Tuesday, December 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc lập 2 huyện hành chính ở Hoàng Sa và Trường Sa

BẮC KINH, Trung Quốc – Trung Quốc lập hai huyện hành chính đặt tên là các huyện “Tây Sa” và “Nam Sa” để quản trị hai quần đảo đã cướp của Việt Nam, gộp chung trong cái gọi là “thành phố Tam Sa.”

Hôm Thứ Bảy, 18 Tháng Tư, Tân Hoa Xã đưa tin nhà cầm quyền tỉnh đảo Hải Nam mới đây “chấp thuận thành lập hai huyện tại thành phố Tam Sa, căn cứ trên một thông báo từ Bộ Nội An.”

Từ năm 2012, Bắc Kinh đã loan báo thành lập thành phố “Tam Sa” trực thuộc tỉnh Hải Nam, một hành động đối nghịch lại việc Việt Nam thường xuyên tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Nay việc loan báo lập đơn vị hành chính cấp huyện của thành phố “Tam Sa” với diện tích ước lượng khoảng 2 triệu km vuông như một cách gia tăng thách thức đối với Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Ngày 2 Tháng Tư, tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam tại một khu vực quần đảo Hoàng Sa chỉ ba ngày sau khi Việt Nam nộp tại Liên Hiệp Quốc bản phản bác tuyên bố chủ quyền phi pháp hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc bao gồm các quần đảo Trương Sa và Hoàng Sa.

“Tam Sa” là cách Trung Quốc gộp ba khu vực Biển Đông gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa) và Trung Sa (tức bãi Macclesfield và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines). Đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm) được họ đặt làm huyện lỵ.

Tuy bị Trung Quốc chiếm đóng nhưng Việt Nam đã công bố thành lập huyện Hoàng Sa từ năm 1982 trực thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đến năm 1997 thì trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Năm 2007, Việt Nam cho thành lập ba đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc huyện Trường Sa là thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn và xã Song Tử Tây. Ngư dân Việt Nam dù bị Trung Quốc đâm chìm tàu hoặc bắt giữ vẫn thấy đến khai thác thủy sản ở những khu vực họ coi là ngư trường truyền thống suốt nhiều thế hệ.

Những gì đang diễn ra trên biển và qua guồng máy tuyên truyền của hai nước đưa ra những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ “đồng chí anh em” có các khẩu hiệu “4 tốt” và “16 chữ vàng” đang không mấy thuận hảo.

Mấy ngày Tết Canh Tý, người ta thấy lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc gọi điện thoại chúc Tết lẫn nhau với những lời lẽ bề ngoài có vẻ tốt đẹp. Guồng máy tuyên truyền CSVN thuật lời ông Nguyễn Phú Trọng nói với ông Tập Cận Bình là “Hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ hai đảng, hai nước; khẳng định quan hệ hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là phù hợp nguyện vọng thiết tha và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.”

Còn ông Tập Cận Bình thấy được thuật lời đáp lễ là “Đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam, sẵn sàng cùng với đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tạo nền tảng dân ý vững chắc cho quan hệ hai nước.”

Những gì đang diễn ra cho thấy “nói vậy mà không phải vậy.” Tàu cảnh sát biển Trung Quốc vẫn đâm chìm tàu cá Việt Nam và Việt Nam vẫn phải phản đối sự ngang ngược của Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc.

Sau khi đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, bị Hà Nội đòi bồi thường và còn bị chê trách làm ngược lại những lời cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo dọa còn căng thẳng hơn giữa hai nước. (TN, NV)