Bài Phiếm Luận –Năm Sửu nói chuyện Trâu
Trâu ơi tao khổ hơn mày,
Mày cày hai vụ, tao cày quanh năm!
Tôi xin mở đầu bài tản mạn “Năm Sửu nói chuyện Trâu” bằng hai câu thơ vui trên. Quả thế, trong cuộc sống hằng ngày, ta phải làm việc vất vả tất bật quanh năm, xem ra cực còn hơn con trâu nữa. Thế nhưng mùa đại dịch Covid hiện nay, được “cày” là được cơ hội kiếm tiền, không bị thất nghiệp lại là điều đáng vui mừng. Thế nên quan niệm thế nào là sướng là khổ thật rất tương đối, cuộc sống và tư duy cũng bị thay đổi theo thời gian. Cũng thế, hình ảnh con trâu trong đời sống nông dân, trong văn chương, văn hóa Việt Nam cũng đã từ từ mờ nhạt dần.
Tết năm Tân Sửu 2021 sắp đến, mời bạn cùng tôi nhìn lại hình ảnh con trâu xưa, ôn lại vài câu ca dao, câu chuyện liên hệ tới giống vật hiền lành ích lợi này nhé.
Trong 12 con giáp thì trâu đứng vào thứ hai, chỉ sau anh cả là chú chuột bé choắt. 12 con vật đại diện ấy chỉ có vài con là có thể ăn thịt thoải mái được. Chuột, rắn, ngựa, dê, mèo, chó thì cũng có người ăn nhưng cũng nhiều người tránh. Cọp, khỉ thì rất hiếm người đụng tới, rồng thì ở trên trời, tìm đâu ra mà lấy thịt. Chỉ có gà, heo, trâu là khá phổ thông trong việc cung cấp chất thịt cho con người. Hồi ở Việt Nam nhà nghèo, ít khi có thịt ăn, có lần má tôi mua được chút thịt bò về xào rau muống nhưng bị miếng bò dai quá, cả nhà than “dai như thịt trâu”. Sang tới hải ngoại được ăn nhiều miếng bò beefsteak thật ngon, nhưng chưa hề thấy có bán thịt trâu. Vậy trâu là hàng hiếm rồi đấy các bạn ạ.
Con trâu được ông bà xưa liệt vào hàng đầu của lục súc có công với con người. Sáu con vật người ta nuôi và quý là trâu, ngựa, dê, gà, chó, lợn.
Ngoài công việc cày bừa trong ruộng nước, trâu còn kéo xe, đạp lúa khi gặt hái xong, trâu cũng biết kéo dụng cụ ép mía làm đường. Người xưa hay nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp” – Lúc ấy nếu ai có khả năng tậu được trâu tức là nhà khá giả, có thể bắt đầu sự nghiệp, kiếm ra tiền dễ dàng nhờ sức lực của trâu trong sản xuất. Con trâu là hình ảnh đẹp trong làng quê Việt Nam, ông bà ta từ đó cũng có nhiều câu nói ví von gắn liền tới con vật đặc biệt này. Chẳng hạn để ám chỉ những người thường hay ganh ghét, kiếm chuyện hại người khác vì họ thành công hơn mình, ông bà của chúng ta nói: “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Khi cô gái quá dễ dãi, tìm đến phái nam mà dâng hiến “tình cho không biếu không”, người ta than rằng: “Trâu đi tìm cột, chớ cột tìm trâu bao giờ”. Nếu có phụ nữ nào mang thai hơn 9 tháng 10 ngày mà chưa sanh thì bị gọi là “chửa trâu”. Người ta tin là khi “chửa trâu”, nếu bà bầu ấy đến nhà hàng xóm xin gạo rồi nấu trong một cái nồi đất nhỏ, ăn xong đập bể cái nồi là sẽ đập bầu sanh được con ngay. Ngày nay nếu có “chửa trâu”, thì bác sĩ sẽ mổ và “lôi” đứa bé ra, không cần phải đi xin gạo vất vả như thế.
Theo truyền thuyết đạo Phật, trâu và ruồi rất gần gũi với đức Phật tổ Như Lai. Nhưng vì một lần trâu nghe không rõ lời Phật, xuống trần truyền sai ý nghĩa câu nói của Phật dạy, nên trâu đã phải về hạ giới kéo cày để giúp người dân, đền bù cho câu nói sai lỗi của mình.
Tiếp theo các tôn giáo khác, Kinh Thánh Công Giáo cũng có những câu liên hệ tới trâu như:
Thiên Chúa đã đưa nó ra khỏi Ai-Cập
Người là sức mạnh của nó tựa sừng Trâu (Ds 23:22; 24:8).
Xin cứu mạng khỏi xa lưỡi kiếm,
Gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên (Tv 22:21-22).
Kinh Thánh cũng có nhắc đến bò, là giống vật đi liền với trâu. Trong ngày lễ Giáng Sinh, bé Giêsu đã sinh ra trong đói nghèo phải nằm trên máng cỏ, may mà được chiên lừa, trâu bò chung quanh thở hơi sưởi ấm cho hài nhi trong đêm đông lạnh lẽo. Trong Cựu Ước cũng kể về vua Ai Cập trong một giấc mơ, thấy mình đứng trên bờ sông Nile có bảy con bò cái đi lên, hình dáng đẹp đẽ và da thịt béo tốt. Rồi sau những con ấy, lại có bảy con bò cái khác hình dáng xấu xí và da thịt gầy còm. Ông Giuse thời đó đã đoán điềm giải mộng cho vua rằng: Bảy con bò cái tốt là bảy năm no lành, bảy con xấu là bảy năm đói kém sẽ xảy ra, cần phải tích trữ lương thực phòng khi đói kém. Vua nghe theo Giuse nhờ thế đã giúp được nạn đói và trọng thưởng cho Giuse.
Người ta thường chê “Ngu như trâu, lì như trâu” nhưng như thế thì oan cho giống vật này quá, vì chúng không tệ như vậy đâu. Trâu khôn và có tình nghĩa được chứng minh qua bài báo tường thuật việc xảy ra bên Tàu. Chuyện là bà Luo Fengju, 55 tuổi sống tại Thành Ninh, tỉnh Vân Nam đã bị một con gấu đen tấn công, nhưng bà thoát chết nhờ những con trâu đã liên kết đánh gấu cứu mạng cho bà. Chê trâu bò nhưng người ta lại cho em bé bú sữa bò, các em bé này lớn lên thường lại rất khôn ngoan. Lại một câu nói nữa mà theo tôi là nỗi oan khác cho trâu, đó là câu “Đàn gảy tai trâu” ý chê những người không biết thưởng thức nghệ thuật. Oan cho loài vật này quá, người Nhật nuôi bò Kobe để bán rất mắc tiền, thịt mềm nhờ bò được cho ăn thức ăn đặc biệt và cho nghe nhạc, thế nên nếu nói trâu bò không biết nghe nhạc thì quả là hiểu lầm khả năng của chúng rồi.
“Cưa sừng làm nghé” là câu miệng đời hay nói để chỉ những người già rồi nhưng cố tình làm ra vẻ ngây thơ, không hợp với lứa tuổi.
“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” để ám chỉ khi kẻ mạnh tranh chấp, kẻ yếu bị họa lây. Nếu cần mắng người côn đồ, trộm cướp, người ta sẽ chửi là “Đồ đầu trâu, mặt ngựa”.
Lại cũng có câu “Trâu chậm uống nước đục” ý nói nếu không lanh lẹ tranh đấu sẽ bị nhận phần thiệt về mình.
Khi thấy cuộc hôn nhân không tương xứng, cô gái lấy phải người chồng thô kệch xấu tính, người ta tiếc rằng “Hoa nhài đem cắm bãi cứt trâu”.
Riêng bài đồng dao sau đây rất phổ thông, có lẽ bạn cũng thuộc lòng phải không?
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đó ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Hoặc câu lục bát diễn tả hình ảnh an hòa thời đó mà chắc nhiều người cũng biết:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,
Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”.
“Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu”
“Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”
cũng là một trong những câu đồng dao có nhắc tên trâu rất quen thuộc.
Hình ảnh Lão Tử cưỡi trâu cũng là hình ảnh được ghi nhớ trong văn hóa xưa. Ông ngao du sơn thủy trên mình trâu như một gã mục đồng với tư tưởng uyên thâm và thanh thoát.
Còn nếu nói về cổ văn thì nổi tiếng là bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan với câu:
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
“Gõ sừng“ là hành động vô tư, chơi đùa của trẻ chăn trâu với con trâu, bây giờ được xếp vào loại chuyện xưa tích cũ.
Nghe nói có nhóm trẻ ở Việt Nam, ái mộ người tài từ “Hàn Quốc” quá nên khi anh ta đi khỏi rồi, các cô xúm vào hôn chiếc ghế mà người tài tử này đã ngồi. Các cô chắc chưa nghe qua câu ca dao khuyên con người không nên vọng ngoại “Trâu ta ăn cỏ đồng ta, Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm”.
Trâu tuy hình dạng nặng nề chậm chạp, nhưng xuống nước lại bơi rất giỏi. Trâu vốn hiền lành dễ bảo, nhưng cũng có khi nổi nóng chọi nhau chí tử, nên cũng đã có câu: “Có ăn có chọi mới gọi là trâu!”.
Con trâu quan trọng trong đời sống xưa lắm, nên người xưa đã liệt kê 3 cái khổ trong đời sống như sau: “Thứ nhất vợ dại trong nhà, thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn”. Vâng, nuôi trâu mà chúng chậm chạp lười biếng thì khổ lắm. Vì thế ông bà đã nói tiếp: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà, trong ba món ấy lo là khó thay”.
“Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu” là câu ví von để chỉ sức mạnh của lứa tuổi thanh xuân.
Tiếp theo để trách móc khi bị phản bội, người xưa đã đặt ra câu hỏi rất cay đắng:
“Công anh chăn nghé đã lâu,
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày?”
Hoặc các bà đã trả treo với nhau:
“ – Của chua ai nấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
– Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm?”
Hoặc câu “Mất trâu rồi mới làm chuồng” để trách người không biết lo xa, chuyện xảy ra rồi mới hối tiếc nhưng đã muộn. Nghĩ thật hay, ông bà ta xưa kia rất sáng tạo, thâm thúy đâu cần học cao có bằng cấp mà vẫn đầy kinh nghiệm, khôn ngoan hiểu biết.
Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn có ngày lễ hội đâm trâu, nên mới có câu:
“Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng 9 tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng chín tháng Tám thì về chọi trâu.
Nhưng nếu các hội bảo vệ súc vật biết được thì sẽ rất chống đối. Tôi cũng đồng ý tục lệ đâm trâu này ác quá cần bãi bỏ.
Nói thơ văn bình dân xong, bây giờ mời bạn trở về thực tế. Nếu nằm mơ thấy trâu thì đánh số đề 03 – 63 – 86, có thể trúng giải to như con trâu! Người ta nghiên cứu thấy sinh con năm 2021 là năm Trâu vàng, vận mạng đứa bé sẽ tốt lắm. Vậy nếu còn trẻ, bạn hãy “sản xuất” ra con trâu vàng năm nay đi nhé. Khi đi chợ giá thịt trâu phải rẻ hơn thịt bò vì thịt trâu thường dai hơn. Bị chê dai bán rẻ nhưng thịt trâu lại ít mỡ hơn thịt bò, người ta phân tích thấy lượng chất sắt trong thịt trâu cao hơn thịt bò rất nhiều. Các đầu bếp trứ danh hay làm các món thịt nghé nướng lá lốt, thịt trâu luộc hoặc nấu cà ri, nướng vỉ, nướng sả ớt, hấp chao, xào lá cách, om nước dừa, xào hành, kho tiêu, trộn gỏi… rất ngon. “Trâu thì kho, bò thì tái” hoặc “Ăn thịt trâu không có tỏi, như ăn gỏi không có lá mơ” là kinh nghiệm của các tay nấu ăn đã từng chia sẻ. Tuy nhiên, một số người lại kiêng ăn thịt trâu và thịt chó vì quan niệm rằng trâu và chó là loại động vật có nghĩa với con người, nếu ăn thịt sẽ mang tội.
Sữa trâu lại nhiều chất béo hơn sữa bò, giống trâu Mura là giống trâu được nhiều nông trại bên Ý nuôi để làm phó-mát Mozzarella rất độc đáo. Ấn Độ cũng nổi tiếng với các trang trại nuôi giống trâu Mura này để lấy sữa. Trong đông y, người ta dùng da trâu như một loại dược liệu có tác dụng giảm đau, cầm máu. Sừng trâu cũng có thể thay cho sừng tê giác trong một số bài thuốc Nam. Lạ ghê, trâu chỉ ăn nắm cỏ mà làm việc vất vả, kéo cày nặng nhọc siêng năng mỗi ngày. Tôi cũng hay thắc mắc không biết trong cỏ có chất gì mà loài trâu bò ăn vào lại to con lớn xác và có sức như thế. Bạn tôi nói đùa trâu bò ăn cỏ, nên nếu mình ăn thịt nó thì coi như mình đang ăn chay cách gián tiếp rồi.
Ở Bát Tràng – Hà Nội, người ta dùng trâu để kéo xe đưa khách du lịch đi chơi thay vì xe ngựa, người ngoại quốc rất thích.
Ở Việt Nam khi xưa có tục rước thần Câu Mang tức là một vị thần về cây cối. Lễ này thường diễn ra vào tháng Giêng với hình ảnh một chú mục đồng đứng cạnh con trâu. Nếu năm ấy được mùa thì đứa trẻ đi hai chiếc giày, còn nếu mất mùa thì chỉ đi một chiếc. Năm nay do nạn Covid Vũ Hán, kinh tế khắp nơi lụn bại, nếu theo phong tục này chắc đứa bé phải đi chân không, chẳng còn chiếc giày nào để mang.
Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm ngày xưa, lúc nữ thần Pô Nưgar mang thai sắp đến ngày sinh nở thì gặp phải tai họa, phải tìm một con voi trắng để tế lễ. Tìm voi trắng không ra, người Chăm đã phải thay thế bằng một con trâu trắng. Bạn có bao giờ thấy được con trâu lông màu trắng chưa? Hồi bé tôi bị nói ngọng, ba tôi hay tập cho tôi phát âm đúng bằng cách nói câu: “Con trâu trắng ở bờ tre trúc trụi”, bạn thử đọc thật nhanh câu này xem có trơn tru không nhé!
Trong lịch sử Việt Nam, chắc ai cũng biết chuyện chú bé Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu lấy lau tập trận với bạn bè, sau này thống nhất sơn hà, dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế. Đó là vua Đinh Tiên Hoàng, làm sáng một trang sử ký của đất nước.
Một nhân vật lịch sử khác cũng từng cưỡi trâu là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong trận đánh giặc Nguyên và Mông trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương cỡi voi vượt qua sông Hóa, không may con voi bị sa lầy. Lúc ấy có một chú bé chăn trâu chạy đến thưa rằng: “Bây giờ voi không đưa ngài qua sông được nữa, xin ngài cỡi lên lưng con trâu của cháu”. Nhờ thế Hưng Đạo Vương đã tới đích, khi quay lại nhìn con voi bị chìm dần dưới lớp bùn, ngài đã ứa nước mắt và nói: Đến ngày ta thắng trận, ta sẽ dựng tượng voi và cả tượng con trâu này bên bờ sông để nhớ ơn.
Vài nhân vật nổi tiếng đã sanh vào năm sửu phải kể tới Phùng Hưng. Phùng Hưng có sức vật trâu, đánh hổ, trừ được hoạ cho làng Đường Lâm nơi ông sinh sống. Phùng Hưng tức là Bố Cái Đại Vương đã có nhiều thành quả chống lại bọn Tàu đô hộ nước ta, chống việc bắt người dân phải đóng sưu cao thuế nặng. Ngoài ra cũng nên kể đến các vị vua như vua Trần Dụ Tông, Lê Lợi, Tự Đức, vua Lê Đại Hành cũng rất nổi tiếng trong lịch sử.
Sử Việt cũng có ghi vào năm 1865, triều đình nhà Nguyễn đã cho chế xe tát nước bằng sức trâu kéo, phỏng theo cách thức người phương Tây. Giai thoại kể rằng khi tiến sĩ Phạm Phú Thứ theo phái đoàn sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, khi đến sông Nile (Ai Cập) ông để ý thấy họ có loại xe nước dùng trâu để kéo. Ông học theo cách này để phát triển cách dẫn thủy mới mẻ rất ích lợi cho đồng áng trong thời đó.
Thời cận đại phải nhắc đến Nguyễn Thái Học với cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ông là anh hùng dân tộc, có nhiều tư tưởng cấp tiến. Tiếc là năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại Hải Dương rồi giết chết.
Tống thống Richard Nixon, Tống thống Ford, Obama của Hoa Kỳ, nhà văn nổi tiếng Albert Camus được biết cũng cầm tinh con trâu. Tống thống Ngô Đình Diệm, vua Bảo đại cũng sanh năm trâu. Công Nương Diana của Hoàng gia Anh, nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher cũng là những nàng trâu quý phái. Ca sĩ Thủy Tiên rất nổi tiếng năm 2020 qua việc thâu góp được rất nhiều tiền để cứu trợ bão lụt miền Trung cũng sinh năm Sửu. Nàng trâu này ốm nhom nhưng tấm lòng từ thiện và ý chí kiên cường rất đáng khâm phục.
Đứng về khoa học, trâu phát triển chính ở vùng Nam Á và vùng Đông Nam Á. Trâu thường nặng từ 250 đến 500 kg, còn loài trâu rừng thì có thể lên tới cả tấn, cao gần 2 mét rất “đô con”. Các nhà khoa học cũng đã từng thành công khi ghép (clone) được giống trâu vô tính.
Còn con trâu vàng tức là Kim Ngưu thì có liên hệ tới sự tích Hồ Tây ở Hà Nội. Trâu Vàng được tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp. Được biết hiện bên Việt Nam người ta đang bán rất mắc các bức tượng trâu vàng để chưng bày trong nhà mừng Tết 2021, nhưng chắc chỉ có các cán bộ, đại gia mới mua nổi thôi. Người dân vùng quê vẫn đang chật vật cày như trâu đen kiếm sống, nói chi tới chuyện trâu vàng xa xỉ.
Trong hội họa, thi ca, trâu cũng đóng vai trò khá quan trọng. Đầu tiên phải kể đến tranh Đông Hồ với các bức vẽ gắn liền với cuộc sống thường ngày mà trâu cũng là một trong những đề tài chính. Nổi bật là hình ảnh chú bé thổi sáo chăn trâu, ai xem tranh cũng thấy lòng thanh thản.
Trong sách Quốc văn Giáo khoa thư lớp đồng ấu, có câu “Ai bảo chăn trâu là khổ? – Không, chăn trâu sướng lắm chứ” mà sau này nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy câu đó làm thành bài hát “Em bé quê” rất nổi tiếng. Với âm điệu vui vẻ, hình ảnh “Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao…” là hình ảnh thanh bình, an nhiên tự tại trong tâm hồn. Các trẻ em ngày nay đa số sống ở thành thị, không có các trò chơi tự nhiên, không biết đến không khí trong lành ngoài đồng, chỉ biết cắm cúi chơi game điện tử kể cũng là chuyện đáng tiếc.
Trong chuyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, cũng có mấy câu nhắc tới con trâu, chẳng hạn:
“Sắm xanh nếp tử xe trâu”.
“Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.
“Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”….
Tiếp theo về âm nhạc thì phải kể tới bài hát “Con Đường Việt Nam” của hai nhạc sĩ Anh Bằng và Trúc Hồ, tiếc nuối khung trời thanh bình đáng yêu của Việt Nam xưa:
“Tiếng ve kêu trưa hè
Thành tiếng quê hương đậm đà
Đã bao năm rồi đó
Thôi không còn nữa
Bóng dáng con trâu”
Trong bài Thanh Bình Ca của cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền, câu hát:
“Nhìn đàn trâu em mơ ước xa xôi” là câu hát điệu Valse rất dễ thương, thơ mộng, mong ngày quê hương thanh bình.
Một trong 10 bài Bình Ca của Phạm Duy có bài Bình Ca 1, với ca từ như sau:
“Này em con trâu già
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
Này em con trâu già
Nằm chơi trâu nhai cỏ
Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa.
Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe”
là nhạc phẩm được đánh giá cao trong làng nhạc quê hương.
Tôi vốn thích đọc chuyện kiếm hiệp khi còn trẻ, có thời gian cũng bị ảnh hưởng: Muốn đi ngao du thiên hạ, muốn nâng chén rượu rồi cười khà tiếu ngạo giang hồ, khi cảm khái thì dùng võ công khắc bài thơ trên tảng đá, quên đi chuyện lao xao thế trần. Trong chuyện Thần điêu Đại hiệp của Kim Dung, có đoạn tả Dương Quá đã mượn một con trâu rất khoẻ rồi mặc bộ quần áo của trẻ mục đồng, đốt đuốc cỡi trâu như con ngựa chiến xông vào đánh giặc. Trương Tam Phong trong Ỷ thiên Đồ long ký thì nổi danh với biệt hiệu là lão “Lỗ Mũi Trâu”. Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung cũng để cho Vi Tiểu Bảo biểu diễn “Cách sơn đả ngưu thần công”, là một loại võ công để đánh thắng trâu rất lợi hại. Trương Vô Kỵ thì xưng là Tăng A Ngưu, tức là chàng trai trẻ tên là Trâu. Quách Tĩnh trong Anh hùng Xạ điêu được đặt tên là Thủy Ngưu, tức là con trâu nước vì Quách Tĩnh nước da ngăm đen, tính tình mộc mạc quê mùa ít nói, vai to kềnh càng khoẻ như trâu.
Trâu chết để lại cho người thịt và da. Trong một lần đại hội anh hùng tại Chùa Thiếu Lâm, người trong giang hồ đã đánh trống làm bằng da trâu. Có lẽ da trâu dày nên mới chịu được công lực thâm hậu của các vị hảo hán Thiên Long Bát Bộ này. Da trâu cũng được dùng làm vũ khí và công cụ để thi hành hình luật pháp, ai mà bị roi da trâu đánh thì đau tới tận xương tủy. Sừng trâu được cưa làm chung đựng rượu, làm vật trang trí như vòng đeo tay, nhẫn, lược chải tóc, gọng kính đẹp không thua gì sơn mài, đặc biệt chế thành mõ, ống tù và hoặc ống tiêu thổi nghe rất to và vang xa.
Trâu là hình ảnh của tinh thần chậm mà chắc, khoẻ mạnh cần cù, gắn liền với người dân quê hiền lành chất phác. Ngày nay với khoa học phát triển, với i-meo, phây-book, người ta chia sẻ đủ điều, nhưng tinh thần xưa, cái đẹp mộc mạc và giá trị cổ điển ít khi được nhắc tới. Có bàn tới thì lại bị chê là “xưa rồi Diễm”. Vâng, tôi biết mình rất xưa, rất quê mùa pha lẫn chất lãng mạn “tiểu tư sản”, nên tôi luôn tự làm khổ mình. Nhiều đêm “nằm vắt tay lên trán, ta nghĩ đến chuyện cuộc đời” mà lòng dạ xót xa, khó ngủ. Thương cho người nghèo người khổ, thương cho quê hương Việt Nam, thương cho kiếp người, thương cả cho bản thân mình. Trăn trở cho thế giới văn minh tiến bộ ngày nay nhưng gần đây lại bị quá nhiều khủng hoảng chính trị, rồi còn con vi trùng Corona Vũ Hán hoành hành, tai hại về nhân mạng, sức khỏe, kinh tế nhiều không sao kể hết.
Thôi năm mới Tết đến, hãy bỏ qua những chuyện buồn, mời bạn cũng tôi góp lời cầu cho quốc thái dân an, tinh thần an lạc. Năm 2021 có số 1 là “number one”, mong rằng đây là số hên để ai nấy có một năm mới tốt đẹp hơn năm cũ. Năm Tân Sửu có chữ Tân nghĩa là mới, ước rằng ai nấy đều đổi mới, vượt qua các khó khăn, lắng nghe tiếng nói của môi trường, lắng nghe nhau, thông cảm vui vẻ với nhau. Thời gian trên trần thế này nào có bao lâu, nên hãy cho nhau những gì tốt đẹp nhất khi còn có thể. Người ta nói không có tấm bằng nào có giá trị thực tế như tấm “bằng lòng”, chấp nhận ưu điểm và cả khuyết điểm của người thân. Không có cái nhẫn nào nên đeo trên tay hơn là chiếc “nhẫn nhịn”.
“Trâu kia chết để bộ da,
Người chết để tiếng xấu xa muôn đời”
Tôi tin bạn luôn để lại tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chúc Mừng Năm Mới.
Nguyễn Ngọc Duy Hân (DSLV)