Friday, December 20, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Yêu cầu bên thứ ba đánh giá độc lập về vắc-xin của AstraZeneca

Anh đã yêu cầu Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) thẩm định về vắc-xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của công ty AstraZeneca trước khi đưa ra quyết định về cấp phép lưu hành sản phẩm này.  

Đây là loại vắc-xin vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm sau cùng và được đánh giá đạt hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 lên tới 90%. 

Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, chính phủ nước này đã giao cho MHRA đánh giá về vắc-xin của AstraZeneca, qua đó cung cấp các dữ liệu và xác định tính hiệu quả, an toàn theo đúng tiêu chuẩn quy định. Hiện Anh có hợp đồng mua 100 triệu liều vắc-xin của hãng liên doanh dược phẩm Anh-Thụy Điển này. Bộ Y tế Anh cho biết nước này dự kiến nhận được 4 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay và 40 triệu liều vào cuối tháng 3/2021. 

Tuy nhiên, ngày 26/11, AstraZeneca thông báo cần tiến hành thử nghiệm bổ sung đối với vắc-xin do hãng sản xuất, tuy nhiên hoạt động này không ảnh hưởng đến quy trình thẩm định cấp phép sản phẩm vắc-xin của hãng. Một số nhà khoa học nghi ngờ về sự ổn định của tỷ lệ hiệu quả 90%, do trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra một số nhầm lẫn. Cụ thể là những người tham gia thử nghiệm vắc-xin của AstraZeneca ban đầu chỉ được tiêm nửa liều, sau đó mới được tiêm liều đầy đủ.

Ngoài vắc-xin của AstraZeneca, Chính phủ Anh cũng đã chính thức yêu cầu MHRA thẩm định vắc-xin do công ty dược phẩm Mỹ và Đức Pfizer/BioNTech đồng phát triển. Trước đó, Pfizer/BioNTech cũng đã thông báo vắc-xin do 2 công ty sản xuất đạt hiệu quả ngừa COVID-19 trên 90%.

Trong khi đó, nhóm phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga đã đề xuất với AstraZeneca kết hợp việc tiêm vắc-xin của họ với mũi tiêm Sputnik V để tăng hiệu quả trong lần thử nghiệm lặp lại. 

Trong thông báo đề xuất trên tài khoản Twitter, nhóm trên nêu rõ phác đồ tiêm phòng vắc-xin AstraZeneca đầy đủ hiện tại đã cho thấy hiệu quả 62%. Nhóm tin tưởng rằng một phác đồ kết hợp giữa mũi tiêm AstraZeneca với Sputnik V – dựa trên virus adenovirus ở người, có thể làm tăng hiệu quả của vắc-xin và có khả năng tái chủng ngừa. 

Theo WHO, tính đến đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia trên thế giới đã nghiên cứu phát triển 193 vắc-xin ngừa COVID-19, trong đó 42 vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng. Pfizer và BioNTech là những hãng dược đầu tiên công bố số liệu thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên diện rộng thành công. Theo kế hoạch cung ứng, hai công ty trên hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắc-xin trên toàn thế giới trong năm 2020 và tối đa 1,3 tỷ liều trong năm 2021.

Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ ngày 16/11 thông báo vắc-xin thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2. (BTT)