Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

‘Bắc Kinh giận dữ’: Mỹ bán gói vũ khí trị giá 1.1 tỷ USD cho Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm Thứ Sáu (02/9) đã chấp thuận một thương vụ bán vũ khí trị giá 1.1 tỷ USD cho Đài Loan. Đáp lại, Trung Quốc ngay lập tức đã yêu cầu Washington thu hồi thỏa thuận, nếu không sẽ có các biện pháp đáp trả.

Cờ Trung Quốc (trái) và cờ Đài Loan. Hình AFP/Getty

Thương vụ bao gồm 100 tên lửa phòng không Sidewinder, được sử dụng cho các nhiệm vụ không đối không và tấn công trên bộ, với chi phí khoảng 85.6 triệu USD; 60 tên lửa diệt hạm Harpoon với chi phí ước tính 355 triệu USD và một hệ thống radar giám sát ước tính trị giá 665.4 triệu USD, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) của Lầu Năm Góc cho biết.

Gói này cũng bao gồm các thiết bị quân sự liên quan, các bộ phận, cũng như các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần, theo DCSA.

Đây được coi là thương vụ vũ khí lớn nhất của Mỹ đối với Đài Loan kể từ khi tổng thống Joe Biden lên cầm quyền vào tháng 1/2021. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 02/9 tuyên bố những vũ khí mà Mỹ bán cho Đài Bắc “có tính chất thiết yếu cho an ninh của Đài Loan và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp vũ khí để yểm trợ cho mục tiêu đó”.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết gói vũ khí này đã được xem xét trong một khoảng thời gian và có sự tham vấn của các nhà lập pháp Đài Loan và Mỹ.

Lầu Năm Góc công bố gói vũ khí này vào ngày thứ Sáu sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự hung hăng xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm hòn đảo này vào tháng trước của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới Đài Bắc trong nhiều năm qua.

Một tên lửa được phóng bởi lực lượng tên lửa của Bộ chỉ huy Chiến khu Đông bộ của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, nhắm vào các khu vực hàng hải được chỉ định ở phía đông của Đảo Đài Loan, ngày 04/8/2022. Hình Tân Hoa xã/Getty

‘Bắc Kinh giận dữ’

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington kêu gọi Mỹ thu hồi thỏa thuận hoặc sẽ phải đối mặt với “các biện pháp đáp trả”.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) nói rằng thỏa thuận này “gây nguy hiểm nghiêm trọng cho quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng như cho hòa bình và ổn định khắp Eo biển Đài Loan”.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó hợp pháp và cần thiết trước diễn biến của tình hình”, ông Lưu Bằng Vũ nói thêm.

Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị là một phần lãnh thổ của mình và khẳng định Đài Loan nên được thống nhất với Trung Quốc đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.

Hoa Kỳ thực hiện ‘cách tiếp cận hạn chế’ với Đài Loan

Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Đài Loan cho biết họ phản đối việc nước này thực hiện “cách tiếp cận hạn chế” trong thương vụ buôn bán vũ khí cho Đài Loan vì vũ khí được cung cấp không phải mới mẻ đối với hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Chủ tịch hội đồng Rupert Hammond-Chambers cho biết: “Như những gì Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây đã thể hiện trong cuộc phong tỏa giả lập của mình, Đài Loan phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa đòi hỏi một loạt các khả năng phòng thủ”.

“Việc phủ nhận hòn đảo có khả năng bố trí một lực lượng phòng thủ toàn diện, theo thời gian, sẽ tạo ra những khoảng trống mới trong hệ thống phòng thủ của Đài Loan mà PLA có thể khai thác. Chính sách mơ hồ chiến lược hiện tại của Mỹ không cho phép Mỹ làm rõ rằng họ sẽ lấp đầy những khoảng trống đó một khi chúng xuất hiện”, ông nói thêm.

Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố, Washington sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công, nhưng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi.

Washington không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan và phản đối bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng từ một trong hai bên. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn sẽ cung cấp cho Đài Loan những yếu tố cần thiết để duy trì năng lực phòng thủ của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh qua mạng về biến đổi khí hậu từ Phòng Đông của khuôn viên Nhà Trắng, hôm 22/04/2021, tại Washington, DC. Hình Getty

Các biện pháp đối phó của Đài Loan chống lại Trung Quốc

Lần đầu tiên, quân đội Đài Loan bắn rơi một máy bay không người lái dân dụng không xác định bay vào không phận của họ gần một hòn đảo gần thành phố Hạ Môn của Trung Quốc hôm thứ Năm (01/9), sau khi chính phủ tuyên bố các biện pháp cứng rắn chống lại sự gia tăng của các cuộc xâm nhập.

Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương tuyên bố, Đài Loan đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và yêu cầu ĐCSTQ “không xâm phạm ngưỡng cửa của chúng tôi”.

“Họ liên tục phớt lờ những lời cảnh báo của chúng tôi và chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự vệ và khai hỏa”, ông Tô nói. “Đây là phản ứng thích hợp nhất sau nhiều lần kiềm chế và cảnh báo”.

Trung Quốc đã  tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong suốt tháng 8, một số cuộc tập trận liên quan đến việc bắn tên lửa qua Đài Loan và tạm thời phong tỏa hòn đảo này khỏi các hoạt động giao thương. Các cuộc tập trận bắt đầu ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi  thăm  Đài Loan vào tháng trước.

Binh sĩ Đài Loan bắn pháo sáng về phía UAV Trung Quốc. Hình Cơ quan phòng vệ Đài Loan

Các lực lượng của ĐCSTQ đã cố gắng  bình thường hóa  các cuộc xâm nhập vào vùng không và vùng biển xung quanh Đài Loan kể từ chuyến thăm của bà Pelosi. Cảnh quay về các nhiệm vụ của máy bay không người lái của Trung Quốc kể từ đó đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, một số video cho thấy các binh sĩ Đài Loan tại các chốt của họ đã ném đá vào một máy bay không người lái.

“Khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép lên Đài Loan – bao gồm tăng cường hiện diện quân sự trên không và trên biển xung quanh hòn đảo – và có những nỗ lực thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan, chúng tôi đang cung cấp cho Đài Loan những gì họ cần để duy trì năng lực tự vệ của mình”, bà Laura Rosenberger, Giám đốc cấp cao của Nhà Trắng đặc trách Trung Quốc và Đài Loan, nói trong một phát biểu.

‘Thương vụ không làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực’

Reuters tháng trước đưa tin chính quyền ông Biden đang dự kiến cung cấp thiết bị mới cho Đài Loan. Tuy nhiên, những thiết bị này sẽ duy trì các hệ thống quân sự hiện có của Đài Loan và hoàn tất các đơn đặt hàng hiện thời, chứ không cung cấp các năng lực mới, bất chấp căng thẳng gia tăng sau chuyến thăm của bà Pelosi.

Lầu Năm Góc cho biết các thiết bị và hỗ trợ được công bố hôm thứ Sáu (02/9) sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực. Các quan chức Mỹ nói, thương vụ này không phản ánh bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách đối với Đài Loan.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn đã đến Đài Loan hôm 25/8, bất chấp cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Hình Getty

“Những thương vụ được đề xuất này là những trường hợp thường xuyên nhằm hỗ trợ những nỗ lực tiếp diễn của Đài Loan hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và duy trì năng lực phòng thủ đáng tin cậy”, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói, yêu cầu ẩn danh.

Bộ quốc phòng Đài Loan cảm ơn và nói thêm rằng các hoạt động “khiêu khích” gần đây của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng và thương vụ vũ khí này sẽ giúp hòn đảo đối mặt với áp lực quân sự của Trung Quốc.

“Đồng thời, nó cũng cho thấy rằng nó sẽ giúp đất nước chúng tôi củng cố năng lực quốc phòng tổng thể và cùng nhau duy trì an ninh và hòa bình của eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, theo Bộ quốc phòng Đài Loan.

Thương vụ phải được Quốc hội Mỹ chấp thuận, nhưng các phụ tá Quốc hội của cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa cho biết họ không cho rằng sẽ có sự phản đối. Đã có ít nhất hai chuyến thăm riêng lẻ đến Đài Loan của các thành viên Quốc hội của lưỡng đảng kể từ chuyến thăm của bà Pelosi, cũng như của thống đốc các bang của Mỹ, tất cả đều bị Bắc Kinh lên án. (T/H, NTD)