VN: Người chết, người đi tù… vẫn nằm trong danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19
Huyện Chư Păh (Gia Lai) đã lập danh sách 1.265 người để nhận tiền hỗ trợ do dịch viêm phổi Vũ Hán, thế nhưng, danh sách lại có cả người chết, người đi tù, người không có tên trong hộ khẩu, người bị sai tên họ,…
Báo chí trong nước vừa dẫn lại báo cáo số 204 từ Ban Điều phối thực hiện Nghị quyết 42 thuộc UBND huyện Chư Păh (Gia Lai), về kết quả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch viêm phổi Vũ Hán.
Báo cáo cho biết huyện Chư Păh có 22.913 người thuộc diện hỗ trợ với tổng kinh phí dự kiến khoảng 19 tỷ đồng.
Tổng số người được nhận kinh phí đến ngày 19/6/2020 là 21.648 người, tương ứng với số tiền chi trả là trên 18 tỷ đồng.
Còn 1.265 người được lập danh sách nhưng chưa được trả hoặc không chi trả với tổng số tiền 980.500.000 đồng.
Điều lạ là, trong danh sách 1.265 người này có cả người đã chết, người đi tù, người không có tên trong hộ khẩu, người bị sai tên họ…
Cụ thể, danh sách có 69 người chết; 68 người đi làm xa, chuyển đi nơi khác không liên lạc được, đi tù; 95 người không có CMND, sổ hộ khẩu, không có giấy chứng nhận hộ nghèo; 503 người có tên trong danh sách nhưng không có tên trong sổ hộ khẩu, sai họ tên; 236 người là hộ nghèo, hộ cận nghèo trùng tên, trùng với đối tượng người có công, bảo trợ xã hội; 294 người là nhân khẩu đã tách khỏi hộ.
Ông Rơ Châm Ghí – Trưởng phòng Lao động, Thương binh Xã hội huyện Chư Păh biện giải rằng, vì danh sách được lập từ tháng 12/2019, nên đầu năm 2020, họ đã chết, hoặc đi khỏi địa phương nên số liệu trên có chút sai lệch. Ông Ghí cũng không quên “đổ lỗi” cho chính quyền địa phương xã.
“Huyện sẽ kiểm điểm các xã và rút kinh nghiệm. Sai là do khách quan, dưới cơ sở không nắm được, họ chỉ tổng hợp, lập theo danh sách chứ không rà soát, khi phát hiện sai thì mới bắt đầu rà soát và cứ theo danh sách chi trả”, ông Ghí nói trên tờ VTC.
Trước sự việc này, dư luận đặt câu hỏi, liệu “trong danh sách 21.648 người đã được phía huyện Chư Păh chi trả 18 tỷ đồng”, có trường hợp nào “không may” bị chi trả sai? Liệu có tình trạng quan chức chia chác nhau, khi mà cách đây không lâu, báo chí trong nước đã phản ánh việc quan chức các nơi ăn chặn, tham nhũng hoặc chậm chi trả cho người dân.
Điển hình, tại Thanh Hoá, người nhà của nhiều quan chức lãnh đạo cấp xã, huyện đã tự ý đưa tên vợ con mình vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để được nhận tiền. Trong khi đó, nhiều người dân có gia cảnh khó khăn thật sự thì không được đồng nào, không có trong danh sách được hỗ trợ của Chính phủ.
Hôm 11/6, tờ Tuổi Trẻ đưa tin ở xã Ba Nang (Quảng Trị), mỗi người nghèo nhận được 750.000 đồng đều phải “tự nguyện” trích lại 50.000 đồng cho cán bộ “uống nước”.
Chủ tịch UBND xã Ba Nang sau đó biện giải rằng việc thu 50.000 đồng mỗi khẩu hộ nghèo là để chia sẻ bớt cho những hộ cận nghèo.
Hôm 13/6, ông Nguyễn Sỹ Cương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nói tại Nghị trường Quốc hội về các vấn nạn nhũng nhiễu trong chuyện giải ngân gói 62.000 tỷ rằng: “Một bộ phận cán bộ cố tình làm trái, tìm cách hưởng lợi thay vì triển khai các hướng dẫn cụ thể. Họ đã nghĩ ra đủ cách, đủ mánh khóe để chiếm đoạt tiền hỗ trợ, cũng như thu vén cho gia đình và họ hàng,… Lâu nay cứ mỗi khi Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho người dân do bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền cơ sở lại coi đó là cơ hội để trục lợi”. (T/T)