại thủ đô Canberra, cho biết. “Chúng tôi không thể chấp nhận việc để bất kỳ trường hợp Covid nào lọt vào đất nước. Sự sợ hãi gần như đã vượt lên trên mức độ rủi ro”. 

“Tất cả điều này khiến những nơi đã ngăn chặn tốt Covid-19 rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng. Bởi những nơi này, với ít khả năng Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu, không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ biện pháp nới lỏng nào. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng”.

Theo các nhà phân tích, tiếp tục “bế quan tỏa cảng” là cái cái giá mà những “thiên đường không Covid” phải trả để duy trì cách tiếp cận này trong dài hạn. Trong khi đó, những nơi khác trên thế giới học cách chấp nhận một lượng ca nhiễm nhất định, miễn là hệ thống y tế không bị quá tải. 

Hầu hết các chuyên gia đồng tình rằng Covid-19 sẽ không thể biến mất hoàn toàn mà sẽ vẫn tồn tại như một bệnh đặc hữu nhưng không có các đợt bùng phát gây tử vong nhiều như thời gian qua.

Theo GS.Donald Low của Viện Chính sách công thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, để duy trì số ca lây nhiễm gần như bằng 0, các nền kinh tế trên sẽ phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn và khắc nghiệt hơn. 

Trung tâm cách ly Penny’s Bay ở Hồng Kông nơi cách ly những người bị nghi nhiễm do tiếp xúc với người dương tính Covid-19 – Ảnh: Getty Images

“Đây không phải cách làm không ngoan và cũng không thể kéo dài thêm nữa”, ông Donald Low. “Tất cả điều này khiến những nơi đã ngăn chặn tốt Covid-19 đến nay rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng. Bởi những nơi này, với ít khả năng Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu, không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ biện pháp nới lỏng nào. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng”.

Trong khi đó, nhiều quốc gia, chủ yếu ở phương Tây với chiến dịch tiêm chủng vaccine diễn ra nhanh chóng, đang bắt đầu mở cửa trở lại.

Từ ngày 17/5, cư dân Anh và Scotland được phép nhập cảnh vào hơn 10 quốc gia mà không phải cách ly. Còn Mỹ, nơi ghi nhận 35.000 ca nhiễm mới ngày 12/5, chưa từng áp dụng những biện pháp cách ly nghiêm ngặt như ở các “thiên đường không Covid”. Hầu hết các bang của Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 và 25 bang đã gỡ bỏ hoàn toàn. 

Người dân tận hưởng buổi chiều trong công viên Bryant, Manhattan, New York – Ảnh: Getty Images

Đối với Hồng Kông và Singapore, việc duy trì chiến lược dập dịch nghiêm ngặt trong khi các trung tâm tài chính khác như London và New York đã mở cửa trở lại có thể gây ảnh hưởng đáng kể.

Là các trung tâm tài chính, hàng không của châu Á, kinh tế Hồng Kông và Singapore đều phụ thuộc lớn vào du lịch, so với những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc và Australia (có thể chịu được việc đóng cửa lâu hơn). Năm 2019, Hồng Kông là thành phố nổi tiếng nhất thế giới với du khách quốc tế, bất nhấp nhiều tháng xảy ra bất ổn chính trị. Trong khi đó, Singapore đứng ở vị trí thứ tư. London và New York lần lượt xếp vị trí thứ 5 và 11. 

“THIÊN ĐƯỜNG KHÔNG COVID” CÓ THỂ  RƠI VÀO THẾ  TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN 

Rào cản lớn nhất để các “thiên đường không Covid” mở cửa trở lại chính là tốc độ tiêm chủng chậm chạp, cộng với nguồn cung hạn chế và việc người dân không sẵn sàng tiêm vaccine. 

“Các ‘thiên đường không Covid’ có thể rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vaccine, các nền kinh tế này có thể rơi vào vòng luẩn chuẩn và không bao giờ thoát khỏi đại dịch”.

Đến nay, Trung Quốc mới chỉ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 12% dân số. Còn tại Australia và New Zealand, tỷ lệ này lần lượt là 5% và 3%.

Trong khi đó, hiện hơn 1/3 dân số Mỹ và hơn 1/4 dân số Anh đã được tiêm chủng đầy đủ. Bởi không kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, tiêm chủng vaccine được ưu tiên hàng đầu tại các quốc gia này. 

Người dân xếp hàng tại một trung tâm tiêm chủng ở Geelong, Australia ngày 3/5 – Ảnh: Bloomberg

Ở những nơi ghi nhận ít ca nhiễm Covid-19, công chúng đã không còn lo sợ về loại virus đang bùng phát ở Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và Brazil. Trên thực tế, nhiều cư dân tại các “thiên đường không Covid” lo sợ vaccine hơn virus.

Những thông tin về tác dụng phụ như sốt, đau tại chỗ tiêm cũng như những biến chứng nguy hiểm như đông máu, khiến nhiều người e ngại. Do không phải đối mặt với những mối đe dọa trực tiếp từ Covid-19, nhiều người muốn đợi đến khi vaccine được phát triển tiến bộ hơn. 

Các tình nguyện viên cung cấp bình oxy cho bệnh nhân Covid-19 ở Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày 11/5 – Ảnh: Bloomberg

Các “thiên đường không Covid” có thể rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vaccine, các nền kinh tế này có thể rơi vào vòng luẩn chuẩn và không bao giờ thoát khỏi đại dịch. 

“Tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp khiến khả năng mở cửa trở lại của họ càng thu hẹp”, GS.Donald Low của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nhận định. “Nếu vậy, chiến thắng sớm trong cuộc chiến chống Covid-19 của họ lại trở thành chiến thắng kiểu Pyrrhic (ý chỉ kiểu chiến thắng gây tổn thất cho phe thắng, tương đương với thất bại)”. (VNEco)