Tuesday, November 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nhà khoa học ở Canada gửi mầm bệnh virus “chết người” tới phòng thí nghiệm Vũ Hán

Một số tài liệu gần đây tiết lộ chi tiết việc Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia Canada gửi những virus mang mầm bệnh chết người sang Trung Quốc hồi năm 2019.

Theo tài liệu mới nhất, được công bố dựa trên đạo luật về tiếp cận thông tin, bốn tháng trước khi Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) điều tra và khám xét Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia Canada, một nhà khoa học tại đây đã chuyển một số mầm bệnh có thể gây chết người tới Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc.

Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada đã yêu cầu RCMP điều tra, sau đó quyết định điều chuyển tiến sĩ Xiangguo Qiu cùng với chồng bà là Keding Cheng (cũng là một nhà sinh vật học) và những nghiên cứu sinh của bà từ Trung Quốc khỏi phòng nghiên cứu này vì bị cáo buộc “vi phạm chính sách”.

Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia Canada

Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia là phóng thí nghiệm cấp độ 4 – cấp độ bảo mật cao nhất theo thang của Canada, và là phòng thí nghiệm cấp độ 4 duy nhất ở nước này.

Cơ quan này cho biết thêm rằng việc giáo sư Qiu chuyển kiện hàng nêu trên sang Trung Quốc không phải là lý do đội của bà bị trục xuất.

Giới chức Canada trấn an rằng vụ vận chuyển virus này không liên quan đến sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

“Cơ quan điều tra không nhắm vào gói hàng chứa bệnh phẩm được chuyển tới Trung Quốc,” Eric Morrissette, Giám đốc truyền thông của Cơ quan Sức khỏe và Y tế Công cộng Canada, cho biết. “Kiện hàng đó có chứa mẫu virus Ebola và Henipah, được gửi đi theo yêu cầu từ phía Vũ Hán nhằm mục đích nghiên cứu khoa học”.

Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những mẫu virus đó làm lây lan virus corona. Virus Ebola thuộc họ Filoviridae còn Henipa thuộc họ Paramyxoviridae; không virus nào thuộc họ Corona được gửi đi.

Tiến sĩ Xiangguo Qiu
Tiến sĩ Xiangguo Qiu tại Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia Canada…

Tài liệu từ cuộc điều tra cho biết có 15 chủng virus đã được gửi đi, bao gồm:

  • Ebola Makona (gồm 3 biến thể)
  • Mayinga
  • Kikwit
  • Ivory Coast
  • Bundibugyo
  • Sudan Boniface
  • Sudan Gulu
  • MA-Ebov
  • GP-Ebov
  • GP-Sudan
  • Hendra
  • Nipah Malaysia
  • Nipah Bangladesh
Tiến sĩ Xiangguo Qiu cùng với chồng bà là Keding Cheng (cũng là một nhà sinh vật học)

Cơ quan Y tế Công cộng Canada cho biết Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia vẫn thường xuyên chia sẻ mẫu thí nghiệm với các cơ quan nghiên cứu công cộng khác.

Nhiều chi tiết về vụ vận chuyển virus nói trên đã được công bố, bao gồm cách thức đóng gói mầm bệnh, quá trình khử nhiễm không đảm bảo trước khi chuyển đi cùng sự quan ngại từ phía giám đốc Matthew Gilmour của Phòng Thí Nghiệm Vi Sinh Quốc Gia và cấp trên của ông ở Ottawa. Họ muốn biết chi tiết về kiện hàng như thời gian, địa điểm nhận và quan trọng hơn hết là giấy tờ tường trình cụ thể về những gì được chuyển đi.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại về vụ việc kể trên. “Việc bà Qiu gửi những mầm bệnh chết người đó đi thực sự đáng ngờ, đáng báo động và nguy hiểm đến tính mạng của nhiều người,” ông Amir Attaran, giảng viên Luật và Dịch tễ học tại Đại học Ottawa, lo lắng.

“Những gì chúng ta biết là trước khi bị điều chuyển, bà Qiu đã gửi đi hai trong số những chủng virus nguy hiểm nhất mà con người từng biết, kèm theo đó là những biến thể của chúng nhằm hỗ trợ phòng nghiên cúu ở Trung Quốc tiến hành nhiều loại thí nghiệm khác nhau, với mục đích gia tăng tính đa dạng của những virus này. Và phòng thí nghiệm đó lại trực thuộc quân đội Trung Quốc”, ông nói.

Attaran chỉ ra rằng một nghiên cứu về Ebola đã được công bố vào tháng 12/2018, ba tháng sau khi bà Qiu bắt đầu chuyển mẫu virus về Trung Quốc. Nghiên cứu kể trên có mặt nhiều nhà khoa học từ Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia Canada và Đại học Manitoba.

Hualei Wang, trưởng nhóm nghiên cứu, là người có tham gia vào Học viện Khoa học Quân Y, vốn là một cơ sở nghiên cứu quân dược tại Bắc Kinh.

Những chi tiết này dẫn đến thuyết âm mưu rằng có một mối liên quan nào đó giữa đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra, phòng thí nghiệm vi sinh ở Canada và phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Tài liệu chi tiết về cuộc điều tra từ phía Cảnh sát Hoàng gia Canada (Ảnh: CBC)

Điều tra kéo dài

Vẫn chưa có cập nhật gì mới từ phía Phòng Thí nghiệm Vi Sinh Quốc gia hay Cảnh sát Hoàng gia Canada sau gần một năm sau khi Qiu và nhóm của bà bị trục xuất.

Gordon Houlden, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Alberta nói rằng ông luôn sẵn sàng trao đổi và hợp tác về mặt khoa học với phía Trung Quốc, “nhưng phải đặt ra những một bộ quy chuẩn và nguyên tắc làm việc” và sở hữu trí tuệ của Canada phải được đảm bảo.

Bên cạnh đó, ông Houlden, nguyên là một nhà ngoại giao, quan ngại về sự thiếu hụt thông tin, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây sau vụ lùm xum về Huawei, vụ bắt giữ hai công dân Canada và những nghi vấn về nguồn gốc virus corona chủng mới.

“Nếu người ta cứ đi thẳng vào kết luận trong khi thông tin vẫn bỏ ngỏ, hậu quả có thể khôn lường”, ông Houlden cho biết thêm.

Cho đến thời điểm hiện tại, việc tiếp cận nguồn tin trực tiếp từ Phòng Thí Nghiệm Vi Sinh Quốc gia Canada gần như là không thể khi mà giám đốc Matthew Gilmour đang công tác tại Viện Sinh học Quadram tại Anh còn tiến sĩ Qiu hiện không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc. (VBF)