Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

4 Yếu tố quyết định người đã tiêm vắc-xin có thể nhiễm COVID-19 hay không

Các nhà khoa học Anh vừa tiết lộ 4 yếu tố khi xem xét một người đã tiêm vắc-xin có thể nhiễm COVID-19 hay không.

Nhưng ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng đầy đủ, bạn vẫn có thể nhiễm COVID-19 vì không có vắc-xin nào hiệu quả 100%, theo các nhà khoa học.

Khoảng hai tuần sau liều thứ hai, khả năng bảo vệ của vắc-xin sẽ đạt mức cao nhất.

Các chuyên gia trước đây đã phát hiện ra ngay cả khi bạn không may mắc Covid-19 sau khi tiêm vắc-xin thì các triệu chứng sẽ ít nghiêm trọng hơn.

Các loại vắc-xin COVID-19 đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng do Covid-19 gây ra.

Một nghiên cứu trước đây đăng trên Lancet cho thấy khoảng 0.2% dân số Anh (1/500 người) bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm vắc-xin.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học East Anglia ở Norwich, Anh, cho biết có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến mức độ phản ứng của bạn với vắc-xin.

Viết trên The Conversation, giảng viên lâm sàng cao cấp, Vassilios Vassiliou, và các đồng nghiệp Ciaran Grafton-Clarke và Ranu Baral đến từ Đại học East Anglia đã tiết lộ bốn yếu tố khi xem xét một người tiêm vắc-xin có thể nhiễm COVID-19 hay không.

1. Loại vắc-xin

Có ba loại vắc-xin được triển khai tiêm chủng ở Anh và các chuyên gia cho biết điều quan trọng là khả năng ‘giảm nguy cơ tương đối’ của mỗi loại vắc-xin.

Họ giải thích: “Giảm nguy cơ tương đối là thước đo mức độ một loại vắc-xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 so với người không tiêm phòng.

“Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin Moderna làm giảm 94% nguy cơ mắc bệnh Covid-19 có triệu chứng, trong khi vắc-xin Pfizer làm giảm 95% nguy cơ này.

“Vắc-xin Johnson & Johnson và vắc-xin AstraZeneca hoạt động kém hơn, làm giảm lần lượt khoảng 66% và 70% nguy cơ mắc bệnh COVID-19 (mặc dù khả năng bảo vệ của vắc-xin AstraZeneca dường như tăng lên 81% nếu khoảng cách giữa các liều dài hơn)”.

2. Thời gian kể từ khi tiêm vắc-xin

Bạn có khả năng bảo vệ tốt nhất sau hai tuần kể từ lần tiêm vắc-xin thứ hai -nhưng một số nghiên cứu cho thấy hiệu quả có thể giảm dần theo thời gian. Đó là lý do tại sao các liều vắc-xin tăng cường sắp được triển khai trên khắp Vương quốc Anh.

Các chuyên gia Anh cho biết: “Nghiên cứu ban đầu, vẫn chưa được bình duyệt bởi các nhà khoa học khác, cho thấy khả năng bảo vệ của vắc-xin Pfizer sẽ giảm dần trong 6 tháng sau khi tiêm chủng.

“Một nghiên cứu khác chưa được bình duyệt từ Israel cũng cho thấy kết quả tương tự. Còn quá sớm để biết điều gì sẽ xảy ra với hiệu quả của vắc-xin sau sáu tháng ở những người đã tiêm hai liều, nhưng có khả năng sẽ giảm thêm”.

3. Các biến thể

Khi virus lưu hành lâu hơn, chúng sẽ đột biến -điều này là hoàn toàn bình thường.

Nhưng như chúng ta đã thấy với các biến thể Alpha và Delta, một số biến thể COVID-19 có thể lan truyền dễ dàng hơn trong cộng đồng.

“Khi đối mặt với biến thể Alpha, dữ liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho thấy rằng hai liều vắc-xin Pfizer có khả năng bảo vệ kém hơn một chút, giảm 93% nguy cơ mắc các triệu chứng Covid-19”, các nhà nghiên cứu viết.

“Đối với biến thể Delta, mức độ bảo vệ còn giảm hơn nữa, xuống còn 88%. Vắc-xin AstraZeneca cũng bị ảnh hưởng theo cách này”.

Các nghiên cứu và dữ liệu khác cũng chứng minh điều này. Các chuyên gia đứng đầu nghiên cứu Triệu chứng Covid của Anh nói rằng trong hai đến bốn tuần sau khi tiêm liều vắc-xin Pfizer thứ hai, mức độ bảo vệ là khoảng 87% đối với biến thể Delta. Sau 4-5 tháng, con số đó giảm xuống còn 77%.

4. Hệ miễn dịch

Lý do mà vắc-xin được ưu tiên cho người già và dễ bị tổn thương nhất ở Anh là vì họ thường có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Các chuyên gia giải thích: “Nguy cơ còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch của mỗi người và các yếu tố cụ thể khác (chẳng hạn như mức độ tiếp xúc của bạn với virus, điều này có thể được xác định bởi công việc của bạn).

“Khả năng miễn dịch thường giảm theo tuổi tác. Bệnh nền kéo dài cũng có thể làm giảm phản ứng của chúng ta với vắc-xin.

“Do đó, người lớn tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể có mức độ bảo vệ do vắc-xin Covid-19 thấp hơn hoặc khả năng bảo vệ suy yếu nhanh hơn”.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng hầu hết những người dễ bị tổn thương ở Anh đã được tiêm vắc-xin vào khoảng tám tháng trước – vì vậy hiệu quả bây giờ sẽ suy yếu -khiến họ dễ bị nhiễm Covid-19 hơn.

Các chuyên gia cho rằng nhu cầu tiêm liều vắc-xin tăng cường không nên bị hiểu theo hướng tiêu cực.

“Các quốc gia khác, bao gồm Pháp và Đức, đã lên kế hoạch cung cấp liều tăng cường cho các nhóm được cho là có nguy cơ cao hơn từ Covid-19”, các chuyên gia giải thích.

“Nhưng ngay cả khi liều tăng cường được sử dụng, điều này không có nghĩa là vắc-xin không hiệu quả. Và trong thời gian đó, điều cần thiết là phải tăng cường tiêm chủng cho tất cả những người đủ điều kiện mà chưa được tiêm chủng”. (T/H)