Thursday, November 14, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bệnh ho gà là gì? Có những triệu chứng gì?


Thông Tin Bệnh Truyền Nhiễm: Bệnh Ho Gà

Ho gà là bệnh có thể xảy đến cho người thuộc mọi lứa tuổi nhưng ở các em bé bệnh có thể rất trầm trọng. Bệnh có thể được phòng tránh bằng cách chủng ngừa lúc em bé được 2, 4 và 6 tháng tuổi. Cần chủng ngừa liều dặm cho trẻ 4 tuổi và thiếu niên dậy thì và người lớn sống chung hoặc làm việc với trẻ em.

Bệnh ho gà là gì?

Ho gà là bệnh nhiễm trùng ở cổ họng do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra.

Bệnh có những triệu chứng gì?

  • Thông thường, bệnh ho gà khởi phát giống như bị Cúm, sổ mũi, mệt và đôi khi sốt nhẹ.
  • Sau đó người bệnh bị ho, thông thường ho từng cơn, tiếp theo là tiếng kéo hơi dài (hay “gà hớt”). Đôi khi người bệnh bị ói sau khi ho.
  • Bệnh ho gà có thể là bệnh rất trầm trọng nơi trẻ em. Các em có thể bị tím tái hoặc ngưng thở khi nổi cơn ho và có thể cần phải đi bệnh viện.
  • Bệnh này ở trẻ lớn tuổi và người lớn có thể ít trầm trọng hơn, người bệnh bị ho từng cơn, kéo dài trong nhiều tuần lễ bất kể được điều trị như thế nào đi nữa.

Bệnh lây lan bằng cách nào?

Bệnh ho gà lây lan sang người khác bằng những hạt nước li ti khi người bệnh ho hay hắt hơi bắn ra. Nếu không chữa trị, người bệnh ho gà có thể lây lan bệnh cho người khác đến ba tuần lễ sau khi bắt đầu bị ho.

Thời gian ủ bệnh thông thường là bảy đến mười ngày nhưng có thể đến 3 tuần lễ.

Ai dễ có nguy cơ bị mắc bệnh này?

  • Bất cứ cũng có thể bị bệnh ho gà.
  • Người sống chung nhà với người bệnh ho gà dễ có nguy cơ bị bệnh hơn.
  • Chủng ngừa sẽ giảm thiểu nguy cơ bị bệnh đáng kể, nhưng bệnh vẫn có thể tái phát.

Cách ngừa bệnh?

Chủng ngừa đúng thời hạn

  • Thuốc chủng không ngừa được bệnh ho gà cả đời và khả năng miễn nhiễm có khi không hoàn toàn.
  • Trẻ em cần được chủng ngừa vào lúc hai, bốn và sáu tháng tuổi.
  • Cần chủng ngừa liều dặm vào lúc bốn tuổi và một lần nữa vào lúc 15 tuổi.
  • Bác sĩ gia đình và một số hội đồng thành phố có thể chủng ngừa.

Đừng để em bé ở gần người bị ho

  • Em bé cần phải được chủng ngừa hai hay ba lần trước khi được miễn nhiễm. Vì vậy, điều quan trọng là đừng để người bị ho đến gần em bé, để họ không lây lan bệnh ho gà hay những vi khuẩn khác sang cho em bé.

Nếu là người lớn tiếp xúc gần gũi với trẻ em, quý vị nên được chủng ngừa

Hiện nay đã có thuốc chủng dành cho người lớn. Những người sau đây nên được chủng ngừa:

  • Cả cha lẫn mẹ khi dự tính có con hoặc ngay sau khi em bé chào đời
  • Người lớn làm việc với trẻ em, đặc biệt là nhân viên y tế và nhân viên giữ trẻ.

Nếu là người đã tiếp xúc gần gũi với người bệnh ho gà:

  • Để ý những triệu chứng bệnh. Nếu thấy có triệu chứng bệnh, đi khám bác sĩ, nhớ đem theo tờ thông tin này và nói cho bác sĩ biết quý vị đã có tiếp xúc với vi khuẩn bệnh ho gà.
  • Một số người đã tiếp xúc gần gũi với người bệnh nên có nguy cơ bị bệnh cao (thí dụ như trẻ em dưới một tuổi, trẻ em chưa chủng ngừa đầy đủ và phụ nữ trong giai đoạn cuối của thai kỳ) và người khác sống chung hoặc làm việc với người rất dễ có nguy cơ bị bệnh này, có thể cần phải uống thuốc kháng sinh phòng ngừa.

Nếu bị ho gà:

  • Cần được điều trị sớm trong thời kỳ truyền nhiễm, tránh ở gần người khác và tránh xa trẻ em, thí dụ như tại các nhà trẻ, mẫu giáo và trường học.

Bệnh được chẩn đoán bằng cách nào?

Nếu nghĩ rằng một người nào đó bị bệnh ho gà, bác sĩ có thể lấy mẫu phết chất dịch ở sâu trong mũi để làm xét nghiệm hay thử máu để xác định bệnh.

Bệnh được chữa trị như thế nào?

Thuốc kháng sinh đặc biệt –azithromycin, erythromycin hoặc clarithromycin là những loại kháng sinh thường được dùng để trị bệnh ho gà. Những loại thuốc kháng sinh này có thể ngăn chặn việc lây lan vi khuẩn sang cho người khác.

Chứng ho có thể kéo dài trong nhiều tuần lễ bất kể đã được chữa trị như thế nào.

Hệ thống y tế công cộng đối phó với bệnh này như thế nào?

Bác sĩ và phòng thí nghiệm phải kín đáo trình báo trường hợp bệnh ho gà với Ban Y Tế Công Cộng. Nhân viên Ban Y Tế Công Cộng có thể hướng dẫn cách thức tốt nhất để ngăn chặn việc lây lan.

Trẻ em truyền nhiễm bệnh không được đi mẫu giáo và đi học. Người đã tiếp xúc với bệnh mà chưa được chủng ngừa có thể sẽ không được phép đi nhà trẻ trừ khi đã uống thuốc kháng sinh đặc biệt.

Muốn biết thêm thông tin -Ban Y Tế Công Cộng Tiểu Bang NSW

1300 066 055

www.health.nsw.gov.au