Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vợ nhạc sĩ Thanh Bùi bị thêm tội lừa đảo, sẽ tăng án tù


SÀI GÒN, Việt Nam – Bà Trương Huệ Vân, tổng giám đốc tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị Cơ Quan Điều Tra Bộ Công An cáo buộc thêm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” giúp bà Trương Mỹ Lan ký nhiều hợp đồng mua trái phiếu “ma”.

Trương Huệ Vân, cháu gái Trương Mỹ Lan, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh phát giai đoạn 1. Hình Pháp Luật

Báo VNExpress hôm 10 Tháng Sáu dẫn tin từ Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế, Buôn Lậu thuộc Bộ Công An nêu trong kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn hai cho biết như trên.

Bà Trương Huệ Vân, 35 tuổi, là thế hệ thứ tư trong gia tộc họ Trương điều hành “đế chế” Vạn Thịnh Phát. Bà Vân kết hôn với nhạc sĩ Thanh Bùi, Việt kiều Úc, khi mới 25 tuổi và có hai con chung.

Theo kết luận điều tra, bị can Vân cùng 26 bị can khác bị cáo buộc đã sử dụng bốn công ty thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thông qua công ty chứng khoán Tân Việt và ngân hàng SCB chào bán 25 mã trái phiếu ma, không có tài sản bảo đảm với khối lượng 309 triệu trái phiếu để thu về hơn 30,869 tỷ đồng ($1.2 tỷ), rồi chiếm đoạt sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, riêng Vân giúp cô ruột chiếm đoạt 13,000 tỷ đồng ($511.3 triệu).

Trương Huệ Vân và Thanh Bùi. Hình Home

Quá trình điều tra, bị can Vân thừa nhận biết công ty tập đoàn Quản Lý Bất Động Sản Windsor do mình làm tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật, không có nhu cầu đầu tư trái phiếu thực tế, cũng như không có đủ 13,000 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu.

Việc bị can Vân ký vào các hợp đồng, giấy tờ là làm theo chỉ đạo của bà Lan, khi được nhân viên đưa cho bộ hồ sơ hợp đồng mua bán trái phiếu và các chứng từ liên quan đã có đủ chữ ký của bị can Nguyễn Hữu Hiệu, phó tổng giám đốc tài chính công ty WMC và công ty An Đông, nên “tin tưởng ký theo.”

Ở giai đoạn một của vụ án, bị can Vân bị xác định đã thực hiện chỉ đạo của bà Lan, đồng thời lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty “ma” và bốn công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay tại ngân hành SCB, giúp bà Lan chiếm đoạt hơn 1,088 tỷ đồng ($42.7 triệu) và gây thiệt hại 25 tỷ đồng ($983,375).

Bị cáo Trương Huệ Vân trong phiên tòa sơ thẩm hồi Tháng Ba. Hình VNExpress

Bị can Trương Huệ Vân được ghi nhận nộp 1,063 tỷ đồng ($43.7 triệu) và $3,000 “khắc phục hậu quả.”

Tiền “khắc phục hậu quả” được hiểu là tiền do thân nhân của bị can, bị cáo nộp để đổi lại bản án nhẹ hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm Sát khi phiên tòa diễn ra.

Nhờ số tiền này và chỉ “có vai trò là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của bà Lan, không được hưởng lợi, đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo và hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra,” nên trong phiên tòa sơ thẩm hồi Tháng Tư vừa qua, Hội Đồng Xét Xử chỉ tuyên án 17 năm tù.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trong một phiên tòa hồi Tháng Ba. Hình Tuổi Trẻ

Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ cùng ngày dẫn kết luận điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB giai đoạn 2, từ Bộ Công An cho biết tử tù Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã “xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình và sẽ trả nợ trái phiếu” bằng cách sử dụng toàn bộ tiền, tài sản của mình đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn, thu giữ và toàn bộ các khoản tiền, tài sản mà Tòa Án ở Sài Gòn đã tuyên các cá nhân/tổ chức phải trả lại hoặc bồi thường cho bà Lan để ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu cho các trái chủ.

Ngoài ra, bà Lan cũng đã “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt,” đồng thời tập đoàn Vạn Thịnh Phát và gia đình đã nộp “tiền khắc phục” một phần hậu quả. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị tòa “xem xét khi lượng hình,” trong phiên xử sắp tới. (T/H, N/V)