Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bài giảng của LM Gioan Nam Phong về Ngày 30 Tháng Tư gây chấn động nhà cầm quyền CSVN

Thưa quý ông bà, anh chị em,

Hôm nay là ngày 30 Tháng Tư lịch sử, ngày mà ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ Tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN lúc sinh thời trước khi như người ta đồn đoán ông bị các đồng chí của mình đầu độc chết, ông đã nói về ngày 30 Tháng Tư: “Hôm nay là ngày có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn!”
Dĩ nhiên, thưa anh chị em, những người vui thì đa phần họ là những người chúng ta thường gọi là “bên thắng cuộc”; những người đã mặc cho cuộc chiến phi pháp mà ý nghĩa bằng những cụm từ kiều diễm như “giải phóng” như “thống nhất đất nước” hay “cuộc chiến lập lại hòa bình”. Thưa anh chị em, những ngày gần đây nếu ai trong chúng ta quan sát thời cuộc, nhất là quan sát những phản biện trên các trang mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy bắt đầu có sự đổi thay nơi tâm thức của đa phần người Việt trên quê hương đất nước này. Người ta bắt đầu đặt lại vấn đề về tính chính danh của cuộc nội chiến hai miền Nam – Bắc kéo dài hơn 20 năm, từ năm 1954 đến 30 Tháng Tư năm 1975 với hàng triệu người chết.

Thưa anh chị em.

Hôm nay có một thống kê trên mạng cho biết có khoảng 440 ngàn thanh niên miền Bắc đã hy sính trong cuộc chiến phi nghĩa này. Đó là chưa kể có hàng triệu người đã bị thương tật vĩnh viễn mà bi đát nhất là những hệ lụy của cuộc chiến phi nghĩa này kéo dài cho đến tận hôm nay.
Trong những ngày này, thưa anh chị em, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chúng ta nên gọi cuộc nội chiến này là gì để đừng làm cho vết thương chiến tranh thêm rỉ máu và làm cho dân tộc Việt Nam tiếp tục bị chia rẽ, bị phân tán! Khiến cho chúng ta trở nên yếu nhược, bạc nhược không đủ sức mạnh bảo vệ lãnh thổ, biên cương; chúng ta có thể nào gọi cuộc nội chiến Nam – Bắc là một cuộc giải phóng không? Bởi vì tự nó, thưa anh chị em, không ai lại đi giải phóng một quốc gia giàu có và tân tiến hơn mình.
Mấy hôm nay ông Kim Young Un bên Bắc Triều cũng đang có ý định phát động cuộc chiến để giải phóng Nam Hàn, và việc ông ấy dùng truyền thông để phát động cuộc chiến chỉ làm cho người ta vui cười, bởi không thể gọi việc một quốc gia giàu có bị một quốc gia nghèo khó đến xâm lược thì lại gọi đó là một cuộc “giải phóng”.

Linh Mục Gioan Nam Phong (ảnh chụp lại từ màn ảnh)

Thưa anh chị em, và như vậy thì chúng ta phải gọi cuộc nội chiến hai miền Nam – Bắc bằng tên gọi nào, thưa anh chị em?
Đối với bản thân tôi, huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam – Bắc thật sự phải hiểu đó là một hành vi “xâm lược” chứ không được gọi đó là một cuộc giải phóng miền Nam. Cái gọi là “thống nhất” kể từ ngày 30 Tháng Tư năm 1975 đến nay đã kéo dài 42 năm, 42 năm đã qua kể từ ngày thống nhất, đất nước chúng ta có thực sự thống nhất hay không? Rất nhiều những câu hỏi mà chúng tôi nghĩ rằng chính bản thân chúng ta cũng phải đặt lại cho mình để tìm về sự thật lịch sử của nó, bởi nếu không, có khi chính chúng ta không chỉ là nạn nhân đau thương của lịch sử mà có khi chính chúng ta đã làm cho những vết thương của quá khứ tiếp tục gây nên những vết thương, gây nên những thảm trạng cho dân tộc và cho đất nước này!

Sáng hôm nay khi suy nghĩ về biến cố 30 Tháng Tư lịch sử, tôi có tìm các bài viết của nhiều học giả liên quan đến biến cố lịch sử này. Tuy nhiên có một bài viết làm tôi rất ấn tượng của một chị tân tòng. Sở dĩ nó ấn tượng đối với tôi vì chị đã nhìn biến cố 30 Tháng Tư trong cái nhìn đức tin Công Giáo. Tôi xin trích đọc những chia sẻ của chị, trong một bài viết có tựa đề “Đất Nước Hình Chữ Thập.” Bài viết này được đăng trên trang mạng Dòng Chúa Cứu Thế ngày hôm nay, anh chị em có thể về đọc lại để cùng với một người tân tòng suy tư về vận mệnh của đất nước, nhất là thao thức tới tình trạng của đất nước chúng ta ngày nay, một đất nước được gọi là đã thống nhất, tác giả viết: “Kẻ dữ giết Chúa, đóng đinh Người trên Thập Giá, Chúa nghiêng đầu thương đau, ngắm Chúa trên cao, chợt thấy hao hao hình chữ S, bỗng giật mình chẳng phải đất nước này cũng đang bị đóng đinh vào Thập Giá sao?”
Tác giả bắt đầu bài viết bằng sự tưởng tượng của mình về quê hương đất nước này: Cái đầu miền Bắc chẳng phải cũng đang đội cái mão gai thật to, thật sắc nhọn là bọn giặc Tàu đó sao, chúng làm cho đầu não ra như tê liệt, chúng làm khuynh đảo, kiểm soát mọi lãnh vực của đất nước này bởi không có ít người quyền cao chức trọng đã quỳ gối quy phục chúng. Cái đầu của mỗi con dân Việt Nam cũng bị tròng lên cái mão gai vô hình đó là nền giáo dục nhồi sọ vì chính trị hóa, thiếu nhân bản, thiếu chuyên môn và đi ngược với sự phát triển, một sự phát triển toàn diện về đời sống, nhân cách chứ không phải một kiểu phát triển theo định hướng.
Đó là thứ văn hóa nhưng đầy tính loại bỏ, đe nẹt, thanh trừng và bất lương. Sản phẩm của nền giáo dục và văn hóa ấy chính là những hành vi loạn luân, phi nhân tính, làm tang tác tổ ấm gia đình, làm rệu nát nền tảng xã hội, sản phẩm ấy còn là lối hành sử côn đồ của nhân viên công quyền, nhân danh pháp luật, là tiến sĩ giấy, là tiếng kêu oan rền trời từ Bắc chí Nam, là sự hãnh diện tài nguyên thiên nhiên mà suy tàn nhuệ khí dân tộc. Hai tay Chúa giang rộng, tay phải đặt lên Tây Nguyên, tay trái đặt ra Biển Đảo. Máu tay phải tuôn trào như nhuộm đỏ Bâu xít như hệ thống đập nước đầy độc ác của Tàu Cộng. Máu tay trái nhuộm đỏ biển Đông và giờ đây cả biển, cả đảo đã tan tác vào tay giặc. Ngư dân bị đánh, bị cướp, bị giết ngang nhiên giữa ban ngày. Đáu xót, thưa anh chị em.

Cái gọi là thống nhất mà hệ quả nó vẫn đang tiếp tục như vậy đó, thưa anh chị em.
Người tín hữu tân tòng viết tiếp: Trái tim Chúa bị đâm thâu đau đớn hay miền Trung đang giẫy chết đớn đau. Formosa như con quỷ dữ đang thâm độc giết chết biển, chết đất, dân tình lầm than phẫn nộ. Nhưng than ôi, cái gọi là bộ máy chính quyền, là đầy tớ nhân dân sao lại tiếp tay giặc đàn áp dân không cho dân lên tiếng đòi công lý vậy kẻ thủ ác, kẻ hại dân chống lại nhân dân là ai vậy? Đôi chân Chúa bị kéo căng ra đóng đinh vào đồng bằng sông Cửu Long, nhát búa đớn đau, máu tuôn ra mật đắng, đất nứt nẻ khô cằn, lúa chết trắng ruộng, sông cạn cá tôm bởi bọn giặc lạ đã mưu đồ từ lâu, chặn đứng giòng Mê Kông để giết chết miền Tây Nam Bộ, miền đất trù phú cá tôm và cũng là vựa lúa của miền Nam, chưa hết, sông Tiền giờ đây còn bị cắn xé tan rã vì con ác thú Liman, nhà máy giấy khổng lồ của Trung Quốc.
Đất nước này còn nơi đâu không hằn vết roi đòn của quân dữ? Chúng bỏ vào thức ăn bằng thực phẩm độc hại bằng giấc ngủ ám ảnh của bệnh tật, tai nạn, giết chóc, cướp bóc ung thư vất vào đất, vào biển, vào sông bằng chất độc hại, vất vào lương tri ngay lành bằng sự dối trá, lạnh lùng và vô cảm! Chúng cướp đi những ước mơ tử tế, cướp cả ý thức muốn làm người lương thiện trên đất nước này, đất nước này đã được giải phóng hay đã chìm trong nhiều ách nô lệ, dân tộc này đã được tự do hay vẫn bị xiềng xích gông cùm? Giả như dân tộc này còn biết đau trước ngọn roi của kẻ khác thì còn có hy vọng, còn tỉnh táo, chỉ e rơi vào cảnh khốn nạn như con ếch ngồi dưới đáy nồi, nước đang ấm dần lên mà cũng chẳng hay biết, đến khi nhận ra thì đã bị luộc chín, nhiều kẻ ngồi trên cao vẫn hung tợn, quay quắt tìm mưu ma chước quỷ để vơ vét, hút máu đồng bào. Nhiều kẻ giàu vì bợ đỡ, những kẻ nghèo thì bị ghì đầu sát đất, tai bị bịt, mắt bị che, nghe chữ được cho nghe và nói chữ được cho phép nói, ngồi đâu, đứng đâu khi nước mất nhà tan thì tất cả đều bị tận diệt.

Chị kết luận như thế này. Chị kết luận dành cho chúng ta những người có đức tin Công Giáo. Chúa đã quỵ ngã trước sức mạnh của Thập Giá và Người đã đứng lên. Đất nước này, dân tộc này, quê hương này cũng đang bị đốn ngã sóng soài, liệu có đứng lên được nếu cứ mãi ngây thơ, ngờ nghệch. Chúa đã chiến thắng và Người đã Phục Sinh nhưng những dấu đinh, những thương tích vẫn in hằn. Tôma đã thấy và đã tin, còn những dấu đinh, những thương tích trên đất nước này liệu có kéo được con người trở lại không? Liệu Hội Thánh Chúa hiện diện trong mỗi Kitô hữu đã tận lực hết sức mình lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện để loan truyền ánh sáng Phục Sinh không? Ánh sáng ấy chính là sự thật, là công lý, là yêu thương Hội Thánh đã dám mở toang cánh cửa để bước ra ngoài hay vẫn sợ hãi đóng kín cửa mình lại!
Thưa anh chị em, đó là tâm sự của một tân tòng chỉ mới theo đạo, trước cảnh nước mất nhà tan . Ngày 30 Tháng Tư lịch sử, chị đã đưa ra nhận định mà tôi nghĩ rằng nó đã tóm kết tất cả hiện tình của đất nước chúng ta sau ngày 30 Tháng Tư lịch sử. Điều mà hôm nay chúng ta cần phải nói với nhau, thưa anh chị em; chúng ta là con dân nước Việt, bà Mẹ Việt Nam đã bị đốn sóng soài chẳng phải chỉ bởi ông hàng xóm xấu tính Bắc Kinh.
Nhưng trước hết và trên hết bởi những vết thương của cuộc chiến huynh đệ tương tàn chưa bao giờ được chữa lành, con dân đất Việt, Bắc, Trung, Nam vẫn chưa một nhà, vẫn kỳ thị vùng, miền; vẫn sống chết mặc bay, vẫn tiền thầy bỏ túi và chúng ta phó mặc vận mệnh đất nước cho ngoại bang, cho những nhóm lợi ích xẻ thịt từng tấc đất quê hương chúng ta. Mẹ Việt Nam đã bị đốn ngã sóng soài còn bởi vì nhóm này, Đảng kia, nhóm nọ cho mình là chân lý, nhưng lại quên mất rằng chỉ có một chân lý chúng ta là người Việt Nam, chúng ta là anh em một nhà, là dòng giống con Lạc cháu Hồng, cùng chung một vận mệnh, cùng chung một dòng máu, cùng chung một quê hương.

Chúng ta đã quá đau đớn về cuộc chiến phi nghĩa, huynh đệ tương tàn trong quá khứ. Chúng ta đã quá đau đớn khi chứng kiến đất nước hơn 40 năm qua thay vì được giải phóng thì ngược lại càng ngày càng bế tắc, luẩn quẩn trong cái ách nô lệ mới như chính trị khủng hoảng, kinh tế bất ổn, đạo đức xuống cấp, giáo dục lạc hậu, lạc hướng, văn hóa suy đồi, nhân tâm suy kiệt, nhân cách lạc chuẩn, lãnh đạo tham nhũng, trí thức ươn hèn, người dân vô cảm và nguy cơ làm nô lệ cho giặc Tàu ngày càng đến gần. Chúng ta đã quá đau đơn khi đại gia đình Việt Nam chưa bao giờ được đoàn tụ khi cả dân tộc bị buộc phải tôn thờ một vị lãnh tụ mà thế giới xếp vào trong số những tội ác chống lại loài người.
Tôn thờ một lãnh tụ như vậy thì thưa anh chi em cũng đồng nghĩa với tôn thờ tội ác, và lý tưởng hóa tội ác làm cho tội ác trở thành đúng đắn, làm cho tội ác trở thành cái gì bình thường trong đất nước này. Chúng ta phải thú nhận với nhau rằng, thưa anh chị em, chủ nghĩa xã hội hay ý thức hệ cộng sản chính là nguyên nhân gây nên những thảm trạng của xã hội Việt Nam hơn 60 năm qua, và chắc chắn nếu chúng ta tiếp tục kiên định đưa đất nước đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì dân tộc này sẽ rất nhanh đi tới chỗ diệt vong và cũng rất sớm hai tiếng gọi thân thương Việt Nam sẽ bị xóa sổ trên bản đồ thế giới.

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục Sinh, Chúa Phục sinh là để làm cho thế giới được hồi sinh trong niềm tin chắc chắn rằng, sự thiện sẽ thắng sự ác, công lý sẽ thắng bất công, tình yêu sẽ thắng hận thù. Nếu không có bất cứ sự hồi sinh nào nơi bản thân chúng ta, không có bất cứ sự thay đổi nào nơi gia đình, nôi học đường hay nơi xã hội chúng ta đang sống thì thưa anh chị em, chúng ta chưa sống đúng mầu nhiệm Chúa đã Phục sinh và Người đang ở giữa chúng ta. Trong lời cầu nguyện đầu lễ hôm nay, Hội Thánh tuyên xưng Chúa Phục Sinh là mang lại cho chúng ta nét tươi mới, Chúa Phục Sinh là để Ngài hiện diện với chúng ta và cùng chúng ta canh tân bộ mặt trái đất. Đức Giáo Hoàng Phanxico trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 71, ngài đã viết:” Chúng ta cần phải nhìn vào các thành phố của chúng ta với một cái nhìn chiêm niệm, một cái nhìn đức tin để thấy Thiên Chúa cư ngụ trong các ngôi nhà, trong các đường phố trong các công viên.
Sự hiện diện của Thiên Chúa nâng đỡ các cố gắng của các cá nhân và tập thể để tìm được sự khích lệ và ý nghĩa trong đời họ. Ngài cư ngụ nuôi dưỡng tình yêu tình huynh đệ, sự thật và công bằng. Vì thế một đức tin chân chính không bao giờ dễ chịu hay một cá nhân nhưng luôn bao hàm một ước muốn sâu sa là biến đổi thế giới, truyền thông các gía trị và làm cho thế giới này phần nào tốt hơn khi ta gặp nó. Chúng ta yêu qúy hành tinh tuyệt vời này, nơi mà Thiên Chúa đặt chúng ta vào. Chúng ta yêu quý tình nhân loại này, nơi chúng ta đang cư ngụ ở đây với tất cả những thảm cảnh và những đấu tranh hy vọng và giấc mơ, những yếu đuối, sức mạnh của nó. Trái đất này là nhà chung của chúng ta, và tất cả chúng ta là anh chị em của nhau. Nếu quả thực việc điều hòa công bằng, trật tự xã hội và nhà nước là một điều hành chánh trị thì Hội Thánh không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho Công Lý và Hòa Bình.

Thưa anh chị em, đó là những lời của người cha chung chúng ta, mời gọi chung ta đã đến lúc cùng bắt tay nhau lên đường, quên đi quá khứ đau thương để cùng nhau xây dựng một tương lai Việt Nam mới, công bằng và huynh đệ. Hôm nay ngày 30 Tháng Tư, ngày lịch sử của dân tộc, Đây chắc chắn không phải là một ngày vui cũng không nên giữ mãi một nỗi buồn, thưa anh chị em, tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có buồn thì hãy buồn cho sự tụt hậu của đất nước này, nếu chúng ta có buồn hãy buồn cho sự chia rẽ đất nước, chúng ta dù đã thống nhất về địa lý nhưng thật sự chúng ta chưa có sự thống nhất về nhân tâm.
Vì thế để chung tay thay đổi vận mệnh đất nước, thiết nghĩ điều quan trọng trước hết, tất cả chúng ta ngồi ở đây, đặc biệt những người lãnh đạo đất nước này đã đến lúc toàn thể dân tộc Việt Nam phải làm một cuộc sám hối tập thể về những lỗi lầm của quá khứ, về những cơ hội mà chúng ta đã bỏ qua vì những điều tốt mà đáng lẽ chúng ta phải làm đã không làm chỉ vì chúng ta quá sợ hãi, chỉ vì chúng ta qua nhu nhược.
Hôm nay chúng ta dâng lên Chúa thánh lễ này dâng lên Chúa đất nước Việt Nam thân yêu, chúng ta cũng xin dâng lên Chúa từng con người Việt Nam. Xin cho tất cả chúng ta biết bỏ qua hận thù, xin cho tất cả chúng ta biết quên đi quá khứ, cùng nhau xây dựng một đất nước bình an, an lạc để con cháu chúng ta không trách cứ chúng ta, nhất là để con cháu chúng ta không thể nói, gia tài cha mẹ để lại cho con chỉ là một Việt Nam buồn! Amen.

THANH PHONG ghi lại (VĐ)