Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần trên phạm vi toàn cầu

Giãn cách xã hội, phong tỏa là các biện pháp thường được áp dụng ở mọi nơi trên thế giới, để phòng chống đại dịch COVID-19. Điều này đã khiến số người bị cô lập, cảm thấy bị stress tăng lên, ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần.

Đây là vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Athens do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chính phủ Hy Lạp tổ chức. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nhiều người trên khắp hành tinh, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Bảo vệ sức khỏe tâm thần là vấn đề cần được giải quyết không chậm trễ, như một phần của nỗ lực phục hồi do tác động của dịch bệnh.

Đồng chủ tịch Nhóm Cố vấn Kỹ thuật của WHO Pim Cuijpers cho biết , tác động đến sức khỏe tâm thần do COVID-19 ở Khu vực Châu Âu dù chưa rõ ràng, nhưng cuộc khủng hoảng y tế này cho thấy ảnh hưởng tới tất cả mọi người ở mọi quốc gia, trong đó có cả  vấn đề sức khỏe tâm thần.

Ông Pim Cuijpers cho biết thêm, rối loạn tâm thần là một thách thức lớn đối với sức khỏe trước khi đại dịch xảy ra. Có tới 16% dân số ở châu Âu bị trầm cảm và lo lắng. Những tác động của các biện pháp giãn cách, phong tỏa chắc chắn sẽ khiến con số này tăng lên.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết: “Sức khỏe tâm thần có vai trò  sống còn và  trở thành ưu tiên của tất cả chính phủ, bởi không ai bị bỏ lại phía sau”.

Giáo sư tâm thần học tại Trường Y thuộc Đại học Aristotle ở Hy Lạp Konstantinos Fountoulakis  đã trình bày kết quả của một nghiên cứu toàn cầu gần đây, cho thấy mức độ nghiêm trọng  của vấn đề. Nghiên cứu có sự hợp tác của Hiệp hội Tâm thần Thế giới.

Cụ thể,  30% trong số 55,589 người được hỏi từ 40 quốc gia tham gia cuộc khảo sát cho biết họ bị căng thẳng, hoặc trầm cảm nặng  trong thời kỳ đại dịch.

Đại dịch với các biện pháp phong tỏa cục bộ hay diện rộng, đều  làm con người trở nên bị cô lập, rơi vào trạng thái cô đơn. Về mặt xã hội, nó làm gián đoạn đời sống kinh tế và xã hội. Chính đại dịch COVID-19 đã  gây ra những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt ảnh hưởng đến những người có bệnh lý tâm thần từ trước và các nhóm nguy cơ cao khác.

Sau nhiều tháng bị cô lập trong bối cảnh phong tỏa, 38% số người được khảo sát cho biết, họ có nhu cầu được giao tiếp với người khác  và 26%  số người được hỏi mong muốn được hỗ trợ tinh thần. 

Tại diễn đàn  Athens, các quốc gia châu Âu mong muốn thống nhất  hành động tập trung  giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ tinh thần ở Khu vực Châu Âu của WHO.  (SKDS)

Cần tìm kiếm sự giúp đỡ

Cần phải nói chuyện với ai đó? Đừng đi một mình. Vui lòng liên lạc để được giúp đỡ.

• Lifeline: 13 11 14 hoặc lifeline.org.au

• Beyond Blue: 1300 22 4636 hoặc beyondblue.org.au

• Dịch vụ hỗ trợ Coronavirus của Beyond Blue: 1800 512 348 hoặc coronavirus.beyondblue.org.au

• Đường dây trợ giúp trẻ em: 1800 55 1800 hoặc kidshelpline.com.au

• Headspace: 1800 650 890 hoặc headspace.org.au