1/100,000 người gặp phản ứng nghiêm trọng vắc-xin Pfizer
Nếu so sánh, các vắc-xin ngừa cúm gây ra 1.3 ca dị ứng trên tổng số 1 triệu liều tiêm thì tỷ lệ bị sốc mẫn cảm đối với vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer cao hơn khoảng 10 lần.
Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 6/1 cho biết khoảng 1/100,000 người được thử nghiệm vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do Pfizer và BioNTech phối hợp bào chế, đã bị sốc mẫn cảm nặng. Tuy nhiên, CDC khẳng định các lợi ích miễn dịch lớn hơn nhiều so với các nguy cơ tác dụng phụ.
Số liệu của CDC cho thấy 21 trường hợp sốc mẫn cảm sau khi được tiêm vắc-xin thử nghiệm trong số 1,893,360 liều tiêm từ ngày 14-23/12/2020, tương đương với trung bình 11.1 ca dị ứng trên 1 triệu liều tiêm.
Nếu so sánh, các vắc-xin ngừa cúm gây ra 1.3 ca dị ứng trên tổng số 1 triệu liều tiêm thì tỷ lệ bị sốc mẫn cảm đối với vắc-xin của Pfizer cao hơn khoảng 10 lần.
Các triệu chứng sốc mẫn cảm bao gồm phát ban, nổi mề đay, phồng lưỡi, khó thở, khản giọng, rộp môi, buồn nôn và khô cổ.
Một quan chức cấp cao của CDC, bà Nancy Messonnier cho biết các ca dị ứng vẫn “đặc biệt hiếm” và việc tiêm vắc-xin vẫn đem lại lợi ích cho nhiều người, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang gây ra những mối nguy hiểm lớn hơn đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, bà Messonnier nhấn mạnh rằng chúng ta đã biết cách xử lý bệnh dị ứng và có cung cấp thuốc chữa tại nơi tiêm chủng.
Theo nghiên cứu của CDC, 21 ca dị ứng nói trên trong độ tuổi từ 27-60 và đều đã được điều trị bằng epinephrine. Cụ thể, 19 ca (tức 90%) xảy ra ở phụ nữ. Thời gian xuất hiện triệu chứng sốc mẫn cảm trung bình là 13 phút, nhưng có thể sớm hơn từ 2 phút sau khi tiêm hoặc muộn hơn tới 150 phút. 4 ca (tức 19%) đã nhập viện, trong đó có 3 ca phải điều trị tích cực.
17 ca (tức 81%) được điều trị tại một cơ sở y tế khẩn cấp. Hiện chỉ còn một ca đang nằm viện, còn lại đều đã được xuất viện trong thời gian nghiên cứu, không có ca tử vong.
Hiện Mỹ đã cấp phép cho hai vắc-xin sử dụng khẩn cấp, một của Pfizer và một của Moderna. Cả hai loại này đều dựa trên công nghệ mRNA tân tiến hiện nay.
Nhà chức trách đã ra cảnh báo đối với cả hai, đồng thời khuyến cáo những người có lịch sử dị ứng với các thành phần của vắc-xin không nên đi tiêm. Người nào có phản ứng nặng sau liều đầu tiên cũng được khuyên không nên tiêm liều thứ hai. Mỹ đang tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân dẫn đến dị ứng.
Chưa có đủ dữ liệu để xác định tỷ lệ sốc mẫn cảm đối với vắc-xin của Moderna, cũng như liệu có sự khác biệt nào đáng kể giữa hai loại vắc-xin này hay không. Giả định ban đầu về các phản ứng này là sự hiện diện của dung môi PEG, vốn chưa từng được sử dụng trong một vắc-xin được phê chuẩn dù xuất hiện trong các sản phẩm thông thường như thuốc nhuận tràng, xà phòng, kem đánh răng.
Cả vắc-xin của Pfizer và Moderna đều sử dụng các tế bào PEG làm vỏ bọc bảo vệ các thành phần chính./. (VN+)