Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Châu Âu bắt đầu chương trình tiêm chủng xuyên biên giới quy mô chưa từng có

Chú thích ảnh
Cụ bà 101 tuổi Edith Kwoizalla sinh sống trong viện dưỡng lão Halberstadt trở thành người Đức đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Đức. Ảnh: AP

Theo hãng tin Reuters, ngày 26/12, Hungary và Slovakia là hai trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên khởi động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19. Dự kiến một ngày sau đó, các quốc gia khác gồm Pháp, Italy, Áo, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng tại nước mình.

Ở Đức, một số lượng nhỏ người cao tuổi tại một viện dưỡng lão đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 26/12 – một ngày trước khi quốc gia chính thức khởi động chương trình tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Một nữ nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Budapest, Hungary. Ảnh: Reuters

Tại Hungary, những nhân viên y tế tuyến đầu tại các bệnh viện ở thủ đô Budapest là nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 được hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech cùng phát triển. Lô hàng vaccine đầu tiên được gửi tới quốc gia này chỉ đủ liều để tiêm cho 4.875 người. Tính đến 12h ngày 27/12, Hungary ghi nhận 315.362 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.951 trường hợp tử vong. Trên 6.000 người mắc COVID-19 vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện.

“Chúng tôi rất vui vì đã có vaccine. Chúng tôi sẽ tiêm chủng vì tháng trước, con gái chúng tôi đã sinh con và chúng tôi muốn đến thăm cháu. Chúng tôi chưa dám đi đâu trước khi được tiêm vaccine”, ông bà Zsuzsa và Antal Takacs, cặp đôi ở độ tuổi 70 chia sẻ khi đang đi dạo tại một công viên Budapest.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Y tế Slovakia Marek Krajici tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngày 26/12. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tại Slovakia, anh Krcmery – một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là thành viên của Ủy ban Đại dịch của chính phủ – trở thành người đầu tiên tại quốc gia này được tiêm vaccine.

Pháp – quốc gia đã nhận lô vaccine của Pfizer/BioNTech đầu tiên vào ngày 26/12, sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng tại khu vực Paris mở rộng và vùng Burgundy-Franche-Comte.

“Chúng tôi có tổng cộng 19.500 liều, tương đương 3.900 lọ. Những liều thuốc này sẽ được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -80 độ C và sau đó sẽ được phân phối đến các viện dưỡng lão và bệnh viện khác nhau”, ông Franck Huet – trưởng bộ phận dược phẩm của hệ thống bệnh viện công Paris – cho biết.

Chính phủ Pháp hy vọng trong hai tháng đầu năm 2021, khoảng 1 triệu người tại các viện dưỡng lão sẽ được tiêm vaccine. Sau đó, từ tháng 3 đến tháng 6, con số sẽ được nâng lên thành 14-15 triệu người.

Trong 24 giờ ngày 26/12, Pháp chỉ ghi nhận thêm 3.093 ca mắc COVID-19. Đây được coi là con số giảm đáng kể so với trên 20.000 ca mắc/ngày trước đó. Tính đến 13h ngày 27/12 (giờ Việt Nam), Pháp ghi nhận tổng cộng trên 2,5 triệu người mắc COVID-19, đứng thứ 5 trên thế giới về tổng số ca mắc.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế cầm hộp dự trữ vaccine Pfizer/BioNTech tại Bệnh viện University ở Nitra, Slovakia, ngày 26/12. Ảnh: Reuters

Trong một diễn biến đáng lo ngại, Bộ trưởng Y tế Pháp ngày 25/12 thông báo một người đàn ông nhập cảnh từ Anh đã có kết quả dương tính với chủng mới của virus SARS-CoV-2. Tại Thụy Điển và Tây Ban Nha cũng ghi nhận ca bệnh đầu tiên nhiễm chủng mới của virus này.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa thông báo trên Twitter “Ngày mai (28/12), chương trình tiêm chủng sẽ được tiến hành tại Tây Ban Nha. Đây là khởi đầu cho sự chấm dứt đại dịch”. Những lô vaccine đầu tiên sẽ được đưa bằng đường hàng không đến các hòn đảo Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ Ceuta và Melilla ở Bắc Phi.

Chú thích ảnh
Bác sĩ tiêm vaccine cho một số người cao tuổi tại viện dưỡng lão Đức ngày 26/12. Ảnh: AP

Tại Đức, một cụ bà 101 tuổi sống tại viện dưỡng lão Halberstadt trở thành người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của quốc gia này. Theo dữ liệu của Viện Robert Koch công bố ngày 26/12, số ca mắc COVID-19 được xác nhận ở nước này là 1.627.103, trong đó có trên 29.000 trường hợp tử vong. Chính phủ liên bang nước này đang có kế hoạch phân phối trên 1,3 triệu liều vaccine cho các cơ quan y tế địa phương vào cuối năm nay và khoảng 700.000 liều/tuần kể từ tháng Một năm sau.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại bệnh viện UZ Leuven (Bỉ) ngày 26/12. Ảnh: AP

Tại Bồ Đào Nha, một chiếc xe tải được cảnh sát hộ tống đã đưa lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tới một nhà kho ở miền Trung đất nước. Từ đây, gần 10.000 liều vaccine sẽ được vận chuyển đến 5 bệnh viện lớn.

“Đó là một cột mốc lịch sử đối với tất cả chúng ta, một ngày quan trọng sau một năm đầy khó khăn. Cửa sổ hy vọng đã mở rộng. Tuy nhiên, đừng quên phía trước là cả một cuộc chiến đầy khó khăn”, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido nhấn mạnh với các phóng viên khi tới nhà kho thị sát quá trình vận chuyển. (BTT)