Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Báo Nhật: Tình cảnh ĐCS Trung Quốc đang giống với Xô viết trước khi sụp đổ

Bài báo cũng chỉ ra đây là cơn ác mộng lớn nhất của Tập Cận Bình, qua một ví dụ về bộ phim ông bắt các quan chức cấp cao xem khi mới nhậm chức.

Trong một bài báo mới đây của mình, Nikkei Asian Review cho rằng vấn đề khó khăn nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối mặt là làn sóng thất nghiệp. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chính thức là 6%, nhưng dữ liệu này không bao gồm số dân thất nghiệp ở nông thôn (do xác định họ vẫn có công việc là làm nông nghiệp). Nếu tính cả lao động di cư, tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Trung Quốc có thể vượt quá 20%.

Công ty Chứng khoán Trung Thái (Zhongtai) cũng ước tính vào cuối tháng 4 rằng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc sẽ vào khoảng 20,5%. Trước đó, Tạp chí Tài Tân (Caixin) đã xuất bản một bài báo vào đầu tháng 4 rằng dịch bệnh có thể khiến 205 triệu người Trung Quốc mất việc. Trong khi số lao động của Trung Quốc là 775 triệu người, vậy tỷ lệ thất nghiệp có khả năng vượt hơn 25%.

Cùng với đó là hơn 8 triệu sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học đang đi tìm việc làm trong năm nay. Với một đội quân thất nghiệp khổng lồ như vậy, đây chính là mối lo lớn của ĐCSTQ.

Một số chuyên gia về Trung Quốc tại Hồng Kông cho rằng có các dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường không nhất trí về cách ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Trung Quốc. Số liệu việc làm mà Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố không theo cách truyền thống mà chính quyền Trung Quốc vẫn đưa ra từ xưa tới nay. Việc không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay cũng là một điều hiếm thấy, nó phần nào cho thấy mối lo ngại của ông Lý về làn sóng thất nghiệp.

Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng số liệu việc làm bất thường của Lý Khắc Cường không đơn giản chỉ là một “công tác báo cáo”. Trong khi ông Tập Cận Bình hy vọng rằng Lý Khắc Cường sẽ đưa ra một tuyên bố lạc quan hơn về triển vọng kinh tế để tuyên dương cái gọi là phòng dịch “thắng lợi”, ông Lý, người phụ trách chính sách tài chính, lại tiết lộ sau cuộc họp Lưỡng hội rằng Trung Quốc hiện đang có 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng).

Nikkei Châu Á cho biết, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc kể từ khi mở cửa ra thế giới bên ngoài vào những năm 1970. Theo Nikkei, mặc dù tự do chính trị bị hạn chế, Trung Quốc vẫn chấp nhận sự cai trị của ĐCSTQ vì mấy chục năm qua đời sống sinh hoạt của họ đã được cải thiện phần nào.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế và làn sóng thất nghiệp sẽ làm rung chuyển chế độ ĐCSTQ. Cơn ác mộng lớn nhất của Tập Cận Bình là Trung Quốc rơi vào hỗn loạn do khủng hoảng kinh tế và chịu chung số phận tan rã như Liên Xô năm 1991.

Có một dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình lo lắng như thế nào về một viễn cảnh như vậy. Khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã ra lệnh cho tất cả các quan chức cấp cao phải xem phim tài liệu về sự sụp đổ của Liên Xô. Bài báo nói rằng đối với Tập, sự sụp đổ của Liên Xô là một bài học cho ĐCSTQ.

Gần đây, nhà công nghiệp Hồng Kông Viên Cung Di (Yuan Gongyi) trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với mục Trân ngôn Chân ngữ của Epochtimes tiếng Trung, đã cho rằng tình hình mà ĐCSTQ phải đối mặt đang rất giống với trước khi Xô viết sụp đổ.

Viên Cung Di nói rằng: “Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl” đã kích hoạt sự tan rã của Xô viết vào thời điểm đó, giống như sự lây lan nhanh chóng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn thế giới sau khi bùng phát ở Trung Quốc. Người dân Liên Xô bắt đầu hiểu rằng Đảng Cộng sản Liên Xô rất vô trách nhiệm, họ đã bị lừa dối và che giấu. Nó giống 100% với sự cố của Viêm phổi Vũ Hán”. Viên Cung Di (Yuan Gongyi)

Viên Cung Di cũng dùng ví dụ về việc Lech Walesa lãnh đạo Liên minh Đoàn kết Ba Lan chống lại và cuối cùng chấm dứt Đảng Cộng sản Ba Lan, thành lập Cộng hòa Ba Lan. Sau Ba Lan, tiếp tục tới Đông Đức, và cuối cùng bức tường Berlin đã sụp đổ và Đảng Cộng sản Liên Xô kết thúc. Nó giống như phong trào “Chống tống Trung” (phản đối dẫn độ về Trung Quốc) của người dân Hồng Kông. Thêm vào đó ông nói rằng cuộc đấu tranh quyền lực hiện nay trong ĐCSTQ là nghiêm trọng và hỗn loạn.

Virus Vũ Hán bùng phát từ cuối năm 2019 và đến nay vẫn đang lan rộng, khiến sự truy cứu trách nhiệm và thiệt hại kinh tế đang tấn công ĐCSTQ ở quy mô chưa từng có. Gần đây, một số người đã liệt kê chi tiết trên Internet 10 cuộc khủng hoảng hàng đầu mà ĐCSTQ phải đối mặt.

Bao gồm: Vấn đề khiếu nại về tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia khác nhau; Khủng hoảng tài chính địa phương ở Trung Quốc; Sự rút lui của các công ty nước ngoàI; Sự sụp đổ của các doanh nghiệp tư nhân; Tình trạng thất nghiệp; Sự nan giải trong tìm kiếm việc làm của sinh viên đại học; An ninh lương thực bị đe dọa; Vấn đề Hồng Kông; Vấn đề Đài Loan; Và câu hỏi liệu thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ có được thực hiện hay không.

Trước các yêu sách và đòi hỏi trách nhiệm từ các nước trên toàn thế giới, cũng như một làn sóng sụp đổ của các doanh nghiệp trong nước và thất nghiệp, lại thêm tình hình lũ lụt ở 22 tỉnh, mối đe dọa từ đàn châu chấu khổng lồ, các loại thảm họa, dị tượng thời tiết liên hoàn ập tới. Nhiều nhà quan sát tin rằng những cơn sóng hỗn loạn đang phá vỡ chế độ chuyên chế của ĐCSTQ. “Con tàu đỏ” của ĐCSTQ đang lâm vào tình cảnh khó khăn thực sự với hàng trăm lỗ thủng.

Theo Lý Vận, NTDTV

Phụng Minh biên dịch