Tuesday, April 30, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

80 tuổi chưa phải là già, vẫn tích cực làm việc và tận hưởng cuộc sống

nhanquyen.co: Nhân cơ hội bà Huỳnh Bích Cẩm, Tổng Thư Ký kiêm Tổng Giám Đốc Hội Phụ Nữ Việt Úc (AVWA), được trao giải Người Úc Cao Niên Xuất Sắc Nhất Năm 2021 của tiểu bang Victoria (2021 Victoria Senior Australian Of The Year), báo Nhân Quyền có phỏng vấn về kinh nghiệm sống của bà xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Báo Nhân Quyền: Chúc mừng bà vừa được trao giải Người Úc Cao Niên Xuất Sắc Nhất Năm 2021 của tiểu bang Victoria và cũng chúc mừng sinh nhật thứ 80 của bà.

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Cách đây vài tuần, tôi được trao giải Người Úc Cao Niên Xuất Sắc Nhất Năm 2021 của Victoria, nó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống của mình, ở tuổi 80, tôi vẫn khỏe mạnh, làm việc toàn thời gian, một công việc đòi hỏi nhiều trách nhiệm nhưng đầy thích thú.

Tổng Thư Ký AVWA, Bà Huỳnh Bích Cẩm trong buổi Đại Hội Thường Niên của Hội Phụ Nữ Việt Úc lần thứ 37 được tổ chức vào ngày Thứ Sáu 30 tháng 10 năm 2020 trực tuyến qua Zoom.

Báo Nhân Quyền: Chúng tôi được biết gia đình bà là một trong vài gia đình người Việt tị nạn đầu tiên tại Victoria, xin bà cho biết qua về những khó khăn bước đầu định cư.

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Tháng 7/1975, tôi cùng với mẹ tôi, chồng và bốn con từ Nhật đến Melbourne. Chồng tôi là đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Nhật trước 30/4/1975.

Chúng tôi được Văn phòng Di trú Công giáo giúp đỡ, họ cho biết sẽ lo cho gia đình nhận trợ cấp xã hội, nhưng chồng tôi từ chối vì chúng tôi chưa làm được gì cho nước Úc.

Họ giải thích rằng chúng tôi sẽ phải nộp thuế ngay khi bắt đầu đi làm và lãnh lương, nhưng chồng tôi vẫn cương quyết từ chối xin trợ cấp và cho họ biết chúng tôi có tiền tiết kiệm để sống thời gian đầu nhưng chúng tôi cần kiếm việc làm càng sớm càng tốt.

Tôi cho họ biết tôi có bằng Cao Học Kinh tế của Đại học Cambridge, nhưng vì chồng tôi làm trong ngành ngoại giao tôi không được phép đi làm nên tôi chưa có kinh nghiệm làm việc, tôi sẵn sàng làm bất cứ công việc văn phòng nào nếu có ai nhận.

Ngay hôm sau, họ báo cho tôi biết một công ty kế toán sẵn sàng nhận tôi làm phụ tá kế toán.

Tôi nhận việc và bắt đầu đi làm đúng một tuần sau khi đến Melbourne, kể từ đó tôi làm nhiều việc khác, nhưng trong 45 năm qua chưa bao giờ thất nghiệp và tôi hiện vẫn tiếp tục làm việc toàn thời gian.

Nhưng chồng tôi mặc dù có bằng tiến sĩ ở Sorbonne (Đại Học Ba Lê), hơn 20 năm kinh nghiệm làm ngoại giao, thông thạo tiếng Anh và hiểu biết về văn hóa phương Tây, nhưng vẫn khó tìm được việc làm, phải đợi một thời gian mới có.

Bà Huỳnh Bích Cẩm, Tổng Thư Ký kiêm Tổng Giám Đốc Hội Phụ Nữ Việt Úc (AVWA) tại Văn phòng AVWA Richmond (2016).

Báo Nhân Quyền: Chúng tôi được biết ông bà là những người sáng lập Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria và tại Úc châu cấp liên bang.

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Chúng tôi hiểu được những khó khăn trong việc định cư, những hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa, cách cư xử, cách sử dụng dịch vụ xã hội, v.v. Nên khi Thủ tướng Malcolm Fraser thắng cử, Chính phủ Úc bắt đầu nhận thuyền nhân tị nạn, gia đình tôi cùng một số cựu sinh viên Việt Nam Cộng Hòa du học đã ngồi lại để thành lập Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do, người đến trước giúp người đến sau, Hội này là tiền thân Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria.

Với mục đích là vận động chính phủ Úc nhận thêm thuyền nhân từ các trại tị nạn Đông Nam Á, chúng tôi có lên thủ đô Canberra để họp và thành lập Liên Hội Ái Hữu người Việt Tự Do Úc Châu là tiền thân Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu.

Ban Quản Trị Hội Phụ Nữ Việt Úc 2019-2020, Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Bà Kat O’Reilly, Tổng thư ký kiêm Tổng Giám Đốc Bà Huỳnh Bích Cẩm, Giáo sư Vũ Thị Ngọc Trang, Thủ Quỹ Bà Vũ Thị Ngọc Yến, Phó Hội Trưởng Bà Nguyễn Thị Vinh và Hội trưởng Bà Trần-Đăng Thanh Khâm.

Báo Nhân Quyền: Thưa bà còn về Hội Phụ Nữ Tương Trợ Việt Úc?

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Ở Việt Nam, mọi thứ càng ngày càng tệ hại: quân nhân, công chức, giáo viên, nhà văn bị bắt đi “cải tạo”, gia đình họ bị đi “kinh tế mới”, người Việt gốc Hoa bị đánh “tư sản”, con em họ bị kỳ thị không được đi học, nên càng ngày càng nhiều người bỏ nước ra đi.

Khi đến Úc, người tị nạn đều có một lập trường chống cộng dứt khoát, nhiều tổ chức người Việt đã được thành lập với mục đích chính trị. Còn số tổ chức chăm lo cho an sinh của cộng đồng tị nạn thì gần như là không.

Cuối năm 1982, tôi có thảo luận với một số phụ nữ ý tưởng thành lập một tổ chức phi chính trị, nhằm mục đích cung cấp dịch vụ phúc lợi cho những ai có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Giữa tháng 1/1983, tôi và 16 phụ nữ họp mặt quyết định thành lập Hội Tương Trợ Phụ Nữ Việt Úc, sau đổi tên thành Hội Phụ Nữ Việt Úc hoạt động cho đến nay, đã được 38 năm.

Ngay năm đầu, Hội đã chính thức đăng bộ với chính phủ tiểu bang Victoria dưới hình thức vô vị lợi, chúng tôi hoạt động chủ yếu dựa vào tài trợ từ cả ba cấp chính quyền. Từ năm này qua năm khác, các dịch vụ của Hội ngày càng tăng cả về phẩm chất, phạm vi hoạt động, số lượng người nhận dịch vụ và sự đa dạng của các chương trình phục vụ.

Thu nhập của Hội liên tục gia tăng, trong năm tài khóa 2019-20 vừa qua, thu nhập là 16,2 triệu Úc kim với thặng dư 2,1 Úc kim, số nhân viên được trả lương đã hơn 200 người, làm việc tại 3 văn phòng và có rất nhiều nhân viên đến chăm sóc các bác cao niên ngay tại nhà của họ.

Với vai trò Tổng Giám Đốc và Tổng Thư Ký của Hội, trách nhiệm công việc rất nặng nhưng may mắn kể từ giữa năm 2004 khi tôi từ chức ở Bộ Giáo Dục và đảm nhận vai trò Tổng Giám Đốc, tôi chưa bao giờ phải nghỉ bệnh, mặc dù chồng tôi đã bị bệnh và trong khoảng mười năm tôi đã chăm sóc cho anh ấy.

Tháng 1/2018: Kỷ niệm 35 năm AVWA, Quốc Hội Victoria.

Báo Nhân Quyền: Như vậy bà có bí quyết hay kinh nghiệm gì để đến tuổi 80 vẫn hăng hái làm việc đóng góp phục vụ xã hội không?

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Nhân viên, bạn bè và gia đình ngạc nhiên về tình trạng sức khỏe của tôi, một số người ví tôi là “siêu nhân”. Nhưng ít người biết khi còn trẻ, còn đi học và ngay cả trước khi đến Úc sức khỏe của tôi phải nói là rất yếu.

Nhưng từ khi đến Úc đi làm rồi xây dựng Hội Phụ Nữ Việt Úc, có cơ hội trợ giúp đồng bào, tôi cảm thấy cuộc sống tích cực hơn, hạnh phúc hơn, yêu đời hơn.

Theo tôi sức khỏe không phải là định mệnh trời trao. Một cá nhân có thể được sinh ra với những yếu tố di truyền (gen) rất tốt và một thể chất mạnh mẽ, nhưng người đó có thể không khỏe mạnh do lạm dụng thuốc kích thích hay có những thói xấu không biết giữ gìn sức khỏe.

Tập luyện tinh thần, tập luyện thể lực, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, đừng quá lo âu sẽ ảnh hưởng tốt đến cuộc sống mỗi cá nhân. Nó không chỉ ngăn ngừa, mà còn có thể trì hoãn, đảo ngược hoặc thậm chí chữa khỏi một số bệnh tật như tiểu đường, suy nhược cơ, loãng xương, v.v.

Thánh Mahatma Gandhi có nói “Không ai có thể làm cho tôi tổn thương, nếu tôi không cho phép họ.” câu nói theo tôi mang cả hai ý nghĩa tổn thương thể xác lẫn tổn thương tinh thần.

Bà Huỳnh Bích Cẩm nhận giải thưởng Anzac năm 1986 từ Toàn Quyền Victoria Davis McCaughey.

Báo Nhân Quyền: Như vậy bà nghĩ sao về chính sách cho người cao niên tại Úc?

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác còn phổ biến khá rộng rãi. Thái độ tiêu cực đối với người lớn tuổi rõ ràng còn mạnh hơn định kiến đối với phụ nữ.

Không có quy định bắt buộc về tuổi nghỉ hưu ở Úc, nhưng các thẩm phán của Tối cao Pháp viện ở Mỹ được bổ nhiệm suốt đời, còn các thẩm phán của Tối cao Pháp viện ở Úc bắt buộc phải về hưu ở tuổi 70.

Định kiến tuổi tác còn phổ biến trong suy nghĩ của rất nhiều người lớn tuổi, họ nghĩ rằng họ đã quá tuổi học tập, rèn luyện sức mạnh hay tập thể dục dụng cụ (gym), thực tế là ai cũng có thể bắt đầu tập ở mọi lứa tuổi. Sự bất lực thường xuất hiện trong tâm trí của mỗi người chúng ta.

Mười năm trước, tôi giật mình khi một nhân viên nói muốn đề cử tôi nhận giải Người Úc Cao Niên Xuất Sắc. Lúc đó tôi chỉ mới 70 tuổi, tôi nghĩ tôi còn quá trẻ và cảm thấy mình không thích hợp.

Nhưng bây giờ, ở tuổi 80, tôi cảm thấy mình vừa đến tuổi cao niên dù rằng tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn tập thể dục đi bơi lội hằng ngày.

Mỗi người mỗi khác, nhưng tôi tin rằng tất cả những người cao niên chúng ta nên cố gắng hết sức để quan tâm đến bản thân, để có thể tận hưởng cuộc sống, giúp đỡ người khác, duy trì sự tự chủ và sự độc lập của mình, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, càng lâu càng tốt.

Tháng 12/2020: Tại địa điểm xây dựng văn phòng Springvale mới.

Báo Nhân Quyền: Xin cám ơn bà, nhờ bà tôi đã học hỏi được khá nhiều điều bổ ích, được biết sang tháng 1/2021 bà sẽ lên thủ đô Canberra để biết bà có được chọn là Người Úc Cao Niên Xuất Sắc Nhất Năm 2021 toàn quốc hay không, cầu chúc bà được trao giải này.

Bà Huỳnh Bích Cẩm: Cám ơn báo Nhân Quyền đã cho tôi có dịp để chia sẻ niềm vui và sự hãnh diện khi tôi được vinh danh. Đây cũng là niềm hãnh diện chung của cộng đồng người Việt tại Úc. Tôi cũng xin có lời cảm tạ đến cộng đồng Úc đã đón nhận và giúp đỡ người Việt chúng ta, và cảm ơn tất cả mọi thành viên của Hội Phụ Nữ Việt Úc và cộng đồng người Việt đã đồng hành trong suốt mấy thập niên qua. (NQ)