ĐẾN KHÔNG KỊP: Ai đã ở bên Nữ hoàng khi bà chết
Thái tử Charles và Công chúa Anne được cho là những người kịp thời có mặt bên giường bệnh của Nữ hoàng khi bà qua đời.
Sau khi được các bác sĩ thông báo Nữ hoàng chỉ còn vài giờ sống, các thành viên trong Hoàng gia gấp rút di chuyển tới Balmoral để được gặp mặt bà lần cuối. Tuy nhiên, chỉ có hai con lớn nhất của bà, Thái tử Charles và Công chúa Anne – những người cũng đang ở Scotland vào thời điểm tình trạng sức khỏe của Nữ hoàng đột ngột chuyển biến xấu – mới có thể kịp thời gặp mẹ trước khi bà qua đời.
Sau khi các trợ lý cấp cao lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra, họ gửi một chiếc trực thăng của Nữ hoàng từ Windsor lúc 6h48 sáng để đến Dumfries House ở Ayrshire – nơi Charles nghỉ lại qua đêm sau một số sự kiện – đón ông. Con trai cả của Nữ hoàng, cựu Thân vương xứ Wales – hiện là Vua Charles III – đã đến Balmoral lúc 10h27 sáng. Vợ ông, nữ Công tước xứ Cornwall – hiện là Vương hậu – đi xe hơi từ Birkhall, chốn nghỉ dưỡng của họ tại Scotland, để đi cùng Charles.
Trong khi đó, Hoàng tử William, Hoàng tử Andrew, Hoàng tử Edward, Nữ bá tước xứ Wessex dùng phi cơ riêng từ London đến Aberdeen lúc 16h chiều. Chiếc Range Rover do William cầm lái chạy qua cánh cổng Balmoral lúc 17h06. Mặc dù Điện Buckingham chưa xác nhận thời điểm Nữ hoàng băng hà, người ta cho rằng đoàn của William đã không kịp nhìn mặt Nữ hoàng lần cuối. Hoàng tử Harry cũng bỏ sự kiện từ thiện ở London để chạy đua đến Scotland. Nhưng anh tới được lâu đài lúc 20h tối, gần một tiếng rưỡi sau khi công chúng đã nhận được thông báo về cái chết của Nữ hoàng.
Cả Vương quốc Anh đang để tang Nữ hoàng Elizabeth II. Sau 70 năm ngồi trên ngai vàng, trở thành quốc vương trị vì lâu nhất trong lịch sử đất nước, bà qua đời trong yên bình ở tuổi 96 tại Balmoral, Scotland. Sự ra đi của bà khiến hàng triệu triệu người thương tiếc. Hàng nghìn người tập trung bên ngoài cổng Điện Buckingham và các tòa nhà khác của Hoàng gia ngay khi nghe tin.
Nhiều người đến đặt hoa bên ngoài lâu đài Windsor – nơi Nữ hoàng dành phần lớn thời gian sau khi chồng, Hoàng thân Philip, qua đời tháng 4 năm ngoái. Để đánh dấu sự ảnh hưởng cũng như sức hút của Nữ hoàng trên toàn thế giới, những người hâm mộ Hoàng gia còn đặt hoa bên ngoài các đại sứ quán Anh, như ở Washington, Berlin và Oslo.
Các nhân viên của Hoàng gia cũng khóc thương trước sự ra đi của bà chủ mà họ hết mực yêu quý. Một người nói: “Dù có cố gắng chuẩn bị cho thời điểm này bao nhiêu chăng nữa, nó cũng trĩu nặng như hàng tấn gạch đè lên người vậy. Bà ấy là người không thể thay thế. Tôi chỉ không thể tin rằng chúng ta sẽ không nhìn thấy nụ cười đó nữa. Thật sự quá đỗi bàng hoàng”.
Trước đó, khoảng 12h30 trưa 8/9, Điện Buckingham phát đi thông báo khẩn về tình trạng của Nữ hoàng. Theo người phát ngôn, các bác sĩ cảm thấy “lo ngại” cho Nữ hoàng và yêu cầu bà được theo dõi y tế sát sao. Tình hình sức khỏe của Nữ hoàng trong hơn một năm qua giảm sút nhanh chóng. Bà nhiều lần phải dùng gậy khi dự các sự kiện hoặc thậm chí phải hủy bỏ vào phút chót theo lời khuyên của bác sĩ. Trước khi qua đời, bà vẫn tận tụy làm việc.
Hôm 6/9, Nữ hoàng vừa bổ nhiệm tân Thủ tướng Anh Liz Truss ngay tại chính lâu đài Balmoral. Những bức ảnh chụp ngày hôm đó cũng là những bức ảnh công khai cuối cùng của bà. (T/H, N/S)