Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bạn mất bao lâu để thật sự ngủ? Thời gian vào giấc dài hay ngắn tiết lộ tình trạng sức khoẻ


Nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về chứng mất ngủ người Mỹ Kristen Casey cho biết, độ trễ của giấc ngủ, tức là thời gian chờ đợi trước khi chìm vào giấc ngủ, thường khác nhau ở mỗi người.

Nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về chứng mất ngủ người Mỹ Kristen Casey cho biết, độ trễ của giấc ngủ, tức là thời gian chờ đợi trước khi chìm vào giấc ngủ, thường khác nhau ở mỗi người. Hình Pexels

Mỗi ​​người có nhu cầu và thói quen đi ngủ khác nhau, thời gian chìm vào giấc ngủ cũng khác nhau. Một số người ngủ ngay sau khi họ nằm xuống, nhưng những người khác phải đợi một hoặc hai giờ trước khi ngủ. Mặc dù không có tiêu chuẩn cụ thể về việc mất bao lâu để đi vào giấc ngủ, nhưng các chuyên gia cho rằng việc chìm vào giấc ngủ quá nhanh hoặc quá chậm có thể cho thấy các vấn đề về sức khỏe.

Theo báo cáo của Huffington Post, nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về chứng mất ngủ người Mỹ Kristen Casey cho biết, độ trễ của giấc ngủ (sleep lagulture), tức là thời gian chờ đợi trước khi chìm vào giấc ngủ (hay còn gọi là “vào giấc”), thường khác nhau ở mỗi người.

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ cho biết những người khỏe mạnh thường mất 15-20 phút trước khi vào giấc hoàn toàn. Nhưng cơ thể người rất phức tạp và có thể bị các yếu tố khác làm gián đoạn, vậy nên, một người có vấn đề về sức khoẻ có thể mất 30 hoặc 40 phút để vào giấc.

Theo Dave Rabin, nhà thần kinh học người Mỹ, bác sĩ tâm thần và đồng sáng lập Apollo Neuroscience, ngủ thiếp đi trong vòng nửa giờ là một mục tiêu tốt. Apollo Neuroscience là một công ty đang phát triển thiết bị đeo để cải thiện giấc ngủ.

Có nhiều lý do khiến bạn vào giấc nhanh hay chậm. Theo một số chuyên gia, có một vài lý do hàng đầu như sau:

Với người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ

  • Có thể bạn chỉ bị thiếu ngủ

Bác sĩ Rabin nói: Ngủ thiếp đi quá nhanh có thể là một dấu hiệu của sự mệt mỏi. Nó thường cho thấy rằng bạn không dành đủ thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi. Bạn có thể chỉ cần ngủ thêm một chút.

Tất nhiên, cũng có người ngủ đủ giấc nhưng về cơ bản, giấc ngủ của họ không thật sự chất lượng, không đủ để não bộ và cơ thể phục hồi, nên sau khi ngủ bạn lại muốn ngủ tiếp.

Trong những trường hợp như vậy, Casey khuyên bạn nên đi khám bác sĩ. Các bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị dựa trên nguồn gốc của vấn đề.

  • Bạn có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần

Chuyên gia Casey cho biết người mắc các bệnh tâm thần như trầm cảm thường cảm thấy buồn ngủ hơn. Hơn nữa, các loại thuốc dùng để điều trị trầm cảm cũng có thể có tác dụng phụ gây buồn ngủ.

  • Bạn có thể bị ngưng thở khi ngủ (sleep apnea)

Bà Theresa Schnorbach, một chuyên gia về giấc ngủ của nhà sản xuất nệm Emma Sleep, cho biết chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất ở người lớn tuổi.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài này khiến đường hô hấp trên bị tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần trong khi ngủ, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu hoặc giấc ngủ bị gián đoạn.

Bà Schnorbach cho biết nếu gặp vấn đề này, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi trong ngày và có các triệu chứng suy giảm nhận thức.

Với người vào giấc chậm

Casey cho biết khó ngủ có thể là triệu chứng của chứng mất ngủ. Trong hầu hết các trường hợp, mọi người trằn trọc vì lo lắng, đau đớn, v.v. Có những lý do khác khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.

  • Giấc ngủ không tốt do nhiều yếu tố gây nhiễu

Các vấn đề như giờ đi ngủ không đều, thói quen ngủ không tốt, làm việc ca đêm, căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng đều có thể khiến bạn khó vào giấc.

Đồ uống chứa caffein, sử dụng thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh trước khi đi ngủ, ngủ quá nhiều vào ban ngày, ăn quá nhiều trước khi đi ngủ hay tập thể dục quá sức cũng là những nguyên nhân khiến con người vào giấc chậm.

  • Bạn cảm thấy căng thẳng hoặc xúc động

Bác sĩ Rabin lưu ý rằng bệnh tâm thần thường bắt đầu với việc khó vào giấc.

Điều này không đồng nghĩa rằng khó vào giấc là một bệnh tâm thần, mà nghĩa là cơ thể bạn đang gặp vấn đề gì đó, khiến bạn cảm thấy không an toàn hoặc không thể ổn định và chìm vào giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu.

Bà Schnorbach cho biết, buồn bã, lo lắng và các vấn đề cảm xúc khác có thể gây mất ngủ. Tệ hơn, mất ngủ có thể dẫn đến trầm cảm; ngược lại, trầm cảm có thể làm cho chứng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài việc khuyến cáo bệnh nhân đi khám bác sĩ, chuyên gia Casey còn đưa ra một phương pháp có thể cải thiện tình trạng lo lắng, đó là thiết lập “thời gian lo lắng”. Ví dụ, bạn cho mình 10 phút để lo lắng, và nói với bản thân rằng bạn chỉ có thể lo lắng trong thời gian này chứ không phải khi bạn ngủ.

Bạn cũng có thể cải thiện giấc ngủ thông qua kiểm soát hơi thở, thiền, yoga, tập thể dục và tạo ra một môi trường thoải mái, bác sĩ Rabin nói. Một số dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ có thể hữu ích.

Bà Schnorbach nói: “Bạn là người hiểu rõ cơ thể mình nhất. Hãy lắng nghe nó và để ý điều gì xảy ra khi bạn ngủ”. (T/H, NTD)