Friday, January 3, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đơn vị quân đội tối tân của TQ đứng sau chiến dịch khinh khí cầu?


Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Futuristic Chinese military unit most likely behind balloon campaign”, Nikkei Asia, 16/02/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chuyên kết hợp chiến tranh không gian, mạng, và điện tử.

Những quả khí cầu gián điệp vẫn đang là chủ đề thống trị trang nhất của nhiều tờ báo. Tin tức mới nhất mà Nhà Trắng vừa công bố là ba vật thể không người lái mà Mỹ bắn hạ gần đây có thể có mục đích thương mại hoặc mục đích không nguy hiểm khác.

Chính phủ Trung Quốc đã nói rằng khí cầu đầu tiên – quả khí cầu cao 60 mét bay qua lãnh thổ Mỹ – là một “khí cầu dân sự không người lái” của nước này. Bắc Kinh cho biết mục đích của nó là quan sát khí tượng và đã phản đối mạnh mẽ việc bắn hạ nó bằng máy bay tiêm kích F-22.

Tuy nhiên, bất đồng gay gắt về khinh khí cầu giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các khu vực gần lục địa Mỹ.

Các nhà phân tích an ninh quốc gia tin rằng một đơn vị tối tân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), được thành lập theo lệnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể đã đứng sau các hoạt động này.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) bí ẩn – được thành lập năm 2015, như một phần trong công cuộc cải tổ PLA – là một tổ chức cấp chỉ huy chiến trường, tập trung vào các nhiệm vụ và năng lực chiến lược không gian, mạng, điện tử, thông tin, liên lạc và chiến tranh tâm lý của PLA.

Các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã trục vớt khinh khí cầu giám sát tầm cao của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Myrtle Beach, Nam Carolina, vào ngày 5/2, sau khi nó bị bắn hạ bởi một tên lửa từ máy bay đánh chặn F-22 của Mỹ. © Hải quân Mỹ/Kyodo

Khu vực quan trọng nhất dường như là Biển Đông, nơi SFF đã tiến hành các hoạt động cảnh báo và giám sát cùng với các hoạt động thu thập thông tin. Khí cầu gián điệp phù hợp với giả thuyết này, và hồi đầu năm 2021, một sự cố có liên quan đã xảy ra.

Khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, đi qua gần các cơ sở quân sự mà Trung Quốc đang thiết lập ở vùng biển này, Bắc Kinh đã cho triển khai các biện pháp đối phó.

Bay cao phía trên nhóm tàu sân bay là một khí cầu do thám thu thập thông tin về mọi động thái của Mỹ. Nhiều khả năng nó đã bị hạm đội Mỹ phát hiện.

Biển Đông trải rộng về phía nam đảo Hải Nam, nơi PLA đang dần thiết lập sự hiện diện quân sự quan trọng. Lực lượng hải quân, không quân, và tên lửa của Trung Quốc đang hiện diện trên đảo để hỗ trợ tàu sân bay, tàu hải quân, tàu ngầm, máy bay và tên lửa.

Một chiếc MH-60S Sea Hawk hạ cánh trên tàu USS Nimitz vào ngày 12/2, khi tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tiến hành các hoạt động ở Biển Đông. © Hải quân Mỹ/AP

Năm 2001, một máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một máy bay giám sát điện tử của Hải quân Mỹ đã va chạm trên vùng trời Biển Đông. Máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Vụ va chạm giữa không trung khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng và đã trở thành một vấn đề quốc tế lớn.

SSF là một lực lượng rất bí ẩn, nhưng người ta đã có thể biết được đôi chút về phạm vi nhiệm vụ của nó nhờ một bài báo xuất bản năm 2016 trên Thời báo Hoàn cầu, tờ báo tiếng Anh trực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu cho biết SSF bao gồm ba đơn vị với các chức năng khác nhau: đơn vị chiến tranh mạng, có nhiệm vụ chống lại các cuộc tấn công của tin tặc; đơn vị chiến tranh không gian, có thẩm quyền đối với các vệ tinh do thám và Hệ thống Vệ tinh Dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc; và đơn vị tác chiến điện tử, chuyên làm gián đoạn hệ thống radar và thông tin liên lạc của đối phương.

Quả khí cầu khổng lồ bị bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina được trang bị các ăng-ten được cho là có liên quan đến đánh chặn thông tin liên lạc, cho thấy nó có liên hệ với SSF.

Hải Nam cũng là nơi đặt các cơ sở phóng vệ tinh quan trọng của Trung Quốc. Căn cứ nằm ở Văn Xương, một khu vực được coi là thành trì của SSF.

Năm 2016, chuyến thị sát Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới thành lập của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV)

Gần đây, có dấu hiệu cho thấy SSF đang mở rộng quy mô sau khi các quảng cáo tuyển dụng nhân sự trực tuyến xuất hiện.

Lực lượng này đang tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học và những người có trình độ học vấn cao hơn, ngoài ra còn tuyển cả học sinh tốt nghiệp trung học và trung cấp nghề cho các công việc trình độ thấp, liên quan đến công nghệ thông tin.

Điều bất ngờ là quá trình tuyển dụng được tiến hành công khai, tập trung vào những tài năng trẻ giống như quá trình tuyển dụng của các công ty tư nhân. Thật vậy, SSF là một biểu tượng của “sự hội nhập quân sự-dân sự,” một chính sách tiêu biểu của Tập Cận Bình.

Tập đã từng đi thị sát SSF vào tháng 8/2016, chuyến thăm này đã được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước.

Bối cảnh cho sự ra đời của SSF bắt đầu từ năm 1999, khi một cuốn sách có tựa đề “Chiến tranh Không giới hạn” viết bởi hai đại tá của PLA được xuất bản. Cuốn sách trình bày ý tưởng huy động tất cả các khía cạnh của xã hội – chính trị, kinh tế, văn hóa, ý thức hệ, và tâm lý – để sử dụng như những vũ khí phi quân sự. Khái niệm này đã trở thành nền tảng cho SSF.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ mô tả rằng SSF thực hiện các sứ mệnh và nhiệm vụ trong khuôn khổ “tam chủng chiến pháp”, gồm chiến tranh dư luận, chiến tranh tâm lý, và chiến tranh pháp lý.

Phía Mỹ cho rằng nếu xảy ra trường hợp khẩn cấp ở Đài Loan, đơn vị chiến tranh mạng của Trung Quốc sẽ cố gắng phát động các hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận ở Đài Loan.

Trong một phòng trưng bày ở Bắc Kinh, một người phụ nữ đang xem bức tranh tuyên truyền về căn cứ không quân Trung Quốc được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. (Ảnh của Ken Kobayashi)

Dù lời khẳng định của Trung Quốc – rằng vụ việc ở Mỹ là sự xâm nhập ngoài ý muốn của một “khí cầu dân sự” – là không đúng sự thật, thì tuyên bố của Bắc Kinh rằng khí cầu này đang quan sát khí tượng là có cơ sở, vì thời tiết luôn có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động quân sự. Các điều kiện thời tiết luôn cần được tính đến vì chúng ảnh hưởng đến thành công hay thất bại của một vụ phóng rocket, cụ thể là độ chính xác khi phóng đi và hiệu quả của việc bắn pháo.

Ở Trung Quốc, các đạo luật và quy định đã đề cập rõ ràng rằng Quân ủy Trung ương, do Tập làm Chủ tịch, giám sát các vấn đề thời tiết liên quan đến hoạt động quân sự. Kể từ cuộc cải cách quân đội năm 2015, SSF được cho là đã đảm nhận trách nhiệm này.

Theo các nhà phân tích, việc vận hành các khinh khí cầu cỡ lớn, công nghệ cao cũng là một nhiệm vụ quan trọng của quân đội. Sau khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ ở Biển Đông nhờ cải tạo đất, khí cầu đã được nhìn thấy trên trời.

Mảnh vỡ từ quả khí cầu do thám cỡ lớn của Trung Quốc bay qua Bắc Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, sau khi bị trúng tên lửa từ máy bay tiêm kích F-22 của Mỹ vào ngày 4/2. © Chad Fish/AP

Khí cầu đã xuất hiện rất nhiều lần trong lịch sử chiến tranh. Trong Thế chiến II, Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã phóng rất nhiều khí cầu có gắn bom cháy về phía lục địa Mỹ, gây ra một số đám cháy. Sau đó, loại khí cầu này thường được gọi là “bom khinh khí cầu.”

Học sinh-sinh viên đã được huy động để chế tạo những vũ khí này. Quả bom khinh khí cầu đầu tiên được thả đi từ Kujukuri ở quận Chiba, phía đông Tokyo, vào năm 1944. Tổng cộng đã có khoảng 9.000 quả bom khinh khí cầu được thả từ nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản, nhưng người Mỹ đã ban hành một lệnh cấm truyền thông nghiêm ngặt đối với bất kỳ thiệt hại nào mà chúng gây ra. Vì không có cách nào để đo lường hiệu quả của cuộc tấn công đường không thầm lặng này, Nhật Bản đã tạm dừng chiến dịch bom khí cầu giữa chừng.

Diễn biến trong những tuần gần đây đã nhấn mạnh những hậu quả không lường trước được của việc sử dụng khí cầu. Khi những quả khí cầu và máy bay công nghệ cao không người lái thay thế máy bay có người lái, nguy cơ vô tình xảy ra va chạm có thể tăng lên.

Dù các vật thể bay không người lái quả thật rất dễ bay chệch hướng, nhưng khó khăn trong việc bắn hạ các vật thể bay ở độ cao cực lớn có thể khuyến khích người điều khiển chúng hành động táo bạo hơn. Các động thái vừa qua đã bị nhiều quốc gia cho là có tính khiêu khích.

Tranh vẽ một máy bay chiến đấu đang chuẩn bị cất cánh từ Liêu Ninh, hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc.

Ngay cả khi quả khí cầu thực sự chỉ vô tình bay qua nước Mỹ, như người Trung Quốc khẳng định, thì Bắc Kinh cũng chẳng buồn thông báo cho Mỹ khi khí cầu xâm phạm không phận nước này.

Thay vào đó, hôm 13/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố rằng, trong năm qua, Mỹ đã thả khí cầu vào không phận Trung Quốc mà không xin phép hơn 10 lần. Chính phủ Mỹ đã mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố này.

Trung Quốc cũng tuyên bố phát hiện một vật thể bay không xác định trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Sơn Đông.

Nguy cơ vô tình xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ở Biển Đông mà còn xung quanh Đài Loan. Càng kích động nguy cơ này sẽ càng làm cản trở hoạt động ngoại giao.

Cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11 năm ngoái đã khởi đầu quá trình hàn gắn giữa hai bên.

Tuy nhiên, quá trình đó đã sớm bị gián đoạn bởi sự cố khinh khí cầu, với việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy bỏ chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc. Người ta đang chờ xem liệu Vương Nghị, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, có thể ngồi lại với Blinken ở Đức hay không. Tình hình có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc họp này. (T/H, NCQT)

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.