Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

1/4 CỬ NHÂN ÚC THẤT NGHIỆP: Tại sao chúng ta lâm vào hoàn cảnh này?

Nhờ cải cách chính sách giáo dục của chính phủ trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ lao động trình độ đại học tăng cao. Tuy nhiên, kéo theo đó là tỷ lệ không nhỏ tân cử nhân thất nghiệp.

Hơn 30 năm trước, Chính phủ đã ban hành kế hoạch mở rộng giáo dục đại học tới người dân. Theo đó, mọi công dân đều có quyền tiếp cận giáo dục đại học bình đẳng và đại học là ưu tiên của nhiều học sinh phổ thông.

Tại trường đại học, nhiều khoá học là miễn phí đồng thời sinh viên có thể vay học phí đại học.

Các cải cách phần nào đã thu về kết quả nhất định. Lượng sinh viên trải đều, bao gồm các nhóm đối tượng yếu thế như phụ nữ, sinh viên khuyết tật, sinh viên bản địa, sinh viên đến từ các gia đình thu nhập thấp, sinh viên vùng sâu vùng xa, sinh viên không nói tiếng Anh.

Năm 2019, hơn 300,000 sinh viên Úc tốt nghiệp đại học, tham gia nhóm lao động trình độ cao trong thị trường nghề nghiệp. Tháng 2/2020, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 35.13% lực lượng lao động. Tuy nhiên, số người thất nghiệp có bằng cấp cũng tăng. Ước tính, cứ 4 người thất nghiệp thì có một người sở hữu bằng đại học trở lên.

Thống kê của chính phủ cho thấy tháng 5/2019, hơn 690,000 người đang thất nghiệp nhưng gần 130,000 người trong nhóm này (tương đương 18.7%) có bằng cấp. Đến tháng 11/2020, tỷ lệ thất nghiệp có trình độ đại học đã tăng lên 23.29%.

Nhiều chuyên gia cho rằng Covid-19 đã tác động xấu lên thị trường việc làm. Tuy nhiên, trước đại dịch, số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học đã gặp khó khăn khi tìm việc làm toàn thời gian. Năm 2016, 27.4% tân cử nhân thất nghiệp hoặc không có việc làm toàn thời gian sau 4 tháng kể từ khi tốt nghiệp đại học.

Các chuyên gia đánh giá số lượng người có bằng cấp càng tăng thì lực lượng lao động có tay nghề cao càng lớn. Theo thời gian, thị trường lao động sẽ chuyên nghiệp hơn, các nhà tuyển dụng cũng yêu cầu cao hơn. Vì thế, cuộc cạnh tranh vị trí việc làm giữa những người cùng bằng cấp sẽ gay gắt.

Nhìn nhận những vấn đề khó khăn trước mắt, các tân cử nhân cần giữ thái độ quyết tâm, kiên cường và linh hoạt thích nghi với thị trường lao động đầy biến động.

Trong thời gian học tập, các em cần trau dồi, tích luỹ kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ. Tân cử nhân sẽ phải tận dụng mọi cơ hội, mạng lưới tìm kiếm việc làm do các trường đại học, cựu sinh viên cung cấp để tìm được công việc phù hợp.

Bên cạnh đó, không ít sinh viên tốt nghiệp đại học lựa chọn học tiếp các chương trình sau đại học. Tính đến tháng 1/2021, tỷ lệ đăng ký học cao học trên toàn quốc đã tăng vọt tới 26%. Dự kiến, con số này vẫn sẽ tăng khi thị trường việc làm hồi phục sau suy thoái do Covid-19.

Giáo sư Andrew Norton, làm việc tại Trường Đại học Quốc gia  cho biết: “Trong thời kỳ suy thoái, nhiều người tìm đến giáo dục hơn là tìm việc làm. Thực tế những người có trình độ sau đại học thường nhận được các công việc tốt hơn người chỉ có bằng cử nhân, bất kể mọi lĩnh vực”.

Không chỉ tân cử nhân, nhiều người lao động cũng đăng ký học cao học để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Elizabeth Rose, sống tại tiểu bang NSW, 60 tuổi, đã nhiều năm làm nghề cố vấn.

Bà nhận thấy tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng do ảnh hưởng của Covid-19 và bác sĩ tâm lý có thể là ngành “hái ra tiền” trong thời điểm này. Để tăng thu nhập và cơ hội tìm việc làm, Rose lựa chọn phương án học thạc sĩ.

“Tôi muốn làm việc năng suất hơn. Tuổi tác không phải rào cản để tôi thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của mình”, Rose cho biết. (GDTD theo The Conversation)