4 Điều bạn có thể làm mỗi ngày để khiến bản thân thông minh hơn
Chỉ số thông minh của bạn không phải là “tĩnh”. Việc kết hợp một vài thói quen trong ngày của bạn có thể cải thiện trí nhớ, chức năng nhận thức và trí thông minh.
Thói quen suy nghĩ, đời sống xã hội và đồ uống yêu thích đều có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Bạn có bao giờ tự hỏi liệu có cách nào có thể giúp cải thiện trí nhớ và làm cho mình thông minh hơn không? Câu trả lời là: Có thể. Chỉ số thông minh của bạn không phải là bất biến và việc kết hợp một vài thói quen trong ngày có thể cải thiện trí thông minh của bạn.
Các trò chơi trí óc có thể rất thú vị, nhưng chúng không có tác dụng nhiều để giúp bạn thông minh hơn hoặc khiến bạn duy trì sự tích cực trong tâm trí. Thay vào đó, hãy thử một số cách đã được chứng minh và công bố trên tạp chí Bel Marra Health dưới đây:
1. Hãy tin rằng bạn có thể trở nên thông minh hơn
Việc tin rằng bạn có thể trở nên thông minh hơn rất quan trọng. Điều này không chỉ là cảm tính mà đã được các nghiên cứu khẳng định. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development vào năm 2007 chỉ ra rằng những học sinh nói rằng họ có thể trở nên thông minh hơn đáng kể so với nhóm học sinh không có ý niệm này.
Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, theo tài liệu nghiên cứu, nhóm học sinh tin rằng họ có thể trở nên thông minh hơn đã ghi nhớ 85% những gì họ được cho xem, trong khi nhóm học sinh còn lại chỉ nhớ được 54% số này.
Rất có thể não bộ tiếp nhận các tín hiệu từ niềm tin, vì vậy việc thích ứng và phối hợp với cơ chế này sẽ giúp chúng ta thu được những hiệu quả tuyệt vời.
2. Giao tiếp xã hội
Trò chuyện với bạn bè và gia đình cũng là một cách tuyệt vời giúp ích cho trí nhớ. Nói chuyện qua điện thoại hoặc sử dụng trò chuyện video có thể cung cấp một số thông tin liên lạc rất quan trọng.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Health của Mỹ năm 2008 đã theo dõi những người tham gia từ năm 1998 đến năm 2004 và phát hiện ra rằng những người có mức độ tương tác xã hội cao hơn đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra khả năng duy trì trí nhớ được thực hiện trong khoảng thời gian 2 năm.
Điều thú vị là những gì bạn đang nói không quan trọng — chỉ là bạn đang tham gia vào một cuộc đối thoại qua lại với những người khác.
Lợi ích này khó có thể xảy ra với việc sử dụng chat hay mạng xã hội. Thay vào đó, hãy tăng cường việc giao tiếp trực tiếp và hai chiều.
3. Tập thể dục
Tập thể dục hàng ngày cũng có thể giúp tăng cường trí nhớ và trí thông minh tổng thể. Bằng chứng về điều này được ghi trong một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Georgetown công bố trên Tạp chí Khoa học thần kinh năm 2012. Kết luận rằng tập thể dục làm tăng yếu tố bồi dưỡng thần kinh (BDNF), thúc đẩy sự phát triển và hình thành các tế bào thần kinh mới.
Một nghiên cứu gần đây hơn được công bố trên Tạp chí Ageing Research Reviews vào năm 2018 cho thấy rằng “mối liên hệ được đề xuất giữa BDNF, tập thể dục và nhận thức có thể có ý nghĩa điều trị quan trọng đối với việc ngăn ngừa và cải thiện chứng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức trong bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ liên quan.”
4. Sử dụng hợp lý trà và cà phê
Tiêu thụ cà phê hàng ngày cũng có thể tăng cường sự tập trung và cải thiện trí nhớ dài hạn. Điều này hoạt động nhờ tác dụng của caffeine trong việc kích thích và giải phóng dopamine và norepinephrine đồng thời ngăn chặn adenosine.
Tuy nhiên, lưu ý là việc sử dụng các sản phẩm này vào buổi chiều và buổi tối có thể mang tới những tác dụng ngược lại. Chẳng hạn, việc sử dụng vào buổi tối có thể khiến bạn khó ngủ, điều này có thể dẫn đến các vấn đề nhận thức khác và phá hoại mọi nỗ lực của bạn để trở nên thông minh hơn.
Cuối cùng, dù bất kể bạn đang ở độ tuổi nào, hãy luôn duy trì một thói quen sinh hoạt khoa học và điều độ để giữ cho bộ não của mình nhạy bén, sáng tạo và luôn khỏe mạnh. (T/T)