Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

WHO cảnh báo hậu quả tranh giành vắc-xin, Pháp đóng biên giới chặn Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu các nước giàu không chịu chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 với các nước nghèo hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 29/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, việc các nước tích trữ vắc-xin và không chia sẻ sẽ dẫn tới 3 vấn đề lớn. Đó sẽ là một “sự thất bại thảm hại về đạo đức”, khiến đại dịch tiếp tục bùng phát mạnh và nền kinh tế toàn cầu phục hồi rất chậm.

Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cũng khuyến cáo, việc tranh giành “miếng bánh vắc-xin” đang khiến những người ở tuyến đầu chống dịch tại các quốc gia nghèo gặp nguy hiểm.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Theo Reuters, cảnh báo của các quan chức WHO được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) nhất trí thông qua kế hoạch kiểm soát xuất khẩu vắc-xin ra bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo nguồn cung trong khối, giữa lúc các hãng dược phẩm đều đang chậm trễ trong việc bàn giao các đơn hàng.

Để giải quyết vấn đề, EU đang đàm phán với công ty dược phẩm Novavax của Mỹ về số lượng vắc-xin đặt mua cho khối. Ngoài ra, liên minh cũng sẽ đặt hàng thêm chế phẩm của hãng dược Mỹ Moderna.

WHO cảnh báo hậu quả tranh giành vắc-xin, Pháp đóng biên giới chặn Covid-19
Các nhân viên y tế đang chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho những hành khách đến sân bay Charles de Gaulle gần Paris, Pháp. Ảnh: Reuters

Pháp cấm nhập cảnh từ các nước ngoài EU

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo, nước này sẽ đóng cửa biên giới đối với mọi chuyến đi “không cần thiết” đến và đi từ các quốc gia bên ngoài EU từ 0h đêm 31/1. Mọi trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia thành viên EU sẽ phải xuất trình giấy tờ chứng nhận họ có xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19.

Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia hôm 29/1 sau một cuộc họp với Tổng thống Emmanuel Macron và các bộ trưởng, ông Castex cho biết, các quan chức đã quyết định sẽ không tái áp phong tỏa toàn quốc lần nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Thay vào đó, nhà chức trách sẽ triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn cũng như xử phạt nặng hơn đối với những đối tượng vi phạm các quy định phòng chống dịch.

Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex. (Hình AP)

Thủ tướng Castex nói, thêm nhiều cảnh sát sẽ được huy động để đảm bảo việc tuân thủ lệnh giới nghiêm ban đêm hiện hành. Các công ty được yêu cầu cho nhân viên làm việc tại nhà “bất cứ khi nào có thể”.

Pháp hiện là một trong những điểm “nóng” về dịch, xếp thứ 6 trên thế giới về số ca mắc và thứ 7 về số trường hợp tử vong, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Quốc gia này hiện ghi nhận hơn 3.2 triệu ca dương tính với virus, trong đó hơn 75,700 người đã thiệt mạng.

Theo báo RT, trong bối cảnh thiếu hụt vắc-xin do gián đoạn nguồn cung từ các hãng dược Pfizer và Moderna, một số vùng của Pháp đã phải tạm dừng việc tiêm chủng mới để đảm bảo liều thứ 2 cho những người đã được chủng ngừa liều đầu tiên.

Chiếc mũ có hình thù virus Corona nhằm nhắc nhở mọi người không đi ra ngoài đường, trừ khi thực sự cần thiết. (Hình CNN)

Ấn Độ kéo dài lệnh cấm các chuyến bay quốc tế

Trước diễn biến dịch phức tạp, Ấn Độ đã quyết định gia hạn lệnh cấm các chuyến bay thương mại quốc tế đến và đi từ nước này cho đến ngày 28/2. Lệnh cấm không ảnh hưởng đến các chuyến bay chở hàng cũng như các chuyến bay do Cơ quan hàng không dân dụng Ấn Độ chỉ định.

Theo trang Worldometers, Ấn Độ hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới với hơn 10.7 triệu ca mắc và 154,176 trường hợp tử vong.

Chiếc mũ này còn nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19, từ đó có ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp bảo vệ khác nếu phải đi ra ngoài. (Hình CNN)

Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay, nước này dự kiến sẽ tiêm 10 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 mỗi ngày để đạt mục tiêu chủng ngừa cho 300 triệu dân vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay. Trong 2 tuần đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng đại trà có sử dụng phần mềm kết nối CoWIN, nước này mới tiêm chủng được khoảng 3 triệu nhân viên y tế, tương đương tốc độ 200,000 liều/ngày.

Mặc dù một số trục trặc với phần mềm CoWIN gây chậm trễ trong những ngày đầu chiến dịch tiêm vắc-xin, nhưng New Delhi khẳng định các chỉnh sửa lập tức sẽ đảm bảo sự cố không lặp lại.

Các tin đáng chú ý khác về đại dịch:

– Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 30/1, đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 102.6 triệu người, trong đó hơn 2.2 triệu ca tử vong. Song, trên 74.2 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã được chữa khỏi. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với gần 26.5 triệu ca bệnh và 447,120 người thiệt mạng.

– Chính quyền thành phố Gwangju, tây nam Hàn Quốc vừa quyết định tạm cấm các hoạt động tại nhà thờ sau khi ghi nhận các ca nhiễm mới chủ yếu ở các cơ sở tôn giáo.

– Hy Lạp đã hoãn kế hoạch mở lại toàn bộ các trường phổ thông vào tháng 2 sau khi số ca nhiễm mới tăng nhanh. Nhà chức trách cho rằng, các trường học đều nằm trong diện có nguy cơ cao nên phải tiếp tục tổ chức học từ xa.

– Hungary đã trở thành nước EU đầu tiên cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng dược Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Trước đó, Chính phủ Hungary tuyên bố sẽ cấp phép dùng khẩn cấp cho bất kỳ loại vắc-xin nào được tiêm cho ít nhất 1 triệu người trên toàn cầu. Quốc gia này cũng đã đạt thỏa thuận mua lượng lớn vắc-xin Sputnik V của Nga dù Cơ quan quản lý dược phẩm EU (EMA) chưa phê duyệt việc dùng chế phẩm.

– EU ngày 29/1 đã phê duyệt việc dùng vắc-xin của Oxford-AstraZeneca cho người trưởng thành trong khối. Đây là vắc-xin ngừa virus corona chủng mới thứ 3 được liên minh thông qua, sau các vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna.

– Chính quyền thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc kêu gọi người dân không rời thành phố và không đi du lịch nếu không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. (VNN)