Tuesday, December 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

116 nước cùng Úc thúc đẩy điều tra về nguồn gốc đại dịch

54 Nước châu Phi gia nhập nhóm ủng hộ Canberra trước thềm cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới, dù việc kêu gọi điều tra đã gây ra rạn nứt trong quan hệ giữa Úc và Trung Quốc.

Việc Úc kêu gọi điều tra về đại dịch virus corona trước đó đã nhận được sự tán đồng của 62 nước khác, bao gồm 27 nước Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Canada, Indonesia, Mexico, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… theo AAP.

Dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) kêu gọi đánh giá toàn diện, độc lập và công bằng về phản ứng của quốc tế trước đại dịch.

Thủ tướng Australia Scott Morrison duy trì lập trường về việc điều tra dịch bệnh, việc đã gây ra rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: AAP.

Dự thảo không nhắc đến Trung Quốc nhưng việc Canberra thúc đẩy điều tra đã khiến nước này tức giận và Bắc Kinh đe dọa áp thuế rất cao đối với lúa mạch, cũng như tạm ngừng nhập khẩu thịt bò từ Úc.

WHA, cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự kiến tổ chức cuộc họp trực tuyến vào ngày 18/5. Việc biểu quyết đối với dự thảo kêu gọi điều tra dự kiến diễn ra vào sáng 19/5.

Bộ trưởng Nông nghiệp Úc David Littleproud nói cuộc điều tra là để xác định những bài học thế giới có thể rút ra từ đại dịch.

“Đó là điều đúng đắn để làm khi 300.000 người đã thiệt mạng trên toàn thế giới”, ông nói với ABC hôm 18/5.

Ông Littleproud nói đồng cấp Trung Quốc của ông đã cho biết sẽ không thảo luận về các vấn đề thương mại trong tương lai gần.

Úc cũng không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc áp thuế 80% đối với lúa mạch.

“Chúng tôi sẽ khởi kiện thay mặt cho các nhà xuất khẩu Úc”, ông Littleproud nói. “Nếu những người chúng tôi sẽ kiện không hiểu chuyện, chúng tôi sẽ đưa họ ra (tòa) trọng tài để họ hiểu chuyện”.

Thủ tướng Úc trước đó nói việc thúc đẩy điều tra về nguồn gốc virus corona là hoàn toàn bình thường. Song Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ trích các nhà lập pháp nước ngoài chính trị hóa dịch bệnh.

Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã nhắc đến viễn cảnh người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hòa Úc vì kêu gọi điều tra. Sau đó, Bắc Kinh cũng đe dọa áp thuế với lúa mạch, trong khi 4 công ty giết mổ lớn của Úc cũng bị buộc ngừng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc. (Z/N)