Friday, December 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc tranh cãi về việc sử dụng quảng cáo deepfake của chính trị gia


Công nghệ deepfake thường được đối tượng lừa đảo sử dụng để tạo các hình ảnh giả mạo để lừa mọi người. Tuy nhiên, tại Úc đang diễn ra cuộc thảo luận về việc cho phép sử dụng hình ảnh deepfake của các chính trị gia trong cuộc bầu cử tại nước này vào năm tới.

Một video do AI tạo ra của cựu Thủ hiến Queensland, bà Annastacia Palaszczuk đã được lưu hành trong cuộc bầu cử gần đây nhất. Hình ABC News

Ủy ban Ứng dụng trí tuệ nhân tạo thuộc Quốc hội Liên bang Úc vừa công bố báo cáo, trong đó khuyến nghị cho phép sử dụng những quảng cáo chính trị do công nghệ deepfake tạo ra trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới. Tuy vậy, báo cáo cũng khuyến nghị những nội dung này cần phải được dán mác là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo.

Báo cáo cho rằng, Úc chỉ nên cấm các quảng cáo chính trị deepfake trước cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2029. Khi đó, Úc cần xây dựng các quy tắc bắt buộc với các nội dung do trí tuệ nhân tạo sáng tạo ra trong các lĩnh vực có rủi ro cao như tài liệu bầu cử. Song song với đó, Chính phủ cũng cần nâng cao năng lực và hiểu biết về trí tuệ nhân tạo cho các cơ quan chính phủ và các nghị sỹ.

Một quảng cáo deepfake về ông Steven Miles, Thủ hiến tiểu bang Queensland, Úc. Hình TikTok

Mặc dù báo cáo đã được Ủy ban Ứng dụng trí tuệ công bố, song báo cáo này lại không nhận được sự ủng hộ của 4 trong số 6 thượng nghị sỹ là thành viên của Ủy ban này. Hiện tại, một số đề xuất trong báo cáo này đang găp phải sự phản đối từ nhiều người.

Thượng nghị sỹ David Shoebridge, Phó chủ tịch Ủy ban Ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho biết, theo quy định của luật pháp hiện hành, sẽ là hợp pháp nếu phát hành video sử dụng công nghệ deepfake giả vờ là Thủ tướng hoặc lãnh đạo phe đối lập nói điều gì đó mà trên thực tế họ chưa bao giờ nói miễn là điều này tuân thủ các quy định của Luật bầu cử.

Deepfake chính trị đầu tiên của Úc có sự tham gia của cựu Thủ hiến Queensland Annastacia Palaszczuk tuyên bố rằng tiểu bang đã bị “nấu chín”. Hình ABC News

Tuy vậy, nghị sỹ David Shoebridge cho rằng, đây không phải là điều mà người dân nước này kỳ vọng. Nghị sỹ David Shoebridge khẳng định, việc đề xuất cho phép sử dụng các quảng cáo chính trị do công nghệ deepfake tạo ra sẽ đánh lừa cử tri và làm tổn hại đến danh tính của các ứng cử viên.

Thay vào đề xuất này, ông David Shoebridge cho rằng, nên cấm quảng cáo chính trị sử dụng công nghệ deepfake để hỗ trợ các cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Thượng nghị sỹ David Pocock cũng cho rằng, cần nhanh chóng ban hành luật trước cuộc bầu cử liên bang vào năm tới để loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra, trong đó việc cấm ban hành các sản phẩm sử dụng các video deepfake hay giọng nói giả mạo là rất quan trọng. (T/H, VOV)