Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

10 Cách hay giúp con trẻ giảm căng thẳng do đại dịch

Các bậc phụ huynh đang phải đối phó những đòi hỏi rất lớn về thời gian và sức lực khi con trẻ không đến trường hoặc không tham gia các hoạt động thường lệ. Khi đại dịch tiếp tục tàn phá các gia đình, các thói quen đã bị phá vỡ, sự kiên nhẫn ngày càng giảm và việc chăm sóc cho bản thân là một ký ức xa vời.

Nhiều thập kỷ nghiên cứu đã cho chúng ta thấy rằng nghịch cảnh trong  thời thơ ấu có những tác hại đến sức khỏe và sự phát triển. Các  nghiên cứu cũng cho biết những trẻ em từng bị lạm dụng, bị bỏ rơi và có xung đột gia đình thường gặp khó khăn trong việc kết bạn, trong học tập và phải  đối mặt với  các vấn đề sức khỏe tâm lý ở tuổi vị thành niên và khi trưởng thành.

May mắn thay, các khoa học gia về phát triển trẻ em đã xác định được những phương cách giúp trẻ em tồn tại và vươn lên trong thời kỳ nghịch cảnh. Những tác động có lợi của trải nghiệm che chở và nuôi dưỡng chính là liều thuốc giải độc mạnh mẽ  cho căng thẳng và nghịch cảnh, đồng thời chuẩn bị cho bọn trẻ có thể  dễ dàng đối diện  với các khó khăn trong nhiều năm tới.

Các gia đình lo lắng về những ảnh hưởng lâu dài có thể gây ra do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch có thể học hỏi từ 10 sách lược đã được chứng minh dưới đây.

Cách giúp trẻ giảm căng thẳng
Tuổi thơ là những tháng ngày rong chơi khám phá thế giới cùng bạn bè, nhưng trong thời đại dịch thì cần có thêm sự trợ giúp của cha mẹ. (Ảnh: Alex Sipeta/Shutterstock)

1. Kết nối với nhau

Dành trọn vẹn một khoảng thời gian để lắng nghe, trò chuyện và vui chơi cùng trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng chúng được yêu thương vô điều kiện. Sự kết nối này có thể tận dụng cả khi cha mẹ dùng gian nghỉ lúc làm việc tại nhà để kiểm tra việc học tập trong ngày của trẻ, tạo một thói quen đặc biệt trước giờ ngủ sẽ trò chuyện về những việc xảy ra trong ngày, cùng nhau đi bộ, hoặc chơi các trò chơi ưa thích. Nỗ lực kết nối này  giúp trẻ nhận biết mình được coi trọng và tạo cảm giác an toàn

2. Hỗ trợ trẻ trong việc kết bạn 

Hãy nghĩ cách để bọn trẻ có thể chơi cùng nhau ngoài trời, trò chuyện qua ứng dụng công nghệ, hoặc chơi trò chơi điện tử với bạn bè qua mạng. Một số gia đình tạo ra các khu vực an toàn, nơi họ cho phép trẻ em chọn một hoặc hai người bạn thân mà chúng có thể gần gũi vui đùa. Duy trì tình bạn giúp trẻ có cơ hội học hỏi lẫn nhau, giảm căng thẳng, cho trẻ sự hỗ trợ  và vững tin.

3. Dạy trẻ cách giúp đỡ những người khác

Kể cho trẻ biết về việc những người khác cũng đang gặp khó khăn như thế nào. Khuyến khích trẻ quyên góp những món đồ chơi không còn dùng đến, tiết kiệm tiền cho một mục đích đặc biệt hoặc giúp người hàng xóm những việc nhỏ như mua sắm, đưa thư,cùng làm vườn hoặc dắt chó đi dạo. Khi bạn thực hiện các công việc giúp đỡ những người khác trong cộng đồng hãy cho trẻ cùng tham gia và nói về lý do tại sao nên làm điều đó. Việc này giúp trẻ hiểu và nuôi dưỡng sự đồng cảm.

4. Giúp trẻ tham gia vào các câu lạc bộ hoặc các nhóm

Một số nhóm hoạt động  khá tốt trong thời kỳ đại dịch bao gồm: Phong trào Hướng đạo, câu lạc bộ Zoom và các câu lạc bộ thể thao ngoài trời, câu cá, đi bộ đường dài hoặc đi xe đạp. Trở thành một thành viên của một nhóm sẽ giúp trẻ cảm thấy thân thuộc và thúc đẩy sự phát triển bản sắc. Nó cũng có thể giúp xây dựng đạo đức, giá trị nhân văn và thậm chí là nâng cao thành tích trong học tập.

5. Giữ liên lạc với những người lớn quan trọng

Trẻ em nhận được ích lợi từ các mối quan hệ với người lớn, chẳng hạn như ông bà và giáo viên. Họ có thể là một nguồn hỗ trợ khác và là người để trò chuyện về những vấn đề khó khăn hoặc thành công. Họ đặc biệt quan trọng khi cha mẹ vắng mặt do công việc hoặc các nghĩa vụ khác. Hãy giúp trẻ giữ các mối quan hệ thông qua Zoom, email, điện thoại, FaceTime và các hoạt động đặc biệt như các sự kiện ngoài trời. Một số nhóm truyền thông xã hội có các chương trình nhắm mục tiêu để liên kết trẻ em với những người khác để tham gia trò chơi hoặc trò chuyện.

Cách giúp trẻ giảm căng thẳng
Thường xuyên giữ liên lạc với những người lớn quan trọng trong gia đình. (Ảnh: Shutterstock)

6. Duy trì các sở thích

Buồn chán là kẻ thù tồi tệ nhất. Nếu có được một sở thích thú vị thì đó một việc bổ ích cho trẻ; nó sẽ cho trẻ thời gian giải trí hấp dẫn và cơ hội để thành thạo một việc gì đó. Những hoạt động như vậy cho trẻ sự kết nối với người khác, còn có thể dạy trẻ tính kỷ luật cách quản lý cảm xúc và hành vi của mình, đồng thời trau dồi lòng tự trọng. Khám phá các môn nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, viết lách, cờ vua và các sở thích khác giúp trẻ phát triển các kỹ năng thể chất, nghệ thuật và trí tuệ đồng thời mang lại những giờ phút vui vẻ.

7. Hoạt động thể chất

Hãy để việc tập thể dục thành một phần thói quen của gia đình. Đi bộ hoặc đi xe đạp, chơi các trò chơi điện tử năng động như Wii, dạo chơi trong công viên, hoặc cùng nhau tập yoga. Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích tương tự các sở thích khác. Nó cũng giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, cải thiện tâm trạng và nâng cao sức khỏe tinh thần.

8. Tạo thói quen

Thói quen hằng ngày là một tín hiệu phi ngôn ngữ mạnh mẽ gửi đến não bộ của trẻ, giúp trẻ biết trước được các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày. Duy trì một thời gian biểu có thể giảm bớt một số xung đột, trẻ dễ dàng  nhận biết cần phải làm gì vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Tốt nhất là cùng nhau lập và chia sẻ lịch trình hàng ngày hoặc hàng tuần với các từ hoặc hình ảnh để nhắc nhở trẻ khi các hoạt động học tập, vui chơi, nghỉ ngơi, ngủ và ăn uống diễn ra. Phát minh ra những nghi thức nhỏ nhằm mang lại thư giãn cũng như giúp hoàn thành mục tiêu, đặc biệt là trước khi đi ngủ: đọc, kể chuyện, hát một bài hát ý nghĩa, cầu nguyện hoặc kể tên những người thân yêu. Những hoạt động như vậy giúp trẻ ngủ ngon hơn so với việc cho phép trẻ xem video. Trẻ em có thể kháng lại nếu chúng đã quen với thời biểu lỏng lẻo hơn trong ngày, nhưng hầu hết chúng sẽ vui vẻ khi dự đoán được điều gì sẽ diễn ra.

9. Giữ kỳ vọng thực tế trong học tập

Việc  đến trường học của trẻ rất khác nhau trong thời kỳ đại dịch, một số hầu như không bị ảnh hưởng và một số khác học hoàn toàn ở nhà. Học qua mạng đòi hỏi phụ huynh phải tham gia nhiều hơn trước đây: theo dõi bài tập, kiểm tra trong ngày và sẵn sàng giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn.

Mặc dù bài tập ở trường thực sự quan trọng, nhưng không phải tất cả việc học hỏi đều diễn ra trên lớp. Cho trẻ tham gia vào các cơ hội học hỏi trong các công việc hàng ngày như nấu ăn (đo lường, tính toán thời gian), làm vườn, mua sắm (tính toán giá bán, làm toán cộng) và các trò chơi (thẻ bài, domino, các trò chơi bảng/cờ) để củng cố trí nhớ và kỹ năng tư duy.

Đọc sách cho trẻ mỗi ngày. Tùy thuộc vào cấp độ của cuốn sách, bạn có thể đọc cho trẻ nghe hoặc thay phiên nhau cùng đọc.

Cách giúp trẻ giảm căng thẳng
Hãy đọc sách cho trẻ mỗi ngày. (Ảnh: Pxhere)

10. Duy trì một ngôi nhà  khỏe mạnh và an toàn

Ngoài việc duy trì các biện pháp phòng ngừa COVID-19, hãy chuẩn bị các bữa ăn bổ dưỡng, tiết chế và sắp xếp đồ chơi, trò chơi, các dụng cụ yêu thích và tài liệu học tập. Tìm cách để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn, sắp xếp không gian làm việc và vui chơi, dọn dẹp sau các hoạt động và chia sẻ trong các cuộc trò chuyện về các quy tắc trong gia đình. Sự bề bộn và lộn xộn là kẻ thù của sự yên tĩnh. Tạo không gian an toàn và có trật tự giúp trẻ quản lý căng thẳng. Ăn các thức ăn tốt cho sức khỏe đều có lợi cho cả thể chất lẫn tinh thần.

11. Nuôi dạy con cái trong thời COVID

Nhiều bậc cha mẹ đương nhiên làm được những điều được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, với sự gia tăng căng thẳng và nhu cầu về thời gian, những hoạt động này khó có thể được duy trì. Bây giờ là thời điểm tốt để chọn một vài trong số các sách lược này và trở lại đúng quy trình.

Mỗi gia đình đều khác nhau, và để chọn ra những gì cho phù hợp còn tùy theo lứa tuổi của trẻ, tùy ở độ tuổi trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, trẻ ở độ tuổi đi học hay thanh thiếu niên và thanh niên. Hãy điều chỉnh cho phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh, những phương pháp đã được thực nghiệm này có thể giúp các bạn trẻ vượt qua thời gian khó khăn và trở nên tốt hơn. (ETV)