Bài học BRI: Rơi vào ‘bẫy nợ Bắc Kinh’, Lào gán nợ quyền vận hành lưới điện cho công ty Trung Quốc
Lào, đất nước Đông Nam Á nhỏ bé, nghèo nàn sẽ buộc phải nhường phần lớn quyền kiểm soát lưới điện cho một công ty Trung Quốc, trong bối cảnh nước này phải vật lộn để ngăn chặn khả năng vỡ nợ.
Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm các nhà phê bình cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “ngoại giao bẫy nợ” để giành lợi thế chiến lược ở các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay theo sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào, và thỏa thuận này sẽ ràng buộc đất nước miền núi 7 triệu dân không giáp biển này phụ thuộc hơn vào “gã hàng xóm khổng lồ có lòng tham không đáy”.
Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, thỏa thuận cổ phần lưới điện đã được ký vào hôm Thứ Ba (ngày 1/9) giữa Electricite du Lào (EDL) (thuộc sở hữu nhà nước Lào) và công ty Trung Quốc China Southern Power Grid.
Theo nguồn tin của Reuters, phần lớn quyền kiểm soát Công ty TNHH Truyền tải Electricite du Lào (EDLT) mới sẽ được trao cho công ty Trung Quốc.
Cái giá đắt phải trả khi phát triển hạ tầng bằng tiền của Trung Quốc
Trong nỗ lực trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, Lào cố gắng xây dựng “giấc mộng đập thủy điện” bằng cách đang chấp nhận nhiều khoản vay khổng lồ từ Trung Quốc để xây đập, khiến quốc gia vốn có nợ công lên đến hơn 60%/GDP này ngày một “lún sâu” hơn vào bẫy nợ của Trung Quốc.
Lào đã cho phép Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của nước này. Bắc Kinh đã “bơm” hàng tỷ USD vào các lĩnh vực như thủy điện, nông nghiệp, khai mỏ và xây dựng, tất cả đều để phục vụ cho chiến lược “Con đường tơ lụa mới” lớn hơn của Trung Quốc.
Khi các món nợ của Viêng Chăn đến hạn, các cuộc đàm phán lại càng làm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại quốc gia “anh em” Lào của họ.
Khi nhắm vào chiến lược trở thành “cục pin Đông Nam Á” bằng nguồn vốn vay dồi dào từ Bắc Kinh, Lào từng rất hồ hởi và tràn đầy hy vọng. Nhưng giờ đây, Viêng Chăn lo rằng mình sẽ rơi vào “bẫy nợ Bắc Kinh” và đang mất dần quyền kiểm soát lưới điện quốc gia vào tay Trung Quốc.
Sói ‘dỗ’ Cừu
“Nó sẽ mang lại cho lưới điện quốc gia Lào khả năng thương lượng tốt hơn với các nước trong khu vực và bắt đầu có lợi nhuận”, đây là một trong những “lời dụ dỗ ngon ngọt nhất từ phía Bắc Kinh”, theo Reuters.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào cho biết trên trang web của họ rằng Lào sẽ vận hành các mạng lưới truyền tải điện. Thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc không cung cấp chi tiết về cổ phần mà Lào buộc phải gán nợ cho họ, nhưng “khéo léo” cho biết: “Lào cũng có thể dần dần mua lại cổ phần trong quá trình hoạt động”.
Cả EdL, China Southern, Chính phủ Lào và Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận.
Theo báo cáo từ thủ đô Viêng Chăn của Lào, Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Khammany Inthirath gọi đây là “một dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi từ lợi thế về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn nhân lực của công ty Trung Quốc”.
Tân Hoa Xã đưa tin, công ty mới sẽ hoạt động theo quy định của chính phủ Lào, nhưng sẽ tận dụng “sức mạnh tài chính và kinh nghiệm trưởng thành của China Southern trong xây dựng, vận hành và quản lý lưới điện”.
Tờ Vientiane Times do nhà nước Lào điều hành cho biết sau thỏa thuận, rằng EDLT sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD trong tương lai vào lưới điện địa phương và các kết nối quốc tế.
Dường như, Trung Quốc đang tuyên truyền với chính quyền và người dân Lào rằng: “Các bạn không thực sự mất chủ quyền lưới điện quốc gia nào hết. Việc tạm thời giao lại quyền quản lý, điều hành cho công ty Trung Quốc giúp các bạn có lợi thế hơn trong việc bán điện với giá cao cho các nước trong khu vực. Sau khi có lãi, các bạn có thể mua lại cổ phần đã gán nợ cho chúng tôi. Trung Quốc là đang giúp đỡ Lào mà thôi…”
Lào đã chi rất nhiều cho các dự án thủy điện, trong đó nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ, với mục đích trở thành “cục pin của Đông Nam Á”. Nhưng những dự án đó, cùng với một tuyến đường sắt cao tốc mới của Trung Quốc, đang là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng nợ.
Cảnh báo mất khả năng thanh toán – Lào ngày càng phụ thuộc Trung Quốc
Trong một báo cáo hồi tháng 6 năm 2020 vừa qua, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng mức nợ công của Lào sẽ lên tới 68% GDP vào năm 2020, từ mức 59% của năm ngoái. Cơ quan xếp hạng Moody’s đã cảnh báo vào tháng trước về “một xác suất vỡ nợ đáng kể trong thời gian tới”.
Trong khi Lào chỉ ghi nhận 22 trường hợp nhiễm virus Corona Vũ Hán và không có ca tử vong, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch và kiều hối.
Moody’s cho biết nghĩa vụ nợ của Lào vào năm 2020 là khoảng 1,2 tỷ USD với các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và trái phiếu Thái Lan đáo hạn vào tháng 9 và tháng 10/2020, nhưng dự trữ ngoại hối chỉ là 864 triệu USD, theo ngân hàng trung ương Lào.
Trong số các công ty bị chậm thanh toán, đã có các công ty Trung Quốc đứng sau các dự án thủy điện không hoàn vốn như mong đợi, những người có hiểu biết về thỏa thuận China Southern cho biết.
Nguồn tin cho biết Trung Quốc cũng đang xem xét hoãn một phần trong tổng số các khoản thanh toán nợ của Lào.
Toshiro Nishizawa – giáo sư người Nhật đã cố vấn cho chính phủ Lào về ổn định tài khóa cho biết: “Về mặt kinh tế, Lào sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và điều này là không thể tránh khỏi”.
Hai nhà ngoại giao phương Tây khác cho biết Lào có thể đủ điều kiện nhận được sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) theo phản ứng Hỗ trợ tài chính và Giảm nợ COVID-19, mà 80 quốc gia khác đang được hưởng lợi.
Nhưng Lào cho biết rõ rằng họ thà cố gắng tìm ra một giải pháp với Trung Quốc, bởi một thỏa thuận với IMF sẽ yêu cầu minh bạch hơn về tài chính.
Tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào điện, giao thông, khu kinh tế biên giới và các dự án khác đã lên tới hơn 10 tỷ USD, theo Tân Hoa Xã trích dẫn số liệu từ Lào. Khoản đầu tư này lớn gấp đôi so với khoản đầu tư của Thái Lan vào Lào.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 bởi Viện Lowy có trụ sở tại Úc, cho thấy nợ công của Lào đối với Trung Quốc ở mức 45% GDP.
Mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh cũng đã củng cố mối quan hệ chính trị, với Lào là nước “ủng hộ đáng tin cậy” cho vị trí của Trung Quốc trong các vấn đề về Biển Đông trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khu vực.
Lào là nước đầu tiên tán thành thông điệp chính trị “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết: “Việc trao cho Trung Quốc một cổ phần lớn trong ‘Kế hoạch Đông Nam Á’ sẽ đưa Lào nhanh chóng trở thành giống như… một tỉnh của Trung Quốc”. (NTD)