Bão Mặt Trời tấn công Trái Đất, ảnh hưởng sức khỏe thế nào?
Hôm nay, Trái Đất hứng chịu một cơn bão Mặt Trời mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Bão Mặt trời có thể tác động đến tàu vũ trụ, lưới điện, sinh vật trên Trái Đất, con người cũng có thể cảm nhận rõ tác động của nó.
Ngày 11/5, Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) phát cảnh báo về ảnh hưởng của bão Mặt Trời, kêu gọi các nhà điều hành, nhà máy phát điện và cơ quan vận hành vệ tinh ngoài không gian cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Cơn bão Mặt Trời mạnh nhất hơn hai thập kỷ tấn công Trái Đất hôm nay tạo ra những màn trình diễn ánh sáng cực quang ngoạn mục trên bầu trời, nhưng cũng mang đến nguy cơ làm gián đoạn các vệ tinh và lưới điện khi bão kéo dài đến cuối tuần.
Vụ đầu tiên trong số các vụ phun trào nhật hoa (CME) – hiện tượng plasma và từ trường phóng ra từ Mặt Trời – diễn ra ngay hôm 11/5. Sau đó, hiện tượng này nâng cấp thành một cơn bão địa từ cực mạnh cấp G5 – cơn bão đầu tiên thuộc cấp này kể từ Bão Halloween diễn ra vào tháng 10/2003 gây mất điện ở Thụy Điển và làm hư hại cơ sở hạ tầng điện ở Nam Phi. Trong những ngày tới, dự kiến có thêm nhiều CME tấn công hành tinh xanh.
Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh cực quang từ Bắc Âu và châu Đại Dương. Trong khi đó, các nhà chức trách thông báo cho những công ty vận hành vệ tinh, hãng hàng không và lưới điện thực hiện biện pháp phòng ngừa sự gián đoạn do thay đổi từ trường Trái Đất.
Chuyên gia thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam giải thích, bão Mặt Trời trên thực tế là sự bùng nổ bất thường của các hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời, một hiện tượng được gọi chính xác là sự phun trào nhật hoa (CME). Những dòng hạt mang điện từ Mặt Trời thường ngày vẫn liên tục phóng vào không gian và va chạm với Trái Đất. Dòng hạt mang điện đó được gọi là gió Mặt Trời.
Còn bão Mặt Trời, hay sự phun trào nhật hoa trên thực tế là sự tăng cường độ đột ngột của gió Mặt Trời do hoạt động bất thường ở một khu vực nào đó trên Mặt Trời với sự xuất hiện của những quầng lửa hoặc các vết đen.
Những vụ bùng nổ hoạt động ở một số khu vực của Mặt Trời thường gây ra những hiệu ứng từ ảnh hưởng tới sinh hoạt của con người ở Trái Đất. Thường thì những vụ phun trào nhật hoa nhỏ, thường dẫn tới những hiệu ứng chúng ta gọi là bão từ hay bão Mặt Trời chỉ gây ảnh hưởng ở mức độ thấp, chẳng hạn như làm gián đoạn sóng truyền hình, radio, điện thoại… có ảnh hưởng tới sức khỏe của con người nhưng mức độ không đáng ngại.
Hoạt động của Mặt Trời cùng tác động của nó là không thể ngăn cản được. Tuy nhiên nếu dự báo sớm, các cơ quan chức năng có thể sớm có kế hoạch bảo trì và sẵn sàng sửa chữa những hư hại về kỹ thuật mà hiện tượng này gây ra. Mỗi đợt bão Mặt Trời diễn ra ngắn, vài giờ đến vài ngày.
Bão Mặt Trời còn có tên gọi khác là bão từ, hay bão địa từ. Chúng là những vụ nổ cực lớn trên Mặt trời, khi năng lượng tích trữ trong từ trường xoắn ở trên các vết đen Mặt Trời được giải phóng đột ngột. Chỉ trong vài phút, bão Mặt Trời có thể làm nóng vật liệu lên tới hàng triệu độ và tạo ra một loạt bức xạ trên khắp quang phổ, sóng vô tuyến, tia X và tia gamma. Ngoài những ảnh hưởng về nguồn điện và thông tin liên lạc, sức khỏe của con người cũng bị ảnh hưởng bởi bão Mặt trời, đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch. Từ trường có thể tác động đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể con người.
Các tác động sẽ được cảm nhận phần lớn ở những vĩ độ phía bắc và phía nam của Trái Đất, nhưng việc trải dài đến đâu phụ thuộc vào sức mạnh cuối cùng của cơn bão. Từ trường dao động gắn liền với bão địa từ sẽ tạo ra dòng điện trong các dây dẫn dài, bao gồm cả dây điện, có khả năng gây mất điện. Đường ống dài cũng có thể bị nhiễm điện, dẫn đến một số vấn đề kỹ thuật.
Theo thống kê thì trên thế giới hàng năm xảy ra rất nhiều trận bão Mặt Trời. Bão từ mạnh cũng có khả năng ảnh hưởng tới đường dây tải điện và các ống dẫn dầu khí.
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm ngày 11/5: Từ tháng 6 đến hết năm 2024 có 5 – 7 cơn bão ảnh hưởng tới đất liền. (T/H, SKDS)