LÊ PHÚ: TẠI SAO PHẢI KHỎA THÂN?
LTS: Đây là nơi gặp gỡ giao lưu văn hóa nghệ thuật của các tác giả với những tác phẩm ghi lại và truyền đạt những rung cảm chân thật của Tâm hồn mình trước những cảnh vật, trước những cái đẹp của Thiên nhiên hoa lá, của quê hương Việt Nam trong quá khứ và hiện đại, cũng như nơi xứ sở mà mình đang sống. Trước những nét đẹp cảm hóa từ tình thương yêu con người với con người. Mà sáng tạo lên những tác phẩm cho riêng mình và mong được truyền đạt những cảm hứng. Cảm xúc đó tới tha nhân. Như một lưu niệm, lưu bút cho hậu thế.
Nhân Quyền mong được đón nhận những tác phẩm tài hoa của các bạn khắp nơi. Hầu mong được tiếp vòng tay phổ biến rộng rãi tới độc giả bốn phương. Nhằm duy trì và phát huy truyền thống nền văn hóa nghệ thuật VN mãi mãi trường tồn nơi hải ngoại.
Các Tác phẩm xin gửi về địa chỉ email: [email protected]
Mob: 0468 567 836
*
Hình ảnh khỏa thân trong sáng tác nghệ thuật luôn là chủ đề rất nhạy cảm và thường gây tranh cãi từ giới thưởng ngoạn đến giới phê bình nghệ thuật…
Một thực tế là rất nhiều người bị dị ứng với hình ảnh khỏa thân, họ xem tranh, nhiếp ảnh, điêu khắc khỏa thân là thiếu lành mạnh, thiếu đạo đức…
Nên việc phổ biến loại nghệ thuật này đối với người Á Đông còn rất hạn chế vì chưa phân biệt được đâu là ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật…
Trong tác phẩm (The Thinker – Người suy tư) nổi tiếng thế giới của điêu khắc gia người Pháp Auguste Rodin. Chủ đề của tác phẩm này là nói lên sự SUY TƯ nhưng sao lại phải khỏa thân?
Trong trường hợp này, sự khỏa thân là cần thiết vì:
- Để không phân biệt giai cấp nhưng tôn vinh sự SUY TƯ, tư tưởng của bất cứ giai cấp nào, công nhân, bác sĩ, kỹ sư… vì trang phục có thể làm chúng ta nhận ra thành phần trong xã hội.
- Giúp tác phẩm vượt không gian và thời gian nên sẽ tồn tại lâu dài. Vì chính trang phục sẽ làm chúng ta nhận ra được thời gian, khoảng năm nào? cũng như chúng ta sẽ nhận ra không gian, địa điểm ở đâu, quốc gia nào…
- Thấy được sự cân đối giữa thể xác & tinh thần.
- Và đặc biệt không phân biệt chủng tộc để tránh kỳ thị sắc tộc…
Trong tác phẩm SỨC SỐNG (Vitality) của Lê Phú
Chủ đề chính là SỨC SỐNG nên sự khỏa thân này càng làm bật lên Sức Sống qua thân thể khỏe mạnh, cường tráng..
Và cũng giống như trên nhằm tôn vinh SỨC SỐNG và đáp ứng được những lợi điểm cần thiết như đã nêu bên trên.
Nhưng, đôi khi trong nghệ thuật lại cần sự nhấn mạnh đến cơ thể thật của con người để mọi người được chiêm ngưỡng một thiếu nữ thon thả, thánh thiện, những vận động viên Olympic với một thân hình vạm vỡ, một phụ nữ mập mạp, tay chân gân guốc của những người lao động nặng nhọc… trong một không gian và thời gian nhất định nào đó qua ý muốn diễn đạt của tác giả.
Chẳng hạn như một điêu khắc của Vua David do Michaelangelo điêu khắc với thân hình trai tráng cùng các bắp thịt thon gọn…
Các thiếu nữ tắm trong “The large bathers” của Renoir với thân hình tròn trịa của 1887, nét vẽ của Renoir hết sức tinh tế và gợi cảm hồn nhiên, toát lên vẻ đẹp trong sáng, tự nhiên và thánh thiện của thân hình người phụ nữ.
Đàn bà mập đang ngủ của họa sĩ Freud Lucien (cháu nội của nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud) được bán năm 2008 với giá £17.2 million…
Hay một Dreaming – mộng mơ (trên đá trắng) của Lê Phú.
Cũng như ở Vatican -Rome, nhà nguyện Sistine được xây khoảng thế kỷ thứ 15 duới quyền của Giáo Hoàng Giovani del Dolci, trong đó có nhà điêu khắc, họa sĩ Michaelangelo với nhiều hình vẽ khỏa thân với các thiên thần khỏa thân cùng những nguời bị phán xét ở ngày sau hết.
Tóm lại, trong nghệ thuật chúng ta cần sự rộng lượng và tìm ra cái hay, cái đẹp của thiên nhiên, của con người.
Từ thời cổ đại đến nay đề tài về nét đẹp của con người nói chung, đặc biệt là phụ nữ luôn tồn tại trong lịch sử nghệ thuật:
Đàn bà là kiệt tác của vũ trụ. (G. Ephraim Lessing – Triết gia người Đức)
Nếu Thượng đế sáng tạo ra người phụ nữ trước thì Người đã thôi không sinh ra các loài hoa. (Victor Hugo – nhà thơ, nhà văn Pháp nổi tiếng qua chuyện “Những kẻ khốn cùng – Les miserables)
Mong rằng chúng ta luôn biết thưởng thức và ngợi khen những nét đẹp tự nhiên mà Thượng Đế đã tạo riêng cho mỗi người trong chúng ta.
Thân mời các bạn thưởng thức nhạc phẩm:
“Tâm Hồn Em”
Tâm Hồn Em
Nhạc: Lê Phú
Thơ: Trịnh Hoàng Diệu
Ca sĩ: Kasim Hoàng Vũ
Em xinh tươi như cây trái đầu mùa,
em kỳ diệu như hoa quỳnh hóa kiếp,
em hướng thiện rạng ngời nhân ái,
em lung linh tỏa sáng khắp đất trời.
Em bao la rộn rã tiếng cười vui,
em rạng ngời âm thanh muôn sắc mầu,
em nhã nhặn dịu dàng vẽ kiêu sa,
em lộng lẫy với tâm hồn Việt Nam.
Em ung dung trong bóng mát dịu dàng,
em gieo hạt cho mầm non đơm trái,
em đã chọn ngày lành tháng tốt,
em yên vui trong bóng mát cuộc đời.
*
Vài nét phác họa về nghệ sĩ Lê Phú:
Điêu Khắc gia, Nhạc sĩ, họa sĩ đang hoạt động và sinh sống tại Melbourne, VIC, Úc Đại Lợi.
- Lê Phú sinh tại Nha Trang, Vietnam,
Cựu sinh viên Trường Chính Trị Kinh Doanh K10,Viện Đại Học ĐàLạt, Việt Nam.
Vượt biên đến Pulau Bidong sau 7 ngày lênh đênh trên biển cả … và định cư tại Melbourne từ 1981.
- Tốt nghiệp Kỹ sư Điện tại Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT).
Anh đã làm việc như một Kỹ sư viễn thông gần 20 năm
và tự học, tự làm điêu khắc, hội họa, sáng tác nhạc như những thú tiêu khiển từ nhiều năm tại Melbourne.
Anh là hội viên của:
- Hội điêu khắc Victoria (Association of Sculptors of Victoria (ASV)
- Hội nghệ thuật đương đại (Contemporary Art Society of Victoria Inc. (CAS)
- Từ 2002-đến nay: Vài cuộc triển lãm theo nhóm mỗi năm và vài triển lãm cá nhân. (Đạt giải Nhất điêu khắc năm 2007 và nhiều giải Danh Dự tại Melbourne).
- Trong sáng tác, con người và đặc biệt phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng cho hầu hết các sáng tạo điêu khắc cũng như hội họa–Anh đã tặng nhiều tác phẩm để đấu giá cho từ thiện…
- Trong sáng tác nhạc, với bút hiệu Lê Phú, anh chỉ muốn diễn đạt cảm xúc,thanh âm của riêng mình, qua thơ văn của bạn bè như một thú tiêu khiển để giải khuây và làm thăng hoa cuộc sống, anh đã sáng tác trên 100 ca khúc và đã ra mắt được 5 CD có tên là Nắng Mưa, Hồi Tưởng, Món qùa tình yêu, Nhạc khúc cuộc đời, Nhạc khúc cuộc đời 2…