Hồng Kông: Nhu cầu di cư tăng vọt sau khi Luật an ninh được thông qua
Các chuyên gia tư vấn nhập cư tại Hồng Kông cho biết đã nhận được hàng trăm cuộc gọi mới kể từ khi Quốc hội Trung Quốc công bố Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông ngày 21/5. Nhiều cư dân Hồng Kông đang đẩy nhanh quyết định mua bất động sản ở nước ngoài, trong khi những người khác đang hạ giá bất động sản tại địa phương.
Năm 1997, người dân Hồng Kông đã di cư hàng loạt khi thành phố được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc Đại lục. Lịch sử dường như đã lặp lại ở thời điểm hiện tại khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đang lên kế hoạch triển khai Luật an ninh quốc gia cho đặc khu Hồng Kông, đe dọa phá vỡ chính sách “một quốc gia, hai chế độ,” và mức độ tự trị cao của thành phố.
Các chuyên gia tư vấn nhập cư cho biết đã nhận được hàng trăm cuộc gọi mới kể từ khi Quốc hội Trung Quốc (NPC) thông qua dự luật an ninh gây tranh cãi hôm 28/5. Một số người đang đẩy nhanh quyết định mua bất động sản ở nước ngoài, trong khi những người khác đang hạ giá bất động sản tại Hồng Kông.
Andrew Lo, giám đốc điều hành công ty Anlex chuyên tư vấn nhập cư, cho biết một ngày sau khi dự luật được đề xuất, họ đã nhận được hơn 100 cuộc gọi. “Mọi người bồn chồn không yên. Họ hỏi rằng họ có thể rời đi ngay vào ngày hôm sau không.”
Từ đợt bán tháo cổ phiếu lớn nhất trong gần 5 năm cho tới các vụ giảm giá bán nhà, Hồng Kông đã bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và thị trường vốn. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/5 đã tuyên bố sẽ hủy bỏ quy chế ưu đãi đặc biệt của Hồng Kông sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng thành phố không còn là một khu vực “tự trị” để được đối xử khác biệt với Trung Quốc Đại lục.
Động thái của cơ quan lập pháp Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xử lý các hành động “ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài hoặc các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia,” đã được đáp trả bằng các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm chống lại bất kỳ ý định nào kéo Hồng Kông gần hơn với Đại lục.
Theo công ty Tư vấn nhập cư Midland, yêu cầu tư vấn di cư đã tăng vọt sau một thời gian tạm lắng do đại dịch COVID-19. Mặc dù số lượng các đơn xin cấp quyền công dân hiện chưa được thống kê đầy đủ, nhưng các chuyên gia cho rằng con số này sẽ tăng lên do bầu không khí chính trị.
David Hui, giám đốc điều hành của công ty tư vấn di cư Centaline, cho biết đã nhận được tới 100 đề nghị cho ý tưởng đầu tư trong tuần này, so với con số chỉ vài chục mỗi ngày trước đây. “Nếu đại dịch hay nền kinh tế bên ngoài không đột ngột xấu đi, sức mua từ người dân Hong Kong sẽ tăng lên trong tháng 6.”
Jason Gillott, người đồng sáng lập công ty tư vấn di cư Golden Visa Portutal, cho hay một yếu tố thúc đẩy khác là tuyên bố của Tổng thống Trump về việc tước quy chế ưu đãi đặc biệt dành cho Hồng Kông. Công ty của ông đã hỗ trợ khoảng 50 khách hàng kể từ tháng 1.
“Những người trước đây liên lạc với chúng tôi hỏi các thông tin cơ bản thì giờ đã cam kết chắc chắn bằng cách đặt cọc,” ông Gillott nói, tiết lộ rằng một khách hàng đã yêu cầu chuyển “hàng triệu đô la” của mình sang Bồ Đào Nha. “Chuyện này đúng là chưa từng thấy.”
Yếu tố chính trị đã khuyến khích một số cá nhân giàu có, tức những người có tài sản trị giá hơn 10 triệu HKD (1,29 triệu USD), đa dạng hóa tài sản của họ vào các thành phố khác như London, Singapore và Đài Loan.
Đài Loan là một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều người tìm cách chạy trốn khỏi tình trạng hỗn loạn ở Hồng Kông. Hòn đảo tự trị cho phép người nước ngoài có quyền công dân với 6 triệu Đài tệ (199.680 USD) khi đầu tư vào một doanh nghiệp có thuê nhân viên địa phương.
Gần 2.400 người Hồng Kông đã nộp đơn xin định cư tại Đài Loan từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, so với con số 948 cùng kỳ năm ngoái, theo giám đốc chiến lược của Midland, Tina Cheng, trích dẫn dữ liệu của chính phủ. Tổng cộng, 5.585 người đã rời Hồng Kông đến Đài Loan vào năm 2019, tăng 41%.
“Nhiều trong số những người tìm hiểu đã tiến tới các bước cuối cùng của việc chuẩn bị nhập cư,” cô Cheng nói. “Nhiều người đã bắt đầu thu xếp giấy tờ và và tài chính để định cư ở nước ngoài.”
Mặc dù Đài Loan là một điểm đến dành được sự quan tâm, nhưng các điểm đến hàng đầu vẫn là các quốc gia nói tiếng Anh như Ireland, Canada và Úc.
Một ngôn ngữ chung, hệ thống giáo dục chất lượng và cơ hội nghề nghiệp là các lý do khiến những nước này trở nên hấp dẫn, John Hu, một chuyên gia tư vấn di cư cho biết.
“Chúng tôi đã chứng kiến nhu cầu tăng từ 4 – 5 lần. Bây giờ, họ nhận thấy sự cấp bách. Họ đặt câu hỏi, loại visa nào có thời gian xử lý ngắn nhất,” ông Hu nói.
Một số chủ nhà đang bán các tài sản của họ, thậm chí chấp nhận bán dưới mức định giá của ngân hàng vì đang cần tiền để chuẩn bị di cư.
Trong lịch sử, Canada là một lựa chọn phổ biến cho cư dân Hồng Kông muốn chuyển ra nước ngoài. Hàng trăm ngàn người đã di cư đến các thành phố như Vancouver và Toronto kể từ cuối những năm 1970 trước lo sợ tương lai Hồng Kông sau khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Đối với những người xem xét di cư tới châu Âu, công ty Golden Visa Portugal đã chào mời dịch vụ định cư thông qua đầu tư bất động sản. Khởi đầu ở mức 350.000 euro, các nhà đầu tư có thể có thể định cư và sau đó là trở thành công dân Bồ Đào Nha trong 5 năm. T/T (Theo SCMP)