Tuesday, April 30, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Melbourne khẩn cấp đối phó bệnh chết người khác, triệu chứng như Covid-19

Tiểu bang Victoria đang gấp rút xét nghiệm nhiều cơ sở để truy tìm nguồn gốc sau khi xuất hiện 2 trường hợp mắc bệnh Lê dương tại Melbourne.

Một cuộc điều tra đang được tiến hành sau khi hai người Melbourne mắc bệnh Legionnaire (trong ảnh, vi khuẩn Legionella pneumophila, tác nhân gây bệnh)

Ngày 19/8, Cơ quan y tế tiểu bang Victoria đang khẩn cấp truy tìm nguồn gốc 2 ca mắc bệnh Lê dương (Legionnaire’s disease), một dạng viêm phổi gây ra bởi vi khuẩn họ Legionella.

Giáo sư Ben Cowie, phó trưởng chuyên gia y tế tiểu bang, cảnh báo về căn bệnh chết người này có nhiều triệu chứng giống Covid-19 và lực lượng chuyên môn cần “kéo lưới rộng hơn” khi xét nghiệm Covid-19, sau khi 2 ca bệnh Lê dương được phát hiện tại Melbourne.

“Các triệu chứng có thể tương tự như giai đoạn đầu của bệnh, như khó thở, đau đầu, sốt, mệt mỏi, vốn phổ biến ở cả 2 bệnh”, ông cho biết.

Các tháp làm mát có thể là nguy cơ phát tán bệnh Lê dương (Hình NCA).

“Thông điệp của chúng tôi với các bác sĩ là nếu có người có triệu chứng giống Covid-19 thì phải được xét nghiệm và điều trị trên căn cứ Covid-19, nhưng cần nghĩ về các khả năng khác nữa”, ông khuyến cáo.

Cơ quan y tế tiểu bang Victoria cảnh báo công chúng về 2 ca mắc bệnh Lê dương sống tại khu Đông Cranbourne được báo lên cơ quan chức năng vào ngày 18/8, cả 2 đều đã nhập viện.

Nhiều khu vực như tháp làm mát, hồ bơi, tiệm spa đang được xét nghiệm để tìm nguồn gốc dịch bệnh. Giáo sư Cowie cảnh báo rằng bệnh Lê dương có thể gây tử vong, dù không phổ biến trong cộng đồng cho đến khi phát hiện 2 ca trên.

Vi khuẩn Legionella có thể xuất hiện tại ao, hồ, sông, suối và còn từng được phát hiện tại tiệm spa, đất trồng trộn sẵn, hệ thống nước nóng và các hệ thống nhân tạo dùng nước để làm mát, sưởi ấm hoặc trong quy trình công nghiệp như tháp làm mát.

Bệnh nhân có thể mắc bệnh khi hít phải những giọt nước li ti chứa vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh này không lây lan từ người khác hay uống nước nhiễm khuẩn. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao là người trên 65 tuổi, người hút thuốc, nghiện rượu, bệnh phổi mãn tính và các bệnh nền như tiểu đường, ung thư và suy thận.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh Lê dương, nhưng việc chẩn đoán và điều trị sớm với các kháng sinh thích hợp có thể giảm tình trạng bệnh nặng và biến chứng. (T/H, T/N)