Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Apple Daily thề quyết tranh đấu sau khi chủ báo Jimmy Lai bị bắt

Bất chấp việc nhà cầm quyền bắt giữ chủ báo Jimmy Lai theo luật an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong, nhật báo cổ suý dân chủ Apple Daily ở Hong Kong ngày 11/8 thề quyết tranh đấu, với dòng tít đăng trên trang bìa kèm theo bức ảnh ông Lai bị còng tay.

Ông Lai được tại ngoại sau khi đóng tiền thế chân vào sáng sớm ngày 12/8, với luật sư đi kèm. Ông được một số người ủng hộ chào mừng trong khẩu hiệu “tranh đấu đến cùng” và “ủng hộ Apple, mỗi ngày mua một tờ Apple.”

Ông Jimmy Lai, chào người ủng hộ bên ngoài sở cảnh sát. (Hình: AP Photo/Kin Cheung)
Người Hong Kong xếp hàng mua báo Apple Daily, ngày 11/8/2020.
Người Hong Kong xếp hàng mua báo Apple Daily, ngày 11/8/2020.

Độc giả ngày 11/8 xếp hàng dài từ sáng sớm để mua báo, một ngày sau khi cảnh sát bố ráp văn phòng và bắt ông Lai, một vụ bắt giữ theo luật an ninh quốc gia gây nhiều chú ý.

Bìa báo chạy dòng chữ “Nhật báo Apple Daily phải tiếp tục tranh đấu” giữa những lo ngại là luật mới đang xói mòn tự do truyền thông vốn được đảm bảo khi cựu thuộc địa của Anh được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

“Những lời cầu nguyện và khuyến khích của nhiều độc giả và ký giả khiến chúng tôi tin rằng khi nào còn độc giả thì còn ký giả, và chắc chắn nhật báo Apple Daily sẽ tiếp tục tranh đấu.”

Nhật báo này cho biết hơn 500.000 ấn bản được phát hành so với 100.000 thường ngày.

Tỷ phú truyền thông Hong Kong Jimmy Lai, giữa, người thành lập nhật báo Apple Daily, bị cảnh sát bắt giữ theo Luật An ninh mới ở Hong Kong, ngày 10/8/2020. (AP Photo)
Tỷ phú truyền thông Hong Kong Jimmy Lai, giữa, người thành lập nhật báo Apple Daily, bị cảnh sát bắt giữ theo Luật An ninh mới ở Hong Kong, ngày 10/8/2020. (AP Photo)

Ông Lai sinh tại Hoa lục, được đưa lậu vào Hong Kong trên một chiếc thuyền đánh cá ở tuổi 12 không một xu dính túi. Ông là một trong những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở Hong Kong và là người chỉ trích kịch liệt sự cai trị của Đảng Cộng sản tại Bắc Kinh.

Vụ bắt giữ ông Lai diễn ra giữa lúc cuộc đàn áp giới đối lập đấu tranh cho dân chủ tại Hong Kong khiến quốc tế chỉ trích và gây ra những quan ngại về các quyền tự do được Bắc Kinh hứa theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.

Luật an ninh được áp đặt vào ngày 30/6 trừng phạt bất cứ điều gì Trung Quốc xem như ly khai, lật đổ, khủng bố hay cấu kết với các lực lượng nước ngoài, với án phạt lên đến tù chung thân.

Trùm truyền thông Jimmy Lai (thứ 3 từ trái), và các ủng hộ viên cuộc biểu tình, dẫn đầu đêm thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An môn năm 1989 ở Bắc Kinh, trước Tòa án West Kowloon, Hong Kong

Nhà chức trách Trung Quốc lẫn chính quyền Hong Kong do Trung Quốc hậu thuẫn nói luật này cần thiết để vãn hồi trật tự sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, có lúc bạo động.

Hong Kong đã trở thành một mối tranh cãi khác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn các quan hệ đã căng thẳng trong nhiều năm về nhiều vấn đề trong đó có thương mại, virus corona, cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo Uighur thiểu số trong nước và việc nước này tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/8 gọi ông Jimmy Lai là “môt nhà ái quốc” và tố cáo Bắc Kinh “tước đoạt” những quyền tự do của Hong Kong.

Anh nói việc bắt ông Lai là bằng chứng thêm nữa chứng tỏ luật an ninh “nhằm làm im tiếng đối lập”, khiến cho tòa đại sứ Trung Quốc đáp trả bằng cách yêu cầu London ngưng “sử dụng tự do báo chí làm cớ bôi nhọ” luật này.

Bắc Kinh từng gọi ông Lai là “kẻ phản bội” và công bố một thông cáo ủng hộ việc bắt giữ ông Lai.

Hồng Kông bắt giữ Agnes Chow -cựu thành viên Demosisto của Joshua Wong. (Ảnh chụp từ màn hình)

Cảnh sát Hong Kong bắt tổng cộng 10 người ngày 10/8, trong đó có các giám đốc điều hành khác của tờ Apple Daily và cô Agnes Chow, 24 tuổi, một trong những cựu lãnh đạo của tổ chức tranh đấu cho dân chủ Demosisto của nhà hoạt động trẻ Joshua Wong. Tổ chức này đã bị giải tán trước khi luật mới có hiệu lực.

Cô Chow được tại ngoại sau khi đóng tiền thế chân vào chiều ngày 11/8. Cô nói vụ bắt giữ cô và những nhà hoạt động khác là “đàn áp chính trị”.

“Rõ ràng là chế độ đang dùng luật an ninh quốc gia để đàn áp những nhà bất đồng chính kiến,” cô nói.

Phong trào dân chủ Hong Kong đã giữ được sự ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng.

Chứng khoán của Next Digital, nơi xuất bản tờ Apple Daily, tăng vọt trong hai ngày liên tiếp, lên hơn 2.078% từ lúc đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Sáu 7/8, sau khi diễn dàn dân chủ trên mạng kêu gọi các nhà đầu tư ủng hộ.

Giá trị thị trường của Next Digital tăng lên tới 5,17 tỉ đô la Hong Kong (666,7 triệu đô la Mỹ) từ con số khoảng 200 triệu đô la Hong Kong trước đó.

Tại khu Mong Kok, nhiều người xếp hàng từ 2 giờ sáng để mua nhật báo của ông Lai.

“Điều cảnh sát làm can thiệp thô bạo vào tự do báo chí,” bà Kim Yau, 54 tuổi, phát biểu khi mua được một tờ Apple Daily.

“Tất cả người Hong Kong có lương tâm phải ủng hộ Hong Kong ngày hôm nay, ủng hộ Apple Daily.”

Một biểu hiện ủng hộ khác là hàng dài người xếp hàng vào giờ ăn trưa tại nhà hàng Café Seasons do con trai ông Lai làm chủ. Người con của ông Lai cũng bị bắt hôm 10/8.

Tuần trước, Mỹ áp đặt chế tài lên một số giới chức cao cấp Hong Kong về điều mà Mỹ gọi là vai trò của họ trong việc đàn áp tự do chính trị tại Hong Kong. Trung Quốc trả đũa bằng cách chế tài một số nhà lập pháp hàng đầu và một số nhân vật khác tại Mỹ. (VOA)