Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

1/5 Dân số thế giới sẽ phải chờ vắc-xin COVID-19 tới năm 2022

Ít nhất 1/5 dân số thế giới có thể không được tiếp cận với vắc-xin COVID-19 cho đến năm 2022.

Dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y tế Cộng đồng Bloomberg Johns Hopkins, hãng tin AFP đưa tin các quốc gia giàu có – chiếm 14% dân số toàn thế giới –  đã đặt hàng hơn nửa số vắc-xin sản xuất trong năm tới.

Chú thích ảnh
Y tá tại Florida được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech sau khi loại vắc-xin này được cấp phép sử dụng. Ảnh: AP

Với hy vọng vắc-xin ngừa COVID-19 có thể chấm dứt đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,6 triệu người, các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng hàng loạt.

Mong muốn tăng cơ hội tiếp cận với ít nhất một trong số hàng chục loại vắc-xin đang được phát triển, nhiều quốc gia đã đặt hàng các loại vắc-xin khác nhau. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng những quốc gia nghèo hơn sẽ bị bỏ rơi trong cuộc chạy đua tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 này.

Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 chiếm 1/5 tổng số ca mắc trên toàn cầu được cho là đặt trước 800 triệu liều vắc-xin. Trong khi đó, 3 quốc gia gồm Nhật Bản, Australia và Canada đã đặt hàng trước tổng cộng hơn một tỷ liều, mặc dù số ca mắc tại các nước này chỉ chiếm gần 1% số ca toàn cầu.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh vào ngày 15/12, vài ngày trước khi COVAX, sáng kiến toàn cầu về phân phối công bằng vắc-xin ngừa COVID-19, thông báo họ sẽ bảo đảm phân phối gần 2 tỷ liều vắc-xin tới các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 190 quốc gia tham gia sẽ được “tiếp cận vắc-xin trong nửa đầu năm 2021, với các đợt giao hàng đầu tiên dự kiến bắt đầu vào quý I năm 2021”.

Chương trình này đã đăng ký với các nhà phát triển vắc-xin bao gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson và Viện Serum Ấn Độ. Các cuộc đàm phán vẫn đang được triển khai với các công ty dược phẩm khác, bao gồm Moderna và Pfzier-BioNTech.

Nghiên cứu cũng chỉ ra chiến lược của các quốc gia nhằm đa dạng nguồn cung vắc-xin. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và Canada đã đặt hàng với ít nhất 6 hãng sản xuất khác nhau, trong khi Nhật Bản đặt hàng từ ít nhất 4 hãng và Brazil đặt hàng từ ít nhất 3 hãng.

Giá thuốc và nhiệt độ bảo quản vắc-xin cũng là một vấn đề cần cân nhắc. Hơn 40% các đơn đặt hàng trước từ các nước giàu liên quan tới vắc-xin do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển, vốn có thể bảo quản trong tủ lạnh và có giá rẻ nhất.

Chỉ các nước giàu mới có thể đặt hàng các vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna. Hai loại vắc-xin này sử dụng công nghệ di truyền tiên tiến và có tỷ lệ hiệu quả hơn 90% song chúng đắt hơn nhiều so với thuốc Oxford và cần được bảo quản trong nhiệt độ siêu thấp. (BTT)