Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam thương lượng mua hệ thống phòng không $550 triệu của Do Thái


Cộng Sản Việt Nam đang đàm phán với phía Israel để mua hệ thống phòng không Barak 8 trị giá hơn nửa tỷ Mỹ kim và sẽ gửi một đoàn cao cấp thuộc Bộ Quốc Phòng sang Israel vào tháng tới để thương lượng hợp đồng mua bán này.

Hệ thống phòng không Barak 8 được chế tạo với sự hợp tác giữa Do Thái và Ấn Độ. Hình indiatvnews

Hôm 18/8 tuần qua, trang tin Haaretz của Israel cho biết phía Việt Nam đã quan tâm tới hệ thống phòng không Barak 8 của hãng IAI, trong khi một hãng khác của Israel là Rafael gần đây cũng đang đối thoại với phía Việt Nam nhằm thuyết phục Hà Nội mua ba hệ thống phòng không Spyder của hãng này. Tuy nhiên Hà Nội tỏ ra không mấy thoải mái với Rafael và đã quyết định dành ưu tiên cho IAI.

Barak 8 của IAI được chế tạo để có thể bảo vệ trước một loạt các đe dọa bao gồm từ chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay không người lái, hỏa tiễn hành trình đến tên lửa chống tàu. Hệ thống phòng không do Israel và Ấn Độ hợp tác sản xuất này có thể được triển khai trên đất liền hoặc trên biển.

Những năm gần đây Việt Nam đã gia tăng việc trang bị quốc phòng, nhất là vào khi có những mối đe dọa từ những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Cộng.

Trang Hindustan Times mô tả các đặc điểm tấn công của hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8, gồm:

  • Tầm bắn lên tới 70km
  • Phóng theo phương thẳng đứng, có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa đường không với độ bao phủ 360 độ
  • Khả năng cơ động cao
  • Đầu đạn có uy lực tiêu diệt hiệu quả
  • Radar đa nhiệm có khả năng trinh sát
  • Độ cảm biến cao với hệ thống điều khiển động cơ
  • Có thể cùng lúc theo dấu nhiều mục tiêu
  • Tìm mục tiêu nhanh chóng và đáng tin cậy
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch công ty AIC, được coi là là “trung gian mấu chốt của các thương vụ mua bán” vũ khí giữa Israel và Việt Nam.

Ngoài nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu từ Nga, Việt Nam cũng mua vũ khí từ Israel. Bộ Quốc Phòng Israel không công bố thông tin cụ thể doanh thu bán vũ khí cho từng nước, nhưng các nguồn thông tin mà báo Haaretz có được cho thấy trong một thập niên qua, Israel đã bán cho Việt Nam vũ khí trị giá $1.5 tỷ Mỹ kim.

Việc bán vũ khí của Israel cho Việt Nam cũng gặp một số khó khăn. Vào cuối tháng Tư, Cộng Sản Hà Nội quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một người được cho là trung gian đứng giữa các vụ mua bán giữa hai nước.

Bà Nhàn -nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám Đốc Công Ty AIC (Công Ty Cổ Phần Tiến Bộ Quốc Tế AIC) -hiện đang bị truy tố với hai cáo buộc về vi phạm quy định về đấu thầu trong các hợp đồng cung cấp trang thiết bị y tế cho hai bệnh viện là Bệnh Viện Đa Khoa Đồng Nai và Bệnh Viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Theo báo Haaretz, bà Nhàn là một nhân vật quan trọng và là người môi giới trong hàng loạt các thoả thuận mua bán vũ khí và thiết bị phục vụ cho công an Việt Nam từ hơn 10 năm qua.

Trong khi đó, báo Israel Defense cho biết bà Nhàn là trung gian kết nối công ty IAI với phía Việt Nam trong hợp đồng thiết bị vệ tinh tình báo Ofek (hay còn gọi là Horizon) trị giá khoảng $550 triệu.

Theo Intelligentonline của Pháp, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chọn thiết bị này của IAI. Thủ Tướng Phạm Minh Chính, người chịu trách nhiệm chính về dự án này, đã thảo luận qua điện thoại với Thủ Tướng Naftali Bennett của Israel sau đó.

Hồi năm 2019, ông Phạm Minh Chính thăm Israel với cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Hồi đầu tháng Sáu, Bộ Quốc Phòng hai nước đã tổ chức Đối Thoại Quốc Phòng lần thứ hai . Theo đó, hai bên cam kết sẽ tăng cường việc hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh; duy trì quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin giữa Bộ Quốc Phòng hai nước. (T/H, V/D)