Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Hy vọng gì khi Thường vụ Quốc hội cho xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời truyền thông trong nước tại cuộc họp báo ngày 18 tháng 5 về chương trình dự kiến kỳ họp thứ 9 của quốc hội khóa 14 cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật vụ án tử tù Hồ Duy Hải.

Trước đó, một số Đại biểu Quốc hội đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội vào cuộc giám sát, yêu cầu xem xét lại bản án sau khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao giữ nguyên bản án phúc thẩm xử tử hình đối với Hồ Duy Hải, bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Do đó, ông Phúc cho rằng cần có thời gian xem xét thật toàn diện, khách quan các vấn đề vì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, khiến dư luận trong và ngoài nước quan tâm.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Uỷ ban thường vụ Quốc hội đang xem xét vụ án Hồ Duy Hải (Ảnh Dân Trí, RFA Edited)

Trao đổi với RFA vào tối 18/5, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đai hội đảng XII bày tỏ hy vọng sẽ có phiên xử công bằng trong thời gian tới:

“Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét thấu tình đạt lý là để không xảy ra oan sai, làm dịu tình hình dư luận và thể hiện sự minh bạch đảm bảo quy định của pháp luật nhưng tránh vấn đề nghi ngờ trong dư luận về mặt xét xử của tòa án Việt Nam.”

Tuy nhiên, với kinh nghiệm lâu năm từng giữ chức nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong những năm gần đây, ít nhất là nhiệm kỳ ông còn làm việc đến bây giờ thì ông chưa thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra một phán quyết nào thúc đẩy tòa án.

“Nếu cần thì đưa ra quốc hội và cũng yêu cầu chứ không trao thủ tục gì để Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao phải họp lại hoặc xét xử vụ án lại. Khả năng đó là có thể ở dạng như thế. Nếu vậy thì là một thiệt hại rất lớn đối với nền tư pháp Việt Nam.”

Vẫn theo Luật sư Trần Quốc Thuận, vụ án Hồ Duy Hải có lẽ là lần đầu tiên có chuyện tính chất gay gắt lên tới trung ương và cũng là lần đầu Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao họp toàn bộ 17 người biểu quyết.

Luật sư Thuận nhận xét rằng vụ này đặc biệt nghiêm trọng tuy nhiên chứng cứ đơn giản, việc điều tra cũng đơn giản nhưng lại khiến cho dư luận ngỡ ngàng. Ông cho rằng chứng cứ trực tiếp như dấu vân tay của Hồ Duy Hải không có tại hiện trường, đem thớt và con dao mua ngoài chợ rồi cơ quan điều tra cùng nhau nói phù hợp với lời khai là hai chứng cứ không thuyết phục.

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 18/5, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí một lần nữa khẳng định với cử tri rằng kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải có căn cứ và đúng thẩm quyền.

Còn việc Tòa án Nhân dân Tối cao hay Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đúng thuộc về quyết định của cấp có thẩm quyền, đồng thời khẳng định ông đang làm đúng trách nhiệm của mình.

Hai ĐBQH Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng gửi văn bản kiến nghị đến Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải. RFA Edited

Vì vậy, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định những trường hợp có thể xảy ra:

“Vụ án này có thể xảy ra nhiều khả năng nếu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trình ý kiến tới ban lãnh đạo nào mà trên tòa ủng hộ ý kiến này thì có thể Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ họp nhau lại có một kết luận. Điều người ta đang chờ là kết luận hủy án, điều tra lại từ đầu. Nếu không, có khả năng là đưa lên Chủ tịch nước, Chủ tịch nước sẽ ra phán quyết không tử hình, phạt tù chung thân. Giải quyết cách này không chắc gì được ủng hộ.”

Còn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, theo thủ tục, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thì cũng chính hội đồng 17 nguời đó xem xét lại lần nữa. Như vậy sẽ khó xảy ra những chuyển biến tích cực. Ông giải thích:

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị xem xét lại thì thật ra họ đang kích hoạt Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Trong đây quy định sẵn cơ quan xem xét lại vẫn là Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng sẽ vẫn là 17 người hôm 8/5 xem xét vụ án này một lần rồi. Tôi nghĩ thời gian ngắn quá thì kết quả không có gì thay đổi nhưng nếu thời gian dài thì những tương quan khác như tác động xã hội, chính trị… may ra có thể có sự thay đổi trong vụ án này.”

Mẹ tử tù Hồ Duy Hải, Bà Nguyễn Thị Loan… (Ảnh Thanh Niên)

Bên cạnh đó, Luật sư Mạnh cũng cho rằng vẫn còn hy vọng cho Hồ Duy Hải nếu được xử ‘tái thẩm’:

“Thủ tục tái thẩm khác giám đốc thẩm ở chỗ tái thẩm chỉ được xem xét khi vụ án có những chứng cứ mới mà những chứng cứ mới này có thể tác động thay đổi bản chất vụ án. Thật ra khả năng pháp lý mà lý tưởng nhất cho các bên là nên có một phiên tòa tái thẩm. Ví dụ như hôm rồi Luật sư Trần Hồng Phong có đưa ra kiến nghị để Chủ tịch nước và Hội đồng Thẩm phán kể cả Viện Kiểm sát Tối cao xem xét lại là Luật sư Phong đặt ra giả thiết có thể thủ phạm gây ra vụ án này thuận tay trái. Nếu được chấp nhận đó sẽ là một tình tiết mới thì có thể mở ra phiên tái thẩm, có thể hủy án và trả về điều tra từ đầu.”

Luật sư Mạnh cho rằng phiên tái thẩm là khả năng rất tốt giúp cho tất cả các bên phần nào giữ được quan điểm của mình, nhất là giúp cho 17 vị thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán có một lối thoát. Tức là trước đây họ vẫn có thể đúng trong phiên tòa giám đốc thẩm nhưng họ có thể tuyên lại vì chứng cứ mới làm thay đổi suy nghĩ của họ. Điều đó cũng bảo toàn danh dự, sĩ diện của họ. Về phía Hồ Duy Hải, tình thế có thể được thay đổi nếu phiên xử tái thẩm được diễn ra.

“Nếu đã chấp nhận tái thẩm thì cơ hội lên tới 100% sẽ có sự thay đổi lớn về kết quả vụ án. Chứ việc kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi cho rằng khả năng thay đổi không cao lắm.”

Vụ giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An tại nơi làm việc xảy ra hồi ngày 13 tháng 1 năm 2008.

Ngay sau đó, thanh niên Hồ Duy Hải, sinh năm 1985, ở Long An bị bắt giữ và bị tuyên án tử hình dưới tội danh “giết người, cướp tài sản” tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Tuy nhiên, bản thân anh Hồ Duy Hải nói với mẹ trong một lần gặp là phải kêu oan cho anh vì anh không phạm tội. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ anh cùng những người thân trong gia đình, suốt hơn 12 năm qua kêu cứu khắp nơi. Luật sư cũng nêu ra những khuất tất của quá trình điều tra vụ án.

Hy vọng của gia đình và cá nhân Hồ Duy Hải được trông mong rất nhiều vào phiên xử giám đốc thẩm ngày 8/5 vừa qua nhưng kết quả đã khiến không chỉ gia đình Hồ Duy Hải, các luật sư tham gia mà cả những nguời dân theo dõi đều thất vọng khi tuyên y án tử hình đối với anh Hải.

Đáng quan tâm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Sau đó, nhiều tổ chức, cá nhân và cả các đại biểu quốc hội đều lên tiếng cần xem xét lại bản án đối với tử tù Hồ Duy Hải.

Hiện, chưa rõ những kiến nghị mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra có thể thay đổi quyết định tử hình đối với anh Hải hay không nhưng dư luận vẫn bày tỏ hy vọng công lý sẽ được phục hồi nếu Hồ Duy Hải vô tội. Cũng như mong muốn của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam:

“Tôi tin rằng tình hình này sẽ có biểu quyết nào đó hướng về lòng dân!”. (RFA)