Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Virus corona: ‘Làn sóng thứ hai’ -Chúng ta học được gì từ Châu Á?

Châu Á là nơi đầu tiên trải nghiệm virus corona, áp đặt phong tỏa và sau đó thoát khỏi đại dịch. Đây cũng là nơi đầu tiên trải qua các làn sóng nhiễm trùng mới, với cụm dịch từ các hộp đêm ở Seoul, biên giới Nga-Trung và các nơi khác.

Mặc dù còn sớm để kết luận, nhưng chúng ta có thể rút ra được bài học nào?

Virus corona có thể ở mãi với chúng ta, Tổ chức Y tế Thế giới nói (Ảnh Getty)

1. Làn sóng, mũi nhọn, hoặc cụm – không thể tránh khỏi

Các thuật ngữ như làn sóng thứ hai, mũi nhọn, hoặc cụm được dùng trong thời đại dịch, nhưng ý nghĩa của chúng là gì?

Về mặt y học, làn sóng thứ hai đề cập đến hồi sinh của sự lây nhiễm ở một phần dân số khác, sau khi đợt dịch bệnh ban đầu giảm đi. WHO nói những đại dịch trong quá khứ có đặc tính “hoạt động và lan rộng trong thời giann nhiều tháng”.

Ở châu Á, chúng ta đã chứng kiến các cụm lây nhiễm bị cô lập và tăng đột biến trong khu vực. Và thật khó dự đoán chúng sẽ phát triển như thế nào.

Nhưng đối với Jennifer Rohn, một nhà sinh học tế bào tại University College, London, đợt nhiễm virus corona thứ hai không còn là vấn đề “nếu” – mà là “khi nào và sức tàn phá sẽ như thế nào”.

Ngay cả các quốc gia có chiến lược hiệu quả để giải quyết đại dịch qua xét nghiệm, truy tìm và phong tỏa – chẳng hạn như Hàn Quốc – cũng đã thấy các mũi nhọn hay cụm lây nhiễm mới.

Vì vậy, khi Tổ chức Y tế Thế giới cho biết virus có thể ở mãi với chúng ta, các quốc gia cần hiểu rằng họ sẽ gặp các trường hợp lây nhiễm mới. Thách thức là làm thế nào để dự đoán, truy tìm và xử lý chúng.

Đảo Hokkaido của Nhật Bản phải đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai sau khi các quy tắc giãn cách xã hội được nới lỏng (Ảnh Getty)

2. Có lúc phải phong tỏa lại

“Đừng quá lạc quan”, Giáo sư Alistair McGuire tại Khoa Chính sách Y tế của Trường Kinh tế London, cảnh báo.

“Phong tỏa thành công không có nghĩa là một khu vực sẽ không có virus corona.”

Khu vực Hokkaido, ở Nhật Bản, là một trong những nơi đầu tiên áp đặt lệnh ở nhà nghiêm trọng vào cuối tháng Hai. Đến giữa tháng Ba, số trường hợp bị nhiễm mới đã giảm xuống còn chỉ một hoặc hai ca trong một ngày.

Biện pháp phong tỏa hoạt động tốt đến mức tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ và đến tháng Tư, trường học đã mở cửa trở lại. Nhưng chưa đầy một tháng sau, tình trạng khẩn cấp lại phải được ban bố lại, khi hòn đảo phải đột ngột vật lộn với làn sóng nhiễm trùng thứ hai.

Hạn chế thứ hai đó hiện giờ đã được dỡ bỏ, nhưng các quan chức biết điều này có thể xảy ra một lần nữa – cho đến khi có được vaccine.

Ở Trung Quốc cũng vậy, hạn chế đã được nới lỏng khi số người bị nhiễm mới giảm, nhưng đến giữa tháng Năm, các cụm dịch mới đã được báo cáo, kể cả ở thành phố Vũ Hán, nơi virus này lần đầu tiên xuất hiện.

Tại tỉnh Cát Lâm phía đông bắc của Trung Quốc, hàng chục ca nhiễm đã khiến chính phủ phải ban hành lại các điều kiện phong tỏa chặt chẽ ở đó.

Tại Hàn Quốc, cụm dịch mới nhất tại một trung tâm hậu cần bên ngoài Seoul đã dẫn đến việc đóng cửa hơn 200 trường học chỉ mới mở cửa lại được một số ngày.

Hong Kong theo dõi những người bị cách ly bằng cách sử dụng dây đeo cổ tay điện tử (Ảnh Getty)

3. Cách ly du khách từ nước ngoài

Mũi nhọn các ca nhiễm ở các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long của Trung Quốc được cho là do nhập khẩu từ nước láng giềng Nga.

Trong một trường hợp, tám công dân Trung Quốc trở về từ Nga đã thử nghiệm dương tính với virus corona, đưa đến việc cách ly khoảng 300 người khác đi trong cùng một khung thời gian.

Trung Quốc trong một thời gian đã thấy số lượng các trường hợp bị nhiễm từ nước ngoài vào vượt quá số ca nhiễm địa phương và đã đưa ra các biện pháp kiểm dịch cứng rắn để chống lại điều này. Ví dụ, tất cả các chuyến bay quốc tế ở Bắc Kinh được chuyển hướng đến các thành phố khác nơi hành khách được sàng lọc – và cách ly.

Hong Kong đã thiết lập các hệ thống, như vòng đeo tay điện tử cho người đến từ nước ngoài, để theo dõi sự di chuyển của họ và đảm bảo việc cách ly được tuân thủ.

Những biện pháp này có thể không được tinh vi nhưng các chuyên gia đồng ý làm như thế rất quan trọng.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trải qua đại dịch và bắt đầu thu thập dữ liệu quan trọng (Ảnh Getty)

4. Đừng để mất đà ‘xét nghiệm và theo dõi’

Đến đầu tháng Hai, Hàn Quốc đã nhanh chóng phát triển một hệ thống để thực hiện khoảng 10.000 xét nghiệm miễn phí hàng ngày, đồng thời dựa vào các ứng dụng và công nghệ GPS để theo dõi người bị nhiễm – tạo cho nước này khuôn khổ để nhanh chóng dẹp tan mọi bùng phát mới.

Hệ thống này cho phép Hàn Quốc “đặt các hệ thống cảnh báo cục bộ, vì vậy ngay cả khi tình hình chung đã được kiểm soát nhưng nếu một tâm dịch mới xuất hiện, vị trí cụ thể đó có thể bị phong tỏa”, tiến sĩ Rohn nói thêm.

Một loạt các trường hợp lây nhiễm mới – lần đầu tiên được ghi nhận vào ngày 12/5, sau nhiều tuần gần như không có ca nhiễm mới nào – đã nhanh chóng bị truy tìm và dẫn đến các địa điểm cụ thể trong khu hộp đêm nổi tiếng của Seoul. Hàn Quốc giờ đã truy tìm 90.000 người liên quan đến khu hộp đêm này.

Gần 300 ca nhiễm dính líu tới các câu lạc bộ – đó là sự truy tìm toàn diện giúp các quan chức theo dõi tiến trình lây lan vào dân chúng.

“Chúng ta biết đây là một bệnh truyền nhiễm thực sự rất dễ lây lan,” Giáo sư McGuire nói thêm. “Bạn chỉ cần nhìn vào những gì đã xảy ra ở Hàn Quốc, một quốc gia có chính sách ngăn chặn hiệu quả, nhưng một khi những điều này được nới lỏng, thì sự lây lan lại trở lại. Một người nhiễm bệnh duy nhất đã lây cho hơn 100 người khác trong một ngày cuối tuần.”

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hiện đã có thể thiết lập nguồn gốc của một số trường hợp bị nhiễm này.

Vụ dịch ở thành phố Cát Lâm của Trung Quốc gần biên giới Nga được bắt nguồn từ một nữ công nhân giặt ủi đã ban đầu làm lây cho 13 người khác ban đầu, nhưng các quan chức vẫn chưa biết bệnh nhân này bị lây từ đâu.

CDC của Trung Quốc cho biết họ có thể phải xúc tiến các cuộc điều tra dịch tễ học và sinh học để xem liệu virus của phụ nữ này có phải là phiên bản của những gì đang lưu hành ở Nga hay không.

“Miễn là các trường hợp bị nhiễm được tìm thấy, được điều tra và truy tìm kịp thời, dịch bệnh có thể được dập tắt nhanh chóng và sẽ không có sự bùng phát”, Wu Zunyou, một nhà dịch tễ học Trung Quốc nói với truyền thông địa phương, nhấn mạnh việc kiểm tra và truy tìm nhất quán quan trọng như thế nào.

Một con chó robot tuần tra một trong những công viên của Singapore và phát đi những thông điệp về giãn cách xã hội (Ảnh Reuters)

5. Đừng xét nghiệm chỉ một lần – mà hai lần

“Chúng ta không chỉ cần biết ai bị nhiễm virus… mà cũng cần xét nghiệm kháng thể để biết ai đã nhiễm virus trước đó,”giáo sư McGuire nói.

“Điều này rất quan trọng vì những người đó rất có khả năng miễn dịch với virus và họ khó có thể bị nhiễm lại, ít nhất là trong thời gian ngắn”, Ashley St John, phó giáo sư tại Trường Y khoa Duke-NUS Singapore, nói thêm.

Ngay từ đầu, ở Singapore, hai cụm dịch không liên quan đã được liên kết bằng cách xét nghiệm huyết thanh học trên hai cá nhân hóa ra là có virus, nhưng không có triệu chứng. Đó là một bước đột phá quan trọng giúp các nhà chức trách ngăn chặn virus vào thời điểm đó.

“Vì bệnh nhân có thể nhiễm virus mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên nó có thể lây lan trước khi một cá nhân biết rằng mình bị bệnh. Tôi không nghĩ việc xét nghiệm miễn dịch đã được thực hiện ở cấp quốc gia, nhưng nó đã được sử dụng hiệu quả ở Singapore để liên kết các cụm dịch và xác định các trường hợp nghi ngờ, “Giáo sư St John cho biết thêm.

Mặc dù xét nghiệm miễn dịch chưa xảy ra trên toàn quốc tại Singapore, nhưng điều này đang được thực hiện ở những ngành dễ bị tổn thương nhất định, ví dụ như trong số các giáo viên trường mầm non.

Lập luận của họ là nếu bạn có thể tìm ra ai có thể đã mắc bệnh, nhưng hiện tại không lây nhiễm, bạn có thể cho họ trở lại làm việc.

Ngay từ khi bắt đầu, Hàn Quốc đã dựa vào kinh nghiệm đối phó với SARS và MERS trước đây (Ảnh Getty)

6. Một dịch vụ y tế công cộng thích ứng

Điều quan trọng nữa là xét xem những gì dịch vụ y tế công cộng có thể học được, giáo sư Judit Vall, người theo dõi cách các hệ thống y tế đối phó với đại dịch, từ Trường Kinh tế tại Đại học Barcelona, nói.

“Trong đại dịch này, ngành y tế đã chứng minh rằng nó có thể tự sáng tạo lại và thích nghi nhanh chóng”, cô nói.

Trung Quốc đã xây dựng một bệnh viện 1.000 giường ở Vũ Hán chỉ trong tám ngày, và dẫn đường về cách lên kế hoạch và tổ chức các bệnh viện khẩn cấp.

“Các bệnh viện và trung tâm chăm sóc chính trên toàn thế giới đã học được rất nhiều từ những người khác, và từ chính họ,” Giáo sư Vall nói, “và họ sẽ ở một vị trí tốt hơn để xử lý làn sóng tiếp theo khi nó đến.”

Quan trọng nhất, đại dịch này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tái đầu tư vào y tế công cộng để các quốc gia có thể ở trong trạng thái sẵn sàng.

Cuối cùng – Giáo sư nhấn mạnh sự chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế.

“Một số nghiên cứu ở Châu Á [theo sau đại dịch Sars and Mers] cho thấy sau một trải nghiệm như thế này, nhân viên y tế có thể bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn,” cô nói.

Tiến sĩ Rohn: “Sự lây nhiễm trở lại khi chúng ta gỡ bỏ phong tỏa – đây là điều xảy ra khi có một loại virus mới và không có miễn dịch trong dân số” (Ảnh Getty)

7. Không chỉ có ‘một giải pháp’

Nhưng có lẽ, bài học chính cần đưa ra là “không chỉ một biện pháp hay chiến thuật nào tạo ra sự khác biệt”, Tiến sĩ Naoko Ishikawa, Giám đốc về Covid-19 của WHO cho khu vực Tây Thái Bình Dương nói.

Ông nói thêm: “Đây không phải chỉ nhờ xét nghiệm hay nhờ giãn cách xã hội. Nhiều quốc gia và khu vực trong khu vực này đã thực hiện tất cả những biện pháp này, thông qua cách tiếp cận toàn diện của chính phủ, và toàn xã hội”.

“Không có chủng ngừa,” Tiến sĩ Rohn nói, và “cho đến khi chúng ta có một loại vaccine hiệu quả và dễ tiếp cận, tất cả chúng ta vẫn có nguy cơ bị lây.” (BBC)