Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ngừng kết nối với Úc: Mỹ dọa loại Úc khỏi ‘Ngũ Nhãn’ nếu Victoria tham gia sáng kiến của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Washington có thể loại Úc khỏi mạng lưới chia sẻ tình báo then chốt giữa các đồng minh, Five Eyes tức Ngũ Nhãn, nếu tiểu bang Victoria, Úc tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Hôm 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo sẽ ngừng chia sẻ thông tin tình báo nếu Úc không làm rõ việc tiểu bang Victoria tham gia dự án Vành đai-Con đường với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh Sky News)

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sky News của Úc, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về khả năng có những rủi ro nếu tham gia các dự án trong khuôn khổ Vành đai-con đường do Trung Quốc khởi xướng. Đặc biệt nếu tiểu bang Victoria của Úc tham gia dự án viễn thông trong khuôn khổ sáng kiến này thì có thể sẽ đe dọa đến mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes mà Úc là một thành viên. Và nếu Mỹ cảm thấy không an toàn thì sẽ ngừng kết nối với Úc.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nói: “Nếu dự án này tác động xấu tới năng lực bảo vệ thông tin liên lạc của các công dân hoặc mạng lưới an ninh của cộng đồng quốc phòng, tình báo thì chúng tôi sẽ ngừng kết nối, chúng tôi sẽ phải tách ra để bảo vệ sự an toàn cho mạng lưới đối với các thông tin quan trọng. Tôi hy vọng các bạn bè và đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là thành viên của nhóm Five Eyes trong đó có Úc sẽ làm điều tương tự”.

Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ, người phát ngôn của Thủ hiến tiểu bang Victoria khẳng định tiểu bang này hiện tại “không và sẽ không tham gia dự án viễn thông trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường”.

Năm 2018, chính quyền tiểu bang Victoria đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc về việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đến tháng 10/2019, tiểu bang Victoria đã thỏa thuận khung với Trung Quốc về việc tham gia “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.

Chính quyền liên tiểu bang Úc cho rằng tiểu bang Victoria đã vượt thẩm quyền khi tự đứng ra ký thỏa thuận quốc tế. Hôm 24/5, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định, chính phủ liên tiểu bang Úc không ủng hộ tiểu bang Victoria tham gia Sáng kiến Vành đai-Con đường và ký thỏa thuận này với Trung Quốc vào năm 2018. Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh “các tiểu bang cần phải tôn trọng và công nhận thẩm quyền của chính quyền liên tiểu bang trong việc hoạch định chính sách đối ngoại”.

Không chỉ hành động vượt thẩm quyền, thỏa thuận mà tiểu bang Victoria ký với Trung Quốc liên quan đến Sáng kiến Vành đai-Con đường đều không được thông báo chi tiết cho chính quyền liên tiểu bang. Chính vì vậy mà chính quyền liên tiểu bang Úc không nắm được các lĩnh vực và dự án hợp tác cụ thể giữa hai bên. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton vừa yêu cầu chính quyền tiểu bang Victoria công khai các thỏa thuận. Trong khi đó thượng nghị sỹ Sarah Henderson thậm chí còn yêu cầu tiểu bang Victoria hủy bỏ thỏa thuận này.

Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình Quốc phòng, Chiến lược và An ninh quốc gia, thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định: Các dự án “hạ tầng cơ sở bây giờ không chỉ đơn thuần bao gồm bê tông và sắt thép” mà nó được kết nối với công nghệ số điều khiển các chức năng của nó. Vì thế các dự án cơ sở hạ tầng không chỉ đơn thuần là đường sá mà còn liên quan đến công nghệ thông tin, vấn đề mà chính quyền liên tiểu bang Úc buộc các công ty phải tuân thủ trong các thỏa thuận nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng, Úc từ chối không cho công ty Trung Quốc tham gia vào dự án phát triển mạng viễn thông 5G, Anh cũng đang tìm cách giảm sự tham gia của công ty Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G và việc Mỹ liên tục gây sức ép với các nước, đặc biệt là thành viên của mạng lưới tình báo Five Eyes không hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực viễn thông, việc tiểu bang Victoria của Úc tham gia Sáng kiến Vành đai-Con đường đang trở thành mắt xích dễ bị tổn thương khiến không chỉ chính quyền liên tiểu bang Úc mà cả đồng minh Mỹ phải lo ngại./. (T/H, VOV)