Vietnam Airlines đòi chính phủ CSVN cấp ngay $519 triệu USD vì thua lỗ
HÀ NỘI, Việt Nam – Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa đề nghị chính phủ CSVN cấp ngay 12,000 tỷ đồng ($519 triệu USD), nếu không thì hãng này được dự báo “sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản từ Tháng Tám.”
Tuy vậy, muốn trợ giúp khẩn cấp khoản tiền được hiểu là vay ưu đãi 0% nêu trên, chính phủ CSVN chỉ có cách “‘lách luật.”
VNExpress hôm 15 Tháng Bảy cho biết, nếu Vietnam Airlines chọn tăng vốn từ cổ đông hiện hữu (Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp) thì sẽ gặp khó do theo Luật 69 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước thì việc kinh doanh vận tải hàng không “không thuộc ngành nghề nhà nước phải tăng vốn điều lệ.”
Còn nếu Vietnam Airlines chọn cách rót vốn thông qua Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước hoặc một doanh nghiệp thuộc Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp thì theo quy trình, các bên này thường phải mất từ 6 đến 9 tháng nghiên cứu, định giá thỏa thuận đầu tư, trong lúc hãng hàng không đang kẹt tiền gấp.
Một phương án khác là tăng vốn nhờ phát hành cho cổ đông hiện hữu thì vướng Luật Chứng Khoán với quy định “doanh nghiệp phải có lãi trong quý gần nhất,” trong lúc trên thực tế, Vietnam Airlines được ghi nhận lỗ nặng trong quý I/2020.
Ông Nguyễn Đức Kiên, người đứng đầu tổ Tư Vấn Kinh Tế cho Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc, nói với VNExpress rằng một số đề nghị trợ giúp Vietnam Airlines trước mắt là: “Ngân Hàng Nhà Nước tái cấp vốn, cho vay bắc cầu thông qua các tổ chức tín dụng, cho cấp tín dụng vượt hạn mức với Vietnam Airlines, phát hành cổ phiếu để tăng vốn, xử lý các vấn đề về khấu hao, chi phí cố định…”
Đáng lưu ý, trong một bài khác, VNExpress dẫn lời biện hộ của ông Dương Trí Thành, tổng giám đốc Vietnam Airlines, về việc tại sao chính phủ CSVN phải cấp ngay 12,000 tỷ đồng cho hãng này: “Là hãng hàng không quốc gia, ngoài nhiệm vụ chung, Vietnam Airlines còn phải phục vụ an ninh quốc phòng, vai trò nhà nước giao phó, bay giải cứu, hồi hương ngày càng nhiều.”
Báo Đầu Tư dẫn một ý khác của ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng Vietnam Airlines: “Việc chính phủ trợ giúp cho chúng tôi cũng chính là cách chính phủ bảo vệ khoản đầu tư của mình khi đang nắm giữ 86% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines.”
Giải thích về việc ngành hàng không Việt Nam lao đao vì dịch COVID-19, nhưng chỉ có Vietnam Airlines “kêu khó, xin trợ giúp,” ông Hiền nói: “Đó hoàn toàn không phải là sự ỷ lại mà là sự minh bạch, thái độ có trách nhiệm với các cổ đông đang đầu tư vào hãng. Tại Việt Nam, các chính sách trợ giúp doanh nghiệp hàng không là không lớn, mới chớm được triển khai hoặc vẫn đang giai đoạn xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.”
Ông Lê Mai Hữu Lâm, tổng giám đốc Công Ty Thiết Bị Điện Công Nghiệp Cát Vạn Lợi, bình luận trên trang cá nhân: “Lãi thì sao không chia, lỗ thì kêu chính phủ và dân cùng cứu. Nền kinh tế thị trường XHCN? Cứ như Thai Airways cứ để phá sản, ai giỏi hơn thì mua. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làm gì, bây giờ đòi cứu. Cạnh tranh không công bằng so với doanh nghiệp tư nhân. Bao nhiêu doanh nghiệp thoi thóp sao không cứu? Doanh nghiệp tư nhân chỉ cần cơ chế thông thoáng, không cần tiền trợ giúp của chính phủ thì cũng là niềm ước mơ rồi.”
Tờ Thanh Niên dẫn nguồn Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế (IATA) dự báo, dịch COVID-19 làm lượng khách của Vietnam Airlines giảm 4%, doanh thu giảm 50,000 tỷ đồng ($2.1 tỷ), dự kiến lỗ 29,000 tỷ đồng ($1.25 tỷ), dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng ($691.8 triệu). (N/V)