Thursday, December 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện


Hôm 07/10/2024, trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Élysée, Paris
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Élysée, Paris. Hình Getty

Quyết định nâng cấp quan hệ song phương được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam từ 22 năm nay.

Pháp trở thành nước thứ 8 và là nước đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.

Tuyên bố chung của lãnh đạo hai bên nhấn mạnh trước hết đến việc ‘‘làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế’’, cụ thể là thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chứng kiến Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Anne Genetet ký thỏa thuận hợp tác tại Điện Élysée.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chứng kiến Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Anne Genetet ký thỏa thuận hợp tác tại Điện Élysée. Hình Getty

Trong phần ‘‘hợp tác chính trị’’, hai bên cam kết ‘‘duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng Sản, chính phủ, Quốc Hội và chính quyền địa phương Việt Nam’’.

Hợp tác an ninh – quốc phòng là một trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Pháp. Hai bên cam kết sớm tổ chức ‘‘Đối thoại chiến lược an ninh – quốc phòng’’, ‘‘tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu’’. ‘‘Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam…., nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước’’.

Về Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với khoảng 90% diện tích, Pháp và Việt Nam ‘‘phản đối mạnh mẽ mọi hình thức đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế’’, ‘‘tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông’’, ‘‘tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển’’.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) bắt tay chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trong cuộc họp báo chung tại Điện Élysee, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. Hình AFP

Hai bên cũng ‘‘nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc’’.

Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi ‘‘thành công ngoạn mục của Việt Nam (về kinh tế) mang lại các cơ hội mới cho nhiều dự án chung trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, y tế, quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng’’.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày hôm qua, trong buổi gặp chủ tịch Quốc Hội Pháp, Yaël Braun-Pivet, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị Quốc Hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EVIPA), nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của Liên Âu. (T/H, RFI)