Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam: Tranh giành quyền lực quyết liệt sau khi chiến thắng virus

Kinh tế và Trung Quốc là hai vấn đề hàng đầu đối với đảng Cộng Sản Việt Nam trong khi chuẩn bị chọn ra « Tứ trụ », đó là nhận xét của báo Nhật Nikkei Asian Reviews trong bài viết mang tựa đề « Tranh giành quyền lực ở Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt sau khi chiến thắng con virus », đăng trên mạng ngày 28/04/2020.

Tờ báo mô tả, trong chiếc áo sơ mi trắng, không đeo cà-vạt và không mang khẩu trang, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có vẻ tự tin và nhẹ nhõm khi phát biểu trong cuộc họp chính phủ thứ Tư tuần trước. Ông có lý để tỏ ra thoải mái: đã nhiều ngày qua Việt Nam không ghi nhận thêm một ca nhiễm virus corona nào.

Ông Phúc thông báo, giờ đây « đã đến lúc giảm dần lệnh phong tỏa » được đưa ra để ngăn chận nạn dịch. Dù nhấn mạnh « tối nay không phải là thời điểm để đổ ra đường ăn mừng », đây gần như là một tuyên bố về chiến thắng mà ông có thể hy vọng, đúng vào dịp 30 tháng Tư – ngày thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Và tháng Giêng tới, Đại hội Đảng Cộng Sản sẽ đề cử một lớp lãnh đạo mới.

Các chuyến bay nội địa đã được phép nối lại từ thứ Năm, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ tại hầu hết các nơi, trừ vài quận ở Hà Nội. Cho dù Việt Nam đã kiểm soát được con virus với chỉ 270 trường hợp dương tính và không có ca tử vong nào tính đến đầu tuần này, đại dịch đã làm đảo lộn kế hoạch kinh tế và ngoại giao của chính phủ trong năm 2020.

Đất nước đang phải đối mặt với một số vấn đề lớn, trong đó có việc làm thế nào để vực dậy tăng trưởng, và những ai sẽ chiếm giữ bốn vị trí quyền lực nhất từ năm 2021 đến 2026. Các câu trả lời có thể tác động sâu sắc đến chiến lược kinh tế của Việt Nam, chưa kể mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Cuộc đua vào « Tứ trụ »

Sau khi nhà sáng lập Hồ Chí Minh qua đời, đảng Cộng Sản đã tránh việc tập trung quyền lực bằng cách chia quyền lãnh đạo cho « Tứ trụ ». Trên thực tế, vị trí quyền lực nhất là tổng bí thư, tiếp theo là thủ tướng, chủ tịch nước và chủ tịch Quốc Hội. Nhưng vấn đề sức khỏe đã làm đảo lộn sự cân bằng này trong những năm gần đây.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, đã kiêm thêm chức chủ tịch nước vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời ở tuổi 61. Ban đầu được coi là giải pháp tạm thời, nhưng như vậy đã tạo ra tình huống tương tự như ở Trung Quốc, nơi ông Tập Cận Bình giữ một lúc hai chức chủ tịch nước và tổng bí thư đảng.

Ông Trọng có vấn đề về sức khỏe, các nguồn tin ngoại giao cho biết ông đã bị đột quỵ nhẹ vào tháng 4/2019. Ông không còn tham dự các sự kiện, trong lúc thủ tướng Phúc nổi bật như gương mặt đại diện của Việt Nam trên thế giới, gặp gỡ các nhà lãnh đạo từ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Bây giờ cuộc đua đã bắt đầu để xác định ai sẽ ở lại và ai sẽ ra đi, ai sẽ nổi lên và ai sẽ rơi đài. Một số chuyên gia cho rằng thời của ông Trọng còn lâu mới kết thúc, dù tuổi cao và bệnh tật. Ông có thể duy trì cả hai chức vụ.

Hồi tháng Giêng, ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra các quy định mới về việc thay đổi lãnh đạo, bảo đảm mở cửa cho các vị trí trong Tứ trụ vượt ra ngoài giới hạn tuổi truyền thống là 65. « Quy định mới về lãnh đạo của ông Trọng là mơ hồ, có thể hiểu là cố tình, đặc biệt về hai chức vụ quan trọng nhất là tổng bí thư và thủ tướng » – Dương Quốc Chính, một nhà bình luận chính trị ở Hà Nội nói với Nikkei Asian Review.

Những thông tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng đã tham dự một cuộc họp của Bộ Chính trị và các quan chức cao cấp khác để xem xét tình hình dịch Covid-19, chỉ làm tăng thêm các đồn đoán. Ông Trọng chỉ đưa ra một thông điệp công khai về đại dịch, viết ngày 30/03, rằng Việt Nam cần phải « hợp tác với các nước trên khắp thế giới và giành chiến thắng trong cuộc chiến với con virus corona ».

Một số nói rằng sự hiện diện của ông Trọng đóng góp vào sự ổn định chính trị. Nhưng điều này cũng có nghĩa là khiến Tứ trụ trở thành Tam trụ.

Những ứng cử viên tiềm năng

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng về hưu, chỉ có một vài ứng cử viên có thể thay thế ông làm tổng bí thư. Đó là các ông Nguyễn Xuân Phúc, 65 tuổi, và Trần Quốc Vượng, 67 tuổi, thường trực Ban Bí thư, được cho là cánh tay mặt của ông Trọng. Rồi đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 66 tuổi, chủ tịch đương nhiệm Quốc Hội và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan này.

Theo chuyên gia Lê Hồng Hiệp, thuộc ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore, thì « Việt Nam chưa sẵn sàng có một tổng bí thư là phụ nữ ». Thế nên các ứng viên « nhiều tiềm năng nhất » là ông Vượng và ông Phúc.

Một chuyên gia giấu tên nói rằng ông Vượng là chọn lựa khả dĩ nhất. « Hồ sơ của ông Vượng rất sạch sẽ, và ông đã là phụ tá cho ông Trọng » kể từ sau tin đồn đột quỵ. Một người khác không đồng tình, cho rằng « Ông Phúc là ứng cử viên mạnh nhất, vì ông đã đóng vai trò người lãnh đạo đất nước, xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại kể từ tháng Tư năm ngoái ».

Cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng của địa lý. Sự kình địch như trong thời chiến giữa thủ đô Hà Nội và trung tâm thương mại miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh, luôn dai dẳng. Vị trí cao nhất là tổng bí thư luôn thuộc về một nhân vật miền Bắc hoặc miền Trung.

Trong kỳ đại hội năm 2016, thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, người miền Nam, được cho là ứng viên nặng ký cho chức tổng bí thư, nhưng ông Dũng buộc phải rút lui sau cuộc đấu đá với ông Trọng. Ông Phúc là người miền Trung, còn bà Ngân miền Nam.

Công chúng chỉ chú ý đến quan điểm về Trung Quốc

Bất kể nguồn gốc từ đâu, công chúng tìm kiếm những dấu hiệu từ quan điểm của tất cả ứng cử viên đối với Trung Quốc. Dù có chung ý thức hệ cộng sản, tâm lý chống Trung Quốc bắt rễ sâu sắc tại Việt Nam, được nuôi dưỡng qua lịch sử đầy những cuộc xung đột qua 1.200 km đường biên giới, và những vụ đụng chạm diễn ra dai dẳng trên Biển Đông.

Nếu mục tiêu của Hà Nội là giữ khoảng cách với Bắc Kinh và xích lại gần Washington, thì theo một số người, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh thích hợp cho chức thủ tướng, hoặc là chủ tịch nước. Ông Minh là người miền Bắc, dường như là thiên về Trung Quốc nhưng thông thạo tiếng Anh, có bằng thạc sĩ luật và ngoại giao của trường đại học Tufts, Hoa Kỳ.

Ông Vương Đình Huệ, bí thư thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Văn Bình, cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng được nêu ra cho chức thủ tướng. Còn chức chủ tịch nước, có khả năng ông Phúc có thể chuyển sang giữ chức này ; hoặc bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Thiện Nhân có thể nổi lên như ứng cử viên của miền Nam. Các chuyên gia nói rằng một phụ nữ khác có thể thay chân ông Phúc hoặc bà Ngân ở Quốc Hội.

Cho dù ai được đưa lên ở các vị trí cao nhất vào năm tới, cũng sẽ có rất nhiều việc phải làm để sửa chữa các thiệt hại của năm 2020 do con virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra.

Chiến thắng con virus, nhưng cũng chịu nhiều thiệt hại

Về mặt y tế, đất nước 96 triệu dân này gần như vô sự trước dịch bệnh virus corona, nếu những con số có thể tin được. Chính quyền đã nhanh chóng hành động, dừng tất cả những chuyến bay đi và đến Hoa lục kể từ ngày 01/02, và đóng cửa các trường học từ ngày 03/02.

Trong khi các nước láng giềng như Indonesia và Singapore có số người bị lây nhiễm trên dưới 10.000, thì Việt Nam dường như đã ngăn chận được con virus nhờ theo dõi bằng các biện pháp nghiêm ngặt, mà chỉ có một nhà nước độc đảng cộng sản mới có thể áp đặt được. Chính quyền siết chặt việc đi lại trong nước, ra lệnh tự cách ly tại nhà, đóng cửa các doanh nghiệp và tăng cường tầm soát các tiếp xúc với người bị dương tính.

Tất cả đã mang lại kết quả, giúp Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, cũng như Việt Nam từng là nước đầu tiên tuyên bố ngăn chận được dịch SARS vào năm 2003.

Tuy nhiên Việt Nam cũng không tránh khỏi sự tàn phá của dịch Covid-19.

Tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng 3,82% trong quý đầu, thấp hẳn so với tỉ lệ 6,97% trong ba tháng cuối năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất công bố ngày 14/04 dự đoán kinh tế Việt Nam chỉ tăng 2,7% trong năm nay, sau hai năm liên tiếp đạt tỉ lệ 7%. Tăng trưởng âm cũng không thể loại trừ.

Chính phủ cũng có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội về ngoại giao. Với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, lẽ ra Việt Nam đón tiếp một hội nghị thượng đỉnh ở Đà Nẵng trong tháng này, nhưng đã dời lại ít nhất là đến cuối tháng Sáu. Hà Nội nóng lòng muốn tăng cường hợp tác trong ASEAN, như một lớp đệm chống lại Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế đầy triển vọng trên trường quốc tế, nhưng những mục tiêu này còn phải chờ thời gian.

Nikkei Asian Review kết luận, chắc chắn rằng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chờ đợi lâu trong việc thúc đẩy quan điểm về phục hồi kinh tế, và củng cố vị thế chính trị của mình. (RFI)