Mỹ Tẩy Chay “Ngày Quốc Hận”: Trump cấm viên chức dự kỷ niệm 30/4 ở Việt Nam
Trong một động thái cứng rắn và gây chú ý, chính phủ Hoa Kỳ đã ra chỉ thị nội bộ yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao tại Việt Nam –kể cả Đại sứ Marc Knapper –không tham dự bất kỳ hoạt động nào do chế độ Cộng Sản Việt Nam tổ chức nhân dịp 30 Tháng Tư.

Thông tin này được báo New York Times loan tải ngày 22 Tháng Tư, dẫn lời nhiều viên chức tại Washington xin ẩn danh vì tính nhạy cảm ngoại giao. Đây là lần hiếm hoi mà Mỹ công khai thể hiện lập trường rõ ràng về một ngày mà người Việt tị nạn tại hải ngoại gọi là “Ngày Quốc Hận” –đánh dấu thời điểm chế độ miền Nam Việt Nam sụp đổ dưới họng súng của Cộng sản Bắc Việt, vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris 1973.
Trong khi nhà cầm quyền Hà Nội đang rầm rộ chuẩn bị “mừng đại thắng” bằng tiệc tùng và diễu binh tại Sài Gòn, với sự phối hợp của truyền thông nhà nước, thì tòa đại sứ Mỹ lại chọn cách giữ khoảng cách tuyệt đối. Thậm chí, các cựu quân nhân Mỹ có mặt tại Việt Nam thời điểm này cũng được khuyến cáo rằng sự hiện diện của họ là hoàn toàn mang tính cá nhân, không đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ.

Các chương trình do CSVN tổ chức –từ tiệc chiêu đãi ở khách sạn cao cấp ngày 29 Tháng Tư đến màn diễu binh quy mô lớn ngày 30 –đang gây kẹt xe trầm trọng ở trung tâm thành phố. Dư luận trong nước không thiếu người bất mãn, thậm chí một nữ phát thanh viên địa phương chỉ vì than phiền kẹt xe trên mạng xã hội mà bị báo chí nhà nước tấn công thậm tệ.
Việc Mỹ tẩy chay các buổi lễ này không chỉ là biểu tượng ngoại giao. Một số quan sát viên cho rằng quyết định có thể xuất phát từ lo ngại về hình ảnh: sự hiện diện của viên chức Mỹ trong ngày lễ mà Cộng Sản Việt Nam gọi là “giải phóng” có thể bị diễn giải như sự công nhận “chiến thắng” của Hà Nội –điều mà Tổng thống Trump, người vừa đánh dấu 100 ngày trong nhiệm kỳ thứ hai, muốn tránh nhắc lại.

Từ năm 1995 đến nay, quan hệ Việt-Mỹ trải qua nhiều thăng trầm. Dưới thời ông Obama, lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội bị dỡ bỏ. Đến năm 2023, Tổng thống Biden đến Hà Nội, nâng quan hệ song phương lên mức “Đối tác Chiến lược Toàn diện”. Dù vậy, mối quan hệ này vẫn luôn đặt trên một sợi dây mong manh giữa lợi ích và nguyên tắc.
CSVN hiện đang tìm cách cân bằng giữa hai cường quốc: một mặt ca tụng Trung Quốc bằng những khẩu hiệu “chung vận mệnh”, mặt khác lại đàm phán mua 24 chiếc F-16 của Mỹ –động thái khiến Bắc Kinh tức giận nhưng có thể làm thay đổi cán cân địa chính trị khu vực nếu thành hiện thực.
Trong khi đó, ở bên ngoài những lễ mừng hào nhoáng của chế độ, nhiều người Việt vẫn lặng lẽ đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa –nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn tử sĩ VNCH. Khói nhang vẫn phảng phất mỗi dịp cuối Tháng Tư. Với cộng đồng người Việt hải ngoại, ngày này là lời nhắc nhở của một bi kịch lịch sử chưa khép lại. (T/H, D/V)