Kháng sinh ngày càng mất tác dụng kể từ khi có đại dịch COVID-19
Vi khuẩn luôn tiến hóa và kháng sinh cũng luôn phải phát triển để có thể tiêu diệt vi khuẩn. Nhưng trong đại dịch COVID-19, cán cân dường như đang nghiêng về phía của vi khuẩn…
Kháng kháng sinh là tình trạng vi sinh vật tiến hóa, từ đó kháng lại thuốc kháng sinh và nhờn với các loại thuốc mà trước đây trị được chúng. Kết quả là thuốc kháng sinh giảm hay thậm chí mất hoàn toàn tác dụng.
Sử dụng thuốc quá tay là nguyên nhân điển hình dẫn đến vi khuẩn nhờn thuốc, nhưng kháng sinh lại chính là thuốc đầu tay của các bác sĩ trong điều trị nhiễm trùng. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, vai trò của kháng sinh đang mất dần khi tỷ lệ kháng kháng sinh đang gia tăng một cách chóng mặt.
Tại sao vi khuẩn lại tiến hóa trong đại dịch?
Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 2010 bệnh nhân COVID-19, các chuyên gia đã chỉ ra: chỉ có 8% các trường hợp là bị nhiễm đồng thời vi khuẩn hoặc nấm, nhưng có tới 72% số bệnh nhân được kê kháng sinh.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết có rất nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 dùng kháng sinh, dù không cần thiết. Phần lớn trong số đó là những người bệnh nhẹ, nhưng không bị viêm phổi hoặc chỉ bị viêm phổi nhẹ, cũng được kê thuốc kháng sinh. Điều này rất không hợp lý vì kháng sinh không có tác dụng ức chế hay tiêu diệt virus.
Không những vậy, số lượng người đến bệnh viện và số ca bệnh nội trú cũng tăng lên trong đại dịch, khiến nguy cơ vi khuẩn lây lan từ người sang người cũng tăng lên. Đáng chú ý là luôn có khả năng xuất hiện những bệnh nhân mang vi khuẩn đa kháng thuốc có sẵn trong bệnh viện.
Ví dụ như Pseudomonas aeruginosa, Mycobacterium tuberculosis là hai vi khuẩn đa kháng nổi tiếng “sát thủ”. Sự lây truyền chéo sẽ làm cho số ca mắc vi khuẩn kháng thuốc cao hơn, tạo nên một vòng luẩn quẩn không lối thoát cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
Tầm quan trọng của quản lý sử dụng kháng sinh
WHO đã đề xuất rằng hoạt động quản lý kháng sinh nên được tích hợp vào phản ứng đại dịch COVID-19 trên toàn hệ thống y tế rộng lớn thông qua 5 biện pháp:
- Nâng cao năng lực lâm sàng cho các nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 thông qua đào tạo có mục tiêu để ngăn ngừa chẩn đoán sai.
- Đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ y tế thiết yếu. Cung cấp thường xuyên các loại thuốc kháng sinh có chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng, kể cả thuốc và vaccine kháng virus và lao.
- Giảm thời gian quay vòng của xét nghiệm COVID-19 bằng cách cải tiến các phương pháp xét nghiệm và mở rộng các cơ sở xét nghiệm, đặc biệt đối với những bệnh nhân nghi ngờ, để giảm sự thôi thúc bắt đầu dùng kháng sinh.
- Thận trọng tối đa trong việc sử dụng các chất diệt khuẩn để khử trùng môi trường và cá nhân. Ưu tiên các chất diệt khuẩn không có hoặc ít làm tăng thêm nguy cơ kháng kháng sinh.
- Giải quyết những lỗ hổng trong nghiên cứu để đảm bảo rằng các hoạt động quản lý kháng sinh trở thành một phần không thể thiếu trong ứng phó với đại dịch và hơn thế nữa.
Tuy nhiên, theo Timothy Gauthier là người phụ trách Chương trình Quản lý Kháng sinh cho Baptist Health (Nam Florida) – một trong những triết lý chính của Gauthier là ý tưởng về “Quản lý thuốc kháng sinh” – thì đại dịch COVID-19 đã “đẩy các chương trình quản lý kháng sinh quay trở về vạch xuất phát”.
Điều này càng nghiêm trọng hơn khi các loại thuốc điều trị COVID-19 tiềm năng như phác đồ Hydroxychloroquine bị FDA và WHO ngăn trở, và liệu pháp huyết tương cũng như mới đây là thuốc điều trị huyết áp, thuốc đông máu vẫn đang “từ từ” FDA trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Tiến sĩ Gauthier nói: “Trong khi chúng tôi cần tập trung nỗ lực hướng tới việc điều trị bệnh nhân COVID-19 một cách hợp lý, chúng tôi cũng cần phải tiếp tục nỗ lực để đảm bảo việc sử dụng kháng sinh tối ưu”. (NTD)