Tổng giám đốc WHO cảnh báo sau ngày có số ca nhiễm Covid-19 lớn kỷ lục
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 22/6 cảnh báo đại dịch vẫn đang gia tăng, sau khi WHO ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới nhiều nhất từ trước tới nay.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 22/6 đưa ra cảnh báo mới về sự nguy hiểm của virus corona ngay cả khi một số điểm nóng của đại dịch, chẳng hạn như Pháp đã trở lại cuộc sống thường ngày với lễ hội âm nhạc và hàng triệu trẻ em trở lại trường học.
Dù nhiều nước châu Âu từng chứng kiến hàng nghìn ca nhiễm mỗi ngày đã nới lỏng sâu hơn những hạn chế phong tỏa, các ca nhiễm mới trên toàn thế giới vẫn đang tăng lên, đặc biệt là ở các nước châu Mỹ Latin, với Brazil đã vượt mốc 50.000 ca tử vong.
Tại nhiều nước đang nổi lên nỗi lo sợ của làn sóng dịch bệnh thứ hai, thậm chí người dân ở Úc được cảnh báo không tới Melbourne.
“Chúng ta không thể đánh bại đại dịch này với một thế giới bị chia rẽ”
“Đại dịch vẫn đang tăng nhanh”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại diễn đàn y tế trực tuyến do Dubai tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
“Chúng ta biết rằng đại dịch còn hơn cả khủng hoảng y tế, đó là khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và ở nhiều quốc gia là khủng hoảng chính trị”.
“Hiệu ứng của nó sẽ được cảm nhận trong nhiều thập kỷ tới”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch vẫn đang gia tăng. Ảnh: Getty. |
Ông Ghebreyesus cho biết mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới không chỉ là virus, hiện đã giết chết hơn 465.000 người và lây nhiễm gần chín triệu người trên toàn thế giới, mà còn ở sự “thiếu sự đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu”.
“Chúng ta không thể đánh bại đại dịch này với một thế giới bị chia rẽ”, ông nói. “Đại dịch bị chính trị hóa đã khiến tình hình càng trầm trọng thêm”.
Cảnh báo được đưa ra sau khi WHO công bố số ca nhiễm mới lớn nhất trong một ngày theo thống kê của cơ quan này được ghi nhận hôm 21/6, với hơn 183.000 ca nhiễm virus corona trong 24 giờ.
Brazil rơi vào tình trạng nguy cấp vì Covid-19 vì sự lơ là của Tổng thống Jair Bolsonaro, coi virus gây nên đại dịch toàn cầu chỉ là “cúm nhẹ” và một mực cho rằng tác động kinh tế của việc phong tỏa luôn tồi tệ hơn nhiều chính bản thân virus.
Một nhận viên đào huyệt tại nghĩa trang Sao Francisco Xavier ở Rio de Janeiro. Ảnh: Reuters. |
Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Sự lan rộng của đại dịch Covid-19 đã vươn tới khắp các nước Mỹ Latin, với Mexico, Peru và Chile cũng là những điểm nóng chịu ảnh hưởng nặng nề khi số ca tử vong không ngừng tăng lên và nhiều cơ sở y tế bị đẩy vào bờ vực sụp đổ.
Thủ đô Mexico City của Mexico đã trì hoãn việc mở lại các khu chợ, nhà hàng, trung tâm thương mại, khách sạn và địa điểm tôn giáo, khi nước này ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong vì Covid-19.
Trong khi đó Peru cũng nổi lên là điểm nóng đáng lo ngại của kh vực với số ca tử vong vượt qua 8.000 hôm 21/6 dù cho nước này chuẩn bị mở lại các trung tâm mua sắm vào một ngày sau đó.
Nới lỏng quá đà ở châu Âu?
Trong khi đó, ở châu Âu, nhiều nước nới lỏng hơn nữa những giới hạn phong tỏa. Hàng nghìn người ở Pháp khiêu vũ và tiệc tùng trong lễ hội âm nhạc thường niên hôm 22/6, đánh dấu sự kiện âm nhạc lớn đầu tiên kể từ khi phong tỏa. Nhiều người dạo bước trên đường phố Paris, hầu hết đeo khẩu trang và cố gắng giữ giãn cách xã hội, để thưởng thức các buổi hòa nhạc trong quán cà phê và trên các góc phố.
Tuy nhiên, dù thừa nhận sự tự do và phóng khoáng là tinh thần của một lễ hội âm nhạc, một số người vẫn nghi ngại rằng những gì đang diễn ra có thể hơi quá đà so với cái gọi là dần dần khép lại phong tỏa.
Hồ bơi và các rạp chiếu phim cũng bắt đầu mở cửa trở lại ở Paris hôm 22/6 và trẻ em ở độ tuổi dưới 15 cũng trở lại trường học.
Làn sóng lây nhiễm thứ 2
Nỗi sợ hãi vẫn còn đó, về việc virus có thể tái xuất dù nhiều nước ghi nhận tốc độ lây nhiễm giảm, và dỡ bỏ lệnh phong toả để tái khởi động nền kinh tế.
Người dân Australia hôm 22/6 được cảnh báo tránh di chuyển đến Melbourne, trong bối cảnh thành phố lớn thứ 2 của nước này siết chặt các hạn chế với người dân trước nỗi lo về làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Bang Victoria ghi nhận 110 ca nhiễm trong tuần qua, phần nhiều trong số đó là ở Melbourne, khiến cho lãnh đạo những vùng khác cảnh báo người dân về việc không đi đến 6 “điểm nóng” về virus ở thành phố.
Trung Quốc, Đức và Nhật Bản đều đang phải chống chọi với những ổ dịch mới, với một số biện pháp hạn chế được áp đặt trở lại.
Kyrgyzstan cũng ghi nhận sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 hôm 22/6.
Việc số các ca nhiễm gia tăng khiến cho thị trường thế giới lo lắng, và hầu hết đều giảm điểm trong ngày 22/6.
Sau một tuần tích cực, các giao dịch trở nên dè chừng trước lo ngại về số ca nhiễm gia tăng ở nhiều bang của Mỹ như California, Texas và Florida.
Hãng hàng không Đức Lufthansa, trong khi đó, cho biết họ vẫn còn kế hoạch dự phòng, nếu như các cổ đông không chấp nhận kế hoạch cứu trợ trị giá 9 tỷ euro được thoả thuận với nhà nước.
Cũng như các đối thủ, Lufthansa đang lún sâu vào khủng hoảng sau khi hoạt động vận tải hàng không gần như tê liệt kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Các nhà đầu tư sẽ có cuộc gặp vào ngày 25/6 tới để xem xét khả năng cứu hãng này. Thế giới thể thao đang dần dần hoạt động trở lại sau quãng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh, mặc dù có vẻ như ở nhiều nơi, một bước tiến được nối tiếp bằng một bước lùi. Nhật Bản cho biết khoảng 5.000 fan sẽ có thể tham dự một trận bóng đá hoặc bóng chày từ ngày 10/7.
Nhưng tại khu vực Balkan, việc mở cửa sân đấu cho khán giả lại có vẻ như đang gây ra thêm nhiều vấn đề. 5 cầu thủ của câu lạc bộ Sao Đỏ Belgrade của Serbia được phát hiện dương tính với Covid-19, sau khi tham dự trận đấu có 16.000 khán giả trên sân.
Montenegro, vốn từng tuyên bố hết dịch trước đây, bỗng phát hiện một ổ dịch mới liên quan đến những fan đến Belgrade xem bóng đá.
Trong khi đó, ở thế giới tennis, tay vợt người Croatia Borna Coric trở thành tay vợt top đầu thứ 2, sau Grigor Dimitrov, dương tính với Covid-19 sau khi tham dự giải đấu giao hữu Adria Tour do Novak Djokovic bảo trợ. Tay vợt người Serbia tới nay chưa xuất hiện triệu chứng. (Z/N)