Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Người Hồi giáo lo có thành phần thịt lợn trong vắc-xin ngừa COVID-19

Gelatin, có nguồn gốc từ thịt lợn, thường được sử dụng phổ biến để làm chất ổn định, đảm bảo vắc-xin an toàn và hiệu quả trong quá trình bảo quản và vận chuyển.

Hồi tháng 10, các nhà ngoại giao và các giáo sĩ Hồi giáo Indonesia lên đường sang Trung Quốc. Trong khi các nhà ngoại giao đến đó để hoàn tất các thỏa thuận mua hàng triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho công dân Indonesia thì các giáo sĩ lại đặt ra một câu hỏi: Liệu vắc-xin ngừa COVID-19 có được phép sử dụng theo luật Hồi giáo hay không. Câu hỏi đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn chiến dịch tiêm chủng của một số quốc gia Hồi giáo.

Theo hãng tin AP, trong nhiều năm qua, một số công ty như công ty dược phẩm Thụy Sĩ Novartis hay AJ Pharma có trụ sở tại Saudi Arabia đã tìm cách phát triển loại vắc-xin không sử dụng gelatin – thành phần liên quan đến thịt lợn.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Salman Waqar – Tổng thư ký Y tế Hồi giáo Anh, do nhu cầu, hiện trạng chuỗi cung ứng, chi phí và thời gian sử dụng vắc-xin không chứa gelatin chỉ ngắn hạn nên thành phần này có khả năng tiếp tục được sử dụng trong phần lớn các loại vắc-xin.

Người phát ngôn của Pfizer, Moderna và AstraZeneca khẳng định gelatin làm từ lợn không nằm trong thành phần chế tạo vắc-xin ngừa COVID-19 của những công ty này. Song do nguồn cung hạn chế và các thỏa thuận đặt hàng trước trị giá hàng triệu USD với nhiều quốc gia lớn, một số nước với dân số phần lớn theo đạo Hồi giáo như Indoneisa sẽ phải mua những loại vắc-xin chưa được xác nhận không có gelatin.

Điều này đặt ra một tình thế khó xử đối với các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả người Do Thái và người Hồi giáo chính thống, những nhóm tôn giáo coi việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn là ô uế và thậm chí còn ban hành lệnh cấm đối với sản phẩm y học.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Harunor Rashid – Phó Giáo sư tại Đại học Sydney, phần lớn kết luận rút ra từ các cuộc tranh cãi liên quan đến sử dụng gelatin trong vắc-xin là cho phép người Hồi giáo được phép tiêm các loại vắc-xin này nếu xét về “nguy cơ to lớn hơn” trong trường hợp không tiêm.

“Theo luật Do Thái, việc cấm sử dụng thịt lợn chỉ được thực thi khi người đó ăn theo cách tự nhiên. Còn nếu mà các thành phần đó tiêm vào người chứ không ăn qua đường miệng, sẽ không có lệnh cấm và vấn đề gì ở đây hết, đặc biệt là khi chúng ta nói về bệnh tật”, Rabbi David Stav, Chủ tịch Tzohar – một tổ chức giáo sĩ ở Israel, lý giải.

Mặc dù vậy, vẫn có những ý kiến trái chiều liên quan đến vấn đề này nảy sinh tại Indonesia – quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới.

Vào năm 2018, Hội đồng Ulema Indonesia – cơ quan giáo sĩ Hồi giáo phụ trách cấp giấy chứng nhận halal (hợp pháp theo luật Hồi giáo) – đã ra quyết định cho rằng vắc-xin ngừa sởi và rubella là “haram” (bất hợp pháp) vì chứa gelatin. Các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng bắt đầu hối thúc cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng.

Rachel Howard – Giám đốc nhóm nghiên cứu thị trường chăm sóc sức khỏe Research Partnership – cho biết: “Các ca mắc bệnh sởi sau đó đã tăng đột biến, khiến Indonesia có tỷ lệ mắc bệnh sởi cao thứ ba trên thế giới. Các nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng một số người Hồi giáo ở Indonesia cảm thấy không thoải mái khi được tiêm vắc-xin có chứa gelatin”.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ các nước đã ban hành các quy định riêng biệt. Tại Malaysia, chính phủ nước này ra quy định nếu cha mẹ nào không đưa con đi tiêm chủng vì vấn đề tôn giáo sẽ bị phạt và ngồi tù. Tại Pakistan, các bậc phụ huynh cũng sẽ bị giam giữ nếu từ chối tiêm vắc-xin phòng bại liệt cho con.

Tại Indonesia, chính phủ nước này cho biết họ sẽ tham vấn ý kiến của cơ quan giáo sĩ Hồi giáo trong quá trình đặt mua và cấp giấy phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19. “Việc công khai về tình trạng hợp pháp theo luật Hồi giáo, giá cả, chất lượng và quá trình phân phối vắc-xin phải được chuẩn bị một cách tốt nhất”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố hồi tháng 10. (BTT)