Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chiến lược chống dịch Úc bất lực trước biến chủng Delta?

Tưởng chừng đã đẩy lui được dịch Covid-19 nhưng 3 ngày sau khi Sydney ghi nhận ca nhiễm biến chủng Delta, khoảng 40 người vẫn tụ tập mừng sinh nhật, bao gồm một khách từng tiếp xúc gần ca F0.

Hai tuần sau, 27 người tham gia bữa tiệc nhận kết quả dương tính với nCoV, trong đó có một bé 2 tuổi, cùng 14 trường hợp tiếp xúc gần. 7 người tại buổi tụ tập không nhiễm virus đều đã được tiêm vắc-xin Covid-19.

Từ Sydney, biến chủng Delta lây lan khắp Úc, thông qua các chuyến bay và những người đến trường học, bệnh viện, tiệm làm tóc, thậm chí một trung tâm tiêm chủng đại trà. Giờ đây, một nửa dân số của đất nước 25 triệu dân được yêu cầu ở nhà, khi số ca nhiễm mới đã ở mức 200. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Úc hiện nay lần lượt là gần 31,000 và hơn 900. Các đường biên giới đóng cửa, trong khi nỗi bức bối vì phong tỏa ngày càng dồn nén.

Đây được cho là bước ngoặt đột ngột đối với một quốc gia dành phần lớn thời gian trong năm qua để tận hưởng thành quả chống Covid-19. Nhờ biện pháp đóng biên nghiêm ngặt, xét nghiệm rộng rãi và truy vết hiệu quả, Úc từng dập tắt mọi đợt bùng phát, trong khi hầu hết các nước khác phải đối mặt với sự lây lan không ngừng của virus, đôi khi là thảm kịch.

Cuộc sống gần như hoàn toàn bình thường như vậy được cho là điều giới chính trị gia Úc, từ Thủ tướng Scott Morrison đến giới chức địa phương, đều tha thiết muốn bảo vệ.

Theo bình luận viên Damien Cave của NYTimes, họ coi việc ngăn chặn hoàn toàn Covid-19, bằng bất cứ giá nào, là một chính sách thắng lợi. Hôm 2/7, Úc tiếp tục đẩy mạnh cách tiếp cận cứng rắn với đại dịch, tuyên bố số lượng khách quốc tế được phép nhập cảnh mỗi tuần, vốn đã khá ít ỏi, sẽ bị giảm một nửa.

Bối cảnh này từng xảy ra trong quá khứ. Khi đại dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành năm 1918, Úc cũng đóng cửa biên giới suốt một năm và mở cửa muộn hơn phần còn lại của thế giới. Hầu hết người dân nước này vẫn sẵn sàng chấp nhận sự cô lập khi Covid-19 ập đến, vì sự an toàn của bản thân.

Tuy nhiên, biến chủng Delta dường như đã làm đảo lộn mọi thứ. Trong một trung tâm thương mại ở Sydney, hai người xa lạ chỉ lướt qua nhau, không hề chạm vào nhau, nhưng sau đó cả hai đều nhiễm nCoV, cho thấy virus giờ đây lây lan dễ dàng đến mức nào. Giới chức y tế cũng cảnh báo trong hầu hết hộ gia đình, một người nhiễm chủng Delta thường dẫn đến lây cho tất cả.

Tiểu bang New South Wales từng tránh được viễn cảnh phong tỏa hoàn toàn trong những đợt bùng phát trước, bao gồm một cụm dịch hồi tháng 12/2020. Khi đó, chính quyền đã dập được dịch nhờ ba tuần áp dụng các biện pháp hạn chế dành riêng cho vùng ngoại ô. Lần này, Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian đã cố gắng dùng chiến lược tương tự, nhưng nhận ra biến chủng Delta lây nhiễm quá nhanh để có thể kiềm chế.

Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm chủng ở Sydney, hôm 24/6. (Hình AFP).

Khắp thế giới đều đang ghi nhận những tình huống tương tự, do biến chủng Delta đã lây lan tới ít nhất 85 quốc gia. Nhiều nước chuẩn bị tâm thế cho một cuộc chiến dài hơi, trong khi Úc cũng cho biết quyết định giảm lượng người nhập cảnh sẽ kéo dài đến cuối năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào tốc độ chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Giới chức và các nhà kinh tế học đang lo ngại cái giá phải trả về mặt xã hội cho những biện pháp khắc nghiệt này sẽ ngày một gia tăng. 34,000 người Úc đang chờ hồi hương sẽ phải đợi lâu hơn nữa. Các doanh nghiệp vừa bắt đầu hồi sinh lại đối mặt thêm nhiều tháng bất định.

Melbourne, nơi phải trải qua tình trạng phong tỏa thường xuyên hơn bất kỳ thành phố nào khác tại Úc, được cho là báo hiệu viễn cảnh sắp tới. Tại khu thương mại trung tâm thành phố, mặt tiền các cửa hàng đều trống trải. Một số người vẫn sợ hãi đến mức hiếm khi rời khỏi nhà, ngay cả lúc không có ca nhiễm cộng đồng nào.

Thậm chí những chuyên gia đề cao lợi ích kinh tế từ chiến lược chống dịch của Úc cũng đánh giá các nhà hoạch định chính sách nước này đã trở nên quá phụ thuộc vào biện pháp kiểm soát biên giới và phong tỏa, ngay từ dấu hiệu rắc rối đầu tiên. Trong đợt bùng phát hiện nay tại Sydney, chưa từng có hơn ba bệnh nhân Covid-19 phải chăm sóc tích cực, nhưng 12 triệu người đã bị phong tỏa.

Richard Holden, nhà kinh tế học tại Trường Thương mại Đại học New South Wales, cho biết những chỉ số kinh tế có thể đo lường được, như tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, đã làm lu mờ những giá trị không thể đong đếm. “Các đám cưới và lễ tang, việc một người không thể ở bên người thân yêu khi họ qua đời, là những thứ khó có thể định giá”, ông nói.

Theo Holden, điều đặc biệt khiến người dân Úc ngày càng bực bội là chiến dịch tiêm chủng của chính phủ. Sau khi làm chủ công tác xét nghiệm nCoV, giới chức đã đặt cược vào vắc-xin của AstraZeneca và một loại do Đại học Queensland đề xuất.

Kết quả là vắc-xin do Đại học Queensland đề xuất đã thất bại ngay từ những thử nghiệm ban đầu, trong khi AstraZeneca gây tranh cãi vì nguy cơ biến chứng đông máu hiếm gặp. Trong khi đó, Úc bị chậm trễ trong việc nhận vắc-xin Covid-19 từ hai hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và Moderna, cũng như vạch rõ kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng. Giờ đây, chưa tới 8% người dân Úc được tiêm chủng đầy đủ.

Thách thức trong vài tháng tới đối với Úc, cũng như nhiều quốc gia khác, được cho là đảm bảo hầu hết người dân được tiêm vắc-xin Covid-19. Khi đó, các nhà dịch tễ học cho biết tỷ lệ tử vong nên trở thành thước đo cho chính sách, thay vì tỷ lệ nhiễm.

“Đây là bước đầu trong việc chấm dứt chính sách ngăn chặn hoàn toàn Covid-19. Lần này chúng ta có thể kiểm soát được virus, nhưng nhiệm vụ sẽ ngày càng khó khăn hơn”, Catherine Bennett, nhà dịch tễ học tại Đại học Deakin ở Melbourne, nêu ý kiến.

Ngay cả Thủ tướng Morrison dường như cũng nhận thấy Úc cuối cũng sẽ cần ngừng theo đuổi cách tiếp cận này.

“Tư duy của chúng ta về cách khống chế Covid-19 phải thay đổi khi chuyển từ giai đoạn chưa tiêm chủng sang hậu tiêm chủng”, ông phát biểu hôm 2/7. “Mục tiêu cuối cùng là chúng ta nên coi nó như bệnh cúm, đồng nghĩa với việc không có phong tỏa”. (VBF)