Không có bằng chứng cho thấy Bovaer làm nhiễm bẩn sữa gây vô sinh hoặc ung thư ở người
Soofia Tariq
Ngày 17 tháng 12 năm 2024
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Sữa từ những con bò sữa dùng Bovaer có thể gây vô sinh và ung thư ở nam giới.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Sai. Không có bằng chứng nào cho thấy mức độ gây hại của Bovaer có thể xâm nhập vào sữa gây vô sinh ở nam giới và ung thư ở người.
AAP FACTCHECK – Không có bằng chứng nào chứng minh cho những tuyên bố trên mạng xã hội rằng chất phụ gia thức ăn chăn nuôi Bovaer giảm khí mê-tan làm nhiễm bẩn sữa và gây vô sinh và ung thư ở người.
Các cơ quan an toàn thực phẩm nêu bật bằng chứng cho thấy sữa từ những con bò dùng Bovaer là an toàn để con người sử dụng.
Sản phẩm đã được các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Châu Âu, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ chấp thuận và hiện có sẵn tại Australia.
Các bài đăng trên Facebook đã đưa ra tuyên bố đó sau khi Arla Foods, công ty sở hữu thương hiệu bơ Lurpak, công bố vào tháng 11 về quan hệ đối tác với các siêu thị của Vương quốc Anh như Tesco, Morrisons và Aldi để thử nghiệm dùng Bovaer trong thức ăn cho bò sữa.
Chất phụ gia này có tác dụng ức chế một loại enzyme trong dạ dày bò tạo ra khí mê-tan.
Một bài đăng trên Facebook tuyên bố: “Bovaer được cho gia súc của chúng ta ăn để giảm lượng carbon. Nó có trong các sản phẩm từ sữa của chúng ta tại Cole’s, Woollies và Aldi. Tác dụng phụ là ung thư và vô sinh ở nam giới. Bạn có thể cảm ơn Bill Gates vì đã từ từ giết chết chúng ta!!!”
Các nghiên cứu và chuyên gia đã nói với AAP FactCheck rằng điều này là không chính xác.
Bò nhanh chóng chuyển hóa thành phần hoạt tính trong Bovaer, “3- Nitrooxypropanol” hoặc 3-NOP, trong một phần bao tử của chúng được gọi là dạ cỏ.
Ví dụ: một nghiên cứu năm 2016 phát hiện ra rằng 3-NOP đã nhanh chóng được chuyển hóa trong môi trường phòng thí nghiệm bởi cùng loại vi sinh vật có trong dạ cỏ của bò.
Giáo sư Richard Eckard, một chuyên gia về kỹ nghệ sữa của Trường Nông nghiệp thuộc Đại học Melbourne, nói với AAP FactCheck rằng “khả năng thành phần hoạt tính phản ánh trong sữa là rất thấp do nó bị phân hủy nhanh trong dạ cỏ”.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (European Food Safety Authority – EFSA) nhận thấy Bovaer an toàn cho bò sữa ở mức khuyến nghị tối đa và cho biết không có lo ngại nào về sự an toàn của người tiêu dùng.
Một phát ngôn viên của EFSA nói với AAP FactCheck rằng “các nghiên cứu cho thấy hoạt chất Bovaer … không có trong sữa và thịt của động vật được cho ăn phụ gia này”.
“Điều này có nghĩa là người tiêu dùng không bị tiếp xúc với chính chất phụ gia,” phát ngôn viên nói thêm.
Một tuyên bố từ các nhà sản xuất Bovaer, DSM-Firmenich, cũng cho biết rằng chất phụ gia này không có trong sữa hoặc thịt nên người tiêu dùng sẽ không bị tiếp xúc với nó, miễn là chất phụ gia được sử dụng theo khuyến nghị.
Một bài đăng khác trên Facebook tuyên bố Bovaer là “độc hại” và rằng “theo tôi – nó gây ung thư và độc hại, đồng thời sẽ gây hại cho cơ thể của chúng ta, chẳng hạn như có thể gây hại cho khả năng sinh sản và cơ quan sinh dục của nam giới, mắt và da”.
Bài đăng này cũng có hình ảnh của một bài đăng trên X tuyên bố rằng ủy ban an toàn thực phẩm Nhật Bản phát hiện Bovaer “làm teo tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng và giảm khả năng di chuyển của tinh trùng” và “gây ra khối u”, khiến người dùng X tuyên bố Bovaer gây ra “UNG THƯ và VÔ SINH ở NAM GIỚI”.
Đánh giá rủi ro của Ủy ban An toàn Thực phẩm Nhật Bản phát hiện ra rằng 3-NOP làm giảm trọng lượng tinh hoàn và mào tinh hoàn của chuột đực, số lượng tinh trùng và hoạt động của tinh trùng ở chuột, chuột cống và chó, nhưng nghiên cứu này không được tiến hành trên gia súc hoặc con người.
Đánh giá rủi ro đó cho biết 3-NOP được chuyển hóa nhanh chóng “và chất gốc không được phát hiện … khoảng 1-2 giờ sau khi ăn”.
Nhật Bản đã phê duyệt Bovaer cho bò sữa và bò thịt vào tháng 11 năm 2024.
Phiên bản tiếng Anh của đánh giá của ủy ban này không nêu rõ liều lượng gây ra tác động về sinh sản ở động vật.
Tuy nhiên, đánh giá đó đã tìm ra mức mà người ta quan sát thấy là không có các tác động bất lợi, đối với 3-NOP là 100 miligam (mg) trên một kilôgam trọng lượng cơ thể mỗi ngày, có nghĩa là tác động về sinh sản được thấy ở liều lượng lớn hơn mức này.
Báo cáo của EFSA đã phát hiện thấy (trang 21) tác động ở tinh hoàn của chuột với liều 300 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Alastair Hay, Giáo sư Danh dự về Độc tính Môi trường tại Đại học Leeds, chỉ ra cho AAP FactCheck một đánh giá của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh (UK Food Standards Agency – FSA) phát hiện ra rằng 3-NOP có tác động đến hệ sinh sản của chuột đực khi ở liều lượng trên 95,6mg/kg trọng lượng cơ thể.
Giáo sư Hay lưu ý rằng liều lượng này cao hơn 300 lần so với liều lượng mà FSA đồng ý là có thể chấp nhận được đối với con người, tức là 0,3mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
3-NOP được chuyển hóa chủ yếu thành thứ được gọi là “NOPA”.
Giáo sư Hay cho biết ước tính về độc tính lý thuyết cho thấy mức NOPA có thể có trong sữa ở mức liều lượng đề xuất thấp hơn khoảng 100 lần so với giới hạn an toàn của FSA là 0,3 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Tổng hợp những dữ liệu này, ông cho biết liều lượng dự kiến khi uống sữa từ những động vật có dùng 3-NOP theo liều khuyến cáo thấp hơn khoảng 30.000 lần so với liều lượng có thể gây ra các vấn đề về sinh sản.
“Tôi cho rằng đây là mức chênh lệch khá an toàn đối với bất kỳ ai,” ông nói.
Báo cáo của FSA ghi nhận thử nghiệm thực tế do DSM-Firmenich thực hiện “không phát hiện thấy nồng độ NOPA nào từ tất cả các mẫu sữa được lấy”.
Các bài đăng khác có vẻ đề cập đến nhãn bao bì của Bovaer, trong đó ghi: “Không dùng cho con người. Cần thận trọng khi xử lý sản phẩm này. 3-nitrooxypropanol có thể gây hại cho khả năng sinh sản và cơ quan sinh dục của nam giới, có khả năng gây hại khi hít phải và gây kích ứng da và mắt.”
Tuy nhiên, điều này đề cập đến những người lao động xử lý Bovaer, không phải sữa do những con bò tiêu thụ chất phụ gia này sản xuất ra.
Trang mạng của nhà sản xuất nêu rõ: “Phiếu an toàn sản phẩm là một tờ tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho những người xử lý sản phẩm tại các cơ sở chế biến và đảm bảo việc sử dụng an toàn. Những quy trình như vậy khá phổ biến đối với các chất bổ sung thức ăn, chẳng hạn như vitamin, để đảm bảo người lao động thực hiện các biện pháp thích hợp (ví dụ: đeo khẩu trang và găng tay) để tránh rủi ro từ các hạt bụi nhỏ.”
Frank Dunshea, Trưởng khoa Nông nghiệp tại Đại học Melbourne, nói với AAP FactCheck rằng báo cáo của EFSA chỉ ra rằng “3-NOP sẽ không gây ung thư hoặc gây vô sinh ở nam giới ở liều lượng đề xuất”.
Báo cáo của UKFSA cũng phát hiện chất phụ gia này không gây ung thư ở liều khuyến cáo, dựa trên một nghiên cứu kéo dài hai năm ở chuột.
Đánh giá của Ủy ban An toàn Thực phẩm Nhật Bản nêu rõ 3-NOP sẽ không gây ra “độc tính di truyền”, nghĩa là nó không gây tổn hại đến ADN. (AAP)