Friday, December 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhiều nước tranh nhau bán võ khí tối tân cho Việt Nam


HÀ NỘI, Việt Nam – Nhiều nước mang các loại võ khí tối tân tới Hà Nội triển lãm với chủ đích chào mời CSVN mua hầu đối phó với các nguy cơ an ninh quốc phòng.

Gian hàng trưng bày hỏa tiễn chống hạm của liên doanh Brahmos, Ấn Độ. Hình VNExpress

Cuộc triển lãm trang bị quốc phòng đầu tiên tại Việt Nam kéo dài ba ngày từ ngày 8 đến 10 Tháng Mười Hai đã kết thúc. Một số hãng tin quốc tế nói rằng Ấn Độ, Nga vận động CSVN mua sắm các sản phẩm họ mang đến trưng bày, trong khi Mỹ khuyến khích Việt Nam hiện đại hóa.

Khoảng 170 công ty, nhà sản xuất các loại võ khí tối tân từ 30 quốc gia đã mang các sản phẩm của họ đến phi trường Gia Lâm, Hà Nội, trưng bày không ngoài ý định muốn bán cho CSVN.

Những gì mang đến triển lãm tuy là các loại võ khí tối tân, nhưng trong tầm khả năng tài chính cũng như nhu cầu an ninh quốc phòng “mang tính răn đe” của Việt Nam. Chúng không phải loại mạnh nhất, tối tân nhất.

Hệ thống súng phòng không ZSU-23-4 Shilka do Nga chế tạo tại một triển lãm quân sự ở thành phố Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 22/12/2019
Hệ thống súng phòng không ZSU-23-4 Shilka do Nga chế tạo tại một triển lãm quân sự ở thành phố Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 22/12/2019. Hình Getty

Hãng Mỹ Lockheed Martin của Mỹ triển lãm chiến đấu cơ F-16, Nga triển lãm chiến đấu cơ xe tăng T-90, máy bay không người lái Orlan-10, Ấn Độ triển lãm hỏa tiễn siêu thanh Brahmos. Israel chào mời hỏa tiễn phòng không Spyder và Spike, Nhật Bản giới thiệu hộ tống hạm Mogami, Hòa Lan triển lãm hộ tống hạm Sigma…

CSVN cũng đem ra trưng bày những sản phẩm sản xuất nội địa gồm các loại súng cá nhân, các loại đạn, máy bay không người lái trinh sát cỡ nhỏ. Đại bác, xe tăng, hỏa tiễn phòng không thì xuất xứ từ Nga. Các giàn radar tuy là chế tạo trong nước nhưng mua lại giấy phép sản xuất từ nước ngoài, không phải tự nghiên cứu.

VNExpress hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Mười Hai, dẫn lời ông Praveen Pathak, giám đốc phụ trách tiếp thị và xuất cảng thuộc tập đoàn Quốc Phòng BrahMos Aerospace của Ấn Độ, nói rằng “Chúng tôi đang chào bán hỏa tiễn siêu thanh Brahmos cho Việt Nam.” Đây là loại hỏa tiễn chống hạm nhanh ba lần tốc độ âm thanh, từng thấy đề cập bán cho CSVN từ sáu tới bảy năm trước, nay vẫn chưa có gì cụ thể.

Chiến đấu cơ F-16 của Mỹ triển làm tại Hà Nội ngày 9 Tháng Mười Hai 2022. Hình VNX

Brahmos là sản phẩm hợp tác sản xuất giữa Nga và Ấn Độ. Hiện đã có các phiên bản trang bị cho chiến hạm, tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Đại diện công ty quốc phòng Nga bắn tiếng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam sản xuất võ khí, như một cách giữ chân một trong những khách hàng mua nhiều nhất của Moscow.

Hãng tin Reuters dẫn lời đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói bên lề cuộc triển lãm nói trên cho hay Hoa Kỳ sẵn sàng gia tăng hợp tác quốc phòng với Hà Nội, hiện mới chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng cho cảnh sát biển và bán một ít máy bay huấn luyện phi công chiến đấu.

Hoa Kỳ đã sẵn sàng thảo luận với Việt Nam các nhu cầu quốc phòng của nước này, đặc biệt khả năng phòng vệ biển.

Hệ thống tên lửa S-125-2TM/Pechora-2TM do Nga chế tạo tại một triển lãm quân sự ở thành phố Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 22/12/2019
Hệ thống tên lửa S-125-2TM/Pechora-2TM do Nga chế tạo tại một triển lãm quân sự ở thành phố Thái Nguyên, Việt Nam vào ngày 22/12/2019. Hình Getty

Theo Tổ Chức Thông Tin Trang Bị An Ninh Quốc Phòng GlobalData, Việt Nam là một trong 20 nước có nhu cầu mua sắm võ khí nhiều nhất trên thế giới vì các nguy cơ chiến tranh đã từng và có thể xảy ra với Trung Quốc. Mấy năm gần đây mua sắm rất ít nhưng có thể ngân sách mua sắm hàng năm khoảng $1 tỷ và có thể gia tăng.

Khi phát biểu khai mạc cuộc triển lãm võ khí ở Hà Nội, ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính nói rằng Việt Nam “mong muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp võ khí để bảo vệ đất nước.”

Theo một số nhà phân tích, phần lớn trang bị quốc phòng của Việt Nam đến từ Nga nhưng tương lai có thể thay đổi. Một phần vì lệnh cấm vận của Mỹ, phần khác, chiến trường Ukraine phơi bày khả năng yếu kém của các loại võ khí Nga.

Những nước có nhiều khả năng thay thế cho Nga trong nhu cầu mua sắm võ khí của Việt Nam được giới phân tích gia quốc tế đề cập như Ấn Độ, Israel, Nam Hàn, Đông Âu,… (T/H, N/V)