Bác sĩ gốc Việt bị dọa ‘xử tử’ vì ban lệnh phòng chống COVID-19
YUBA CITY, California – Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng, giám đốc y tế cộng đồng hai quận hạt Yuba County và Sutter County, bị một nhà truyền thông đe dọa “xử tử” vì ban hành lệnh phòng chống COVID-19, theo thông cáo báo chí của nhóm “California Asian Pacific Islander Legislative Caucus” (APILC) cho biết hôm Thứ Hai, 3 Tháng Năm.
APILC bao gồm các nhà lập pháp gốc Châu Á-Thái Bình Dương (API) tại Quốc Hội California.
Theo thông cáo, Bác Sĩ Ngọc Phượng bị ông Lou Binninger, một nhà truyền thông trên mạng (podcaster) đe dọa vì ban hành các lệnh quan trọng về an toàn sức khỏe cộng đồng nhằm phòng ngừa COVID-19.
Trong một video gần đây, ông Binninger nói: “Người phụ nữ này đáng phải bị dựa vào bức tường và bắn sau khi chuyện này kết thúc.”
Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ Richard Pan (Dân Chủ-Sacramento), chủ tịch Ủy Ban Y Tế Thượng Viện và là chủ tịch APILC, lại lên án hành động của ông Binninger và ca ngợi vị bác sĩ gốc Việt.
“Là một bác sĩ, một thượng nghị sĩ chủ tịch Ủy Ban Y Tế, tôi lên án việc tấn công và nói lời cay độc, bao gồm dọa giết, trực tiếp tới giới chức y tế Yuba County và Sutter County, Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng,” ông Pan cho biết qua một thông cáo báo chí. “Bác Sĩ Phượng chịu trách nhiệm việc bảo vệ người dân của Yuba County và Sutter County để họ không bị đại dịch, bao gồm COVID-19, đe dọa. Cho tới nay, đại dịch làm chết hơn 60,000 dân California và làm nhiều người phải vào bệnh viện trong gần một năm qua. Người dân Yuba County và Sutter County không nên dung thứ hành động khiêu khích một giới chức lo về an toàn công cộng…”
Thượng Nghị Sĩ Richard Pan cho biết tiếp: “Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng là một công chức rất tận tụy với công việc, người đang làm hết sức mình để bảo vệ cư dân ở cả hai quận hạt này.”
“Là phụ nữ gốc API đầu tiên giữ chức vụ giám đốc y tế công cộng một lúc hai quận hạt, Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng phải đối mặt với những mối đe dọa cá nhân về an toàn và tính mạng của mình trong nhiều tháng qua,” ông Pan cho biết thêm.
Bác Sĩ Richard Pan cũng cho biết, phụ nữ trong ngành y tế công cộng nói chung, và phụ nữ gốc API nói riêng, phải chịu gánh nặng của những lời lẽ bạo lực và phân biệt chủng tộc trong đại dịch, nhiều người bị thương tích hoặc mất mạng vì sự thù hận này.
“Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng phải được bảo vệ trước các mối đe dọa cá nhân. Thủ phạm kích động bạo lực phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khi xảy ra thương tích hoặc tử vong. Người gốc API phải được sống và làm việc an toàn tại Mỹ,” Bác Sĩ Richard Pan cho biết tiếp trong thông cáo.
Dân Biểu Evan Low (Dân Chủ-Silicon Valley), phó chủ tịch APILC, cho biết: “Chúng tôi đã thấy cách mà họ tuyên bố về phân biệt chủng tộc, bài ngoại và cố ý gây hiểu lầm về đại dịch dẫn đến sự gia tăng các tội ác thù địch nhắm vào cộng đồng API, bao gồm cả những vụ giết người kinh hoàng ở Atlanta, Georgia.”
“Những tuyên bố liều lĩnh chống lại Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng, người cống hiến sự nghiệp của mình để cứu sống và giữ an toàn cho cộng đồng, là hành động bôi nhọ và hạ uy tín con người,” Dân Biểu Evan Low cho biết thêm. “Tôi kêu gọi Apple, iHeartRadio và tất cả các nền tảng podcast khác hủy bỏ chương trình nguy hiểm này, trước khi có thêm bạo lực chống lại cộng đồng API.”
Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng sinh ra ở Sài Gòn, sang Mỹ năm 1990, và định cư ở Seattle, Washington.
Cô tốt nghiệp xuất sắc tại đại học y khoa Washington State University năm 2010, sau đó, cô làm việc tại đại học George Washington University.
Từ 2013-2015, cô được học bổng học đại học Johns Hopkins University, Maryland. Trong thời gian này, cô cũng lấy bằng cao học ngành Khoa Học Y Tế Dịch Tễ Học Lâm Sàng.
Trên trang web của Yuba County, ông Robert Bendorf, tổng quản trị quận hạt này, cho biết: “Bề dày kiến thức và kinh nghiệm của Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng khiến cô trở thành tài sản vô giá đối với các chương trình sức khỏe của cộng đồng chúng tôi.”
Bác Sĩ Lưu Ngọc Phượng từng nói: “Tôi mong muốn được hợp tác với các nhóm tài năng ở cả hai quận hạt, các chuyên gia y tế, các nhà lãnh đạo cộng đồng, và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng khác nhau mà các quận hạt phải đối mặt. Mục tiêu của tôi là hướng tới cộng đồng có một khu vực hai quận hạt mà người dân có cuộc sống thật hạnh phúc, mạnh khỏe, và an toàn.”
Trước sự đe dọa về tính mạng của những kẻ quá khích, rất cần thêm nữa tiếng nói bảo vệ cộng đồng API, trong đó có cô bác sĩ trẻ tài giỏi gốc Việt, Lưu Ngọc Phượng, thông cáo cho biết.
Vẫn theo thông cáo của APILC, những từ như “Kung flu” và “Chinese virus” đã thúc đẩy sự gia tăng tội ác chống đối người gốc API, vốn leo thang từ hồi Tháng Ba khi có sáu phụ nữ gốc API bị giết ở Atlanta.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, phong trào “Stop AAPI Hate” ghi nhận hơn 3,700 vụ tấn công chống người gốc API trên toàn quốc, theo APILC. Gần 50% các vụ tấn công xảy ra ở California và khoảng 70% vụ trong đó nạn nhân là phụ nữ. Chỉ riêng trong năm 2021, hơn 500 vụ phân biệt đối xử người gốc API được báo cáo. (N/V)