Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Xác định được nguyên nhân khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước

Khủng long bị xóa sổ khỏi trái đất do thiên thạch chứ không phải do hoạt động của núi lửa, theo nghiên cứu mới.

Thiên thạch, va chạm với trái đất ngoài khơi Mexico vào cuối kỷ Phấn trắng cách đây 66 triệu năm, từ lâu được cho là nguyên nhân gây ra sự tuyệt chủng của tất cả các loài khủng long. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, hàng chục nghìn năm phun trào núi lửa có thể là nguyên nhân thực sự của sự kiện tuyệt chủng.

Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London, Đại học Bristol và Đại học London, Anh chỉ ra rằng, chỉ có tác động của thiên thạch mới có thể tạo ra những điều kiện khiến trái đất trở thành nơi không thể sinh sống được với loài khủng long.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, về mặt dài hạn, các núi lửa khổng lồ cũng có thể giúp sự sống hồi sinh sau vụ va chạm của thiên thạch.

Trưởng nhóm nghiên cứu – Tiến sĩ Alessandro Chiarenza – đã tiến hành nghiên cứu này khi đang học tiến sĩ tại Đại học Hoàng gia London cho hay: “Chúng tôi cho thấy rằng, thiên thạch là nguyên nhân gây ra mùa đông kéo dài nhiều thập kỷ và những tác động môi trường đó hủy hoại môi trường phù hợp với loài khủng long.

Vụ va chạm của thiên thạch là nguyên nhân khủng long tuyệt chủng. (Ảnh: shropshirestar.com)

Ngược lại, ảnh hưởng của các vụ phun trào núi lửa dữ dội không đủ mạnh để phá vỡ đáng kể các hệ sinh thái toàn cầu”.

“Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận, lần đầu tiên về mặt định lượng, rằng lời giải thích hợp lý duy nhất cho sự tuyệt chủng là mùa đông tác động dẫn tới xóa sổ môi trường sống của khủng long trên toàn thế giới” – trưởng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu gợi ra rằng, vụ va chạm của thiên thạch sẽ giải phóng các bụi khí vào bầu khí quyển, chặn ánh sáng mặt trời trong nhiều năm và gây ra mùa đông kéo dài.

Các vụ phun trào núi lửa cũng tạo ra các bụi khí và chặn ánh sáng mặt trời, đồng thời trong khoảng thời gian tuyệt chủng hàng loạt, các sự kiện phun trào đã xảy ra hàng chục nghìn năm ở khu vực Deccan Traps – Ấn Độ ngày nay.

Để xác định xem thiên thạch hay núi lửa có năng lực biến đổi khí hậu nhiều hơn, các nhà nghiên cứu thường sử dụng các dấu địa chất của khí hậu và các mô hình toán học. Trong nghiên cứu mới lần này, các nhà nghiên cứu đã kết hợp những phương pháp trên với thông tin về các yếu tố môi trường, như lượng mưa và nhiệt độ, mà các loài khủng long cần để phát triển.

Sau đó, các nhà nghiên cứu lập bản đồ để xác định nơi những điều kiện này vẫn còn tồn tại trên trái đất sau vụ va chạm thiên thạch hoặc tác động của núi lửa.

Kết quả cho thấy, chỉ có vụ va chạm của thiên thạch mới xóa sổ môi trường sống của khủng long. Trong khi đó, núi lửa phun trào để lại một số khu vực có thể sinh sống được ở quanh đường xích đạo, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học PNAS của Mỹ.

Đồng tác giả nghiên cứu – Tiến sĩ Philip Mannion – Đại học London cho biết thêm: “Trong nghiên cứu này, chúng tôi bổ sung một phương pháp mô hình hóa cho dữ liệu địa chất và khí hậu quan trọng cho thấy tác động tàn phá của vụ va chạm thiên thạch đến môi trường sống toàn cầu. Về cơ bản, nó tạo ra một “màn hình xanh chết chóc” cho loài khủng long”. (Z/N)